Thứ 7, 20/04/2024, 16:02[GMT+7]

Hà Nội: Thu hẹp khoảng cách nước sạch nông thôn với thành thị

Thứ 3, 05/07/2022 | 10:27:42
578 lượt xem
Tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; việc bảo đảm công bằng vẫn đang vướng mắc.

Việc tiếp cận nước sạch của người dân vùng nông thôn còn hạn chế

Cấp nước khu vực nông thôn còn khó

Thông tin về công tác cấp nước 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, so với cuối năm 2021, số xã nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch của thành phố tăng 12 xã (gần 62.000 hộ). Tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn đã đạt 264/413 xã (khoảng 3.847.688 người, 961.922 hộ dân nông thôn) được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của thành phố.

Ông Ngô Văn Đức - Phó giám đốc Công ty nước sạch số 2 Hà Nội - cho hay, công ty hiện cung cấp dịch vụ cho hơn 200.000 khách hàng, cơ bản đúng nghĩa dịch vụ công. Việc có sự chênh lệch trong sử dụng nước sạch giữa thành thị và nông thôn, ông Đức lý giải, do khu đô thị, dân trí cao, điều kiện kinh tế tốt, suất đầu tư thấp hơn bởi nhà dân san sát nhau nên đường ống đầu tư ngắn; chi phí quản lý ít hơn; tuy đầu tư thấp nhưng doanh thu cao vì người dân đô thị dùng nước với khối lượng tương đối lớn. Trong khi đó, ở nông thôn, mật độ dân số thưa và xa; đồng nghĩa với việc kéo đường ống đến dài và chi phí lớn, nhưng lượng sử dụng của người dân thấp. Thực tế, một số doanh nghiệp đã đầu tư ở nông thôn, sau đó phải dừng.

Bên cạnh đó, chính sách giá nước theo lũy tiến. Nếu sử dụng dưới 10m3, giá chỉ 5.900 đồng/m3, ở mức dưới giá thành. “Một số đơn vị bán buôn nước sạch cho rằng, nếu tính đúng, đủ, giá bán phải là 7.700 đồng/m3. Với mức 5.900 đồng/m3 chưa bao gồm chi phí đầu tư, doanh nghiệp sẽ lô” - ông Ngô Văn Đức nêu một thực tế. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuê đất chỉ là xây nhà máy, còn đường ống không được hưởng ưu đãi, nên việc tiếp cận nước sạch của người dân vùng nông thôn khó khăn…

Khắc phục tồn tại, hạn chế

Để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sạch đến năm 2025 đạt 100%, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021 liên quan đến “Chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sạch không đạt kế hoạch, còn 166 xã chưa được lắp đặt mạng cung cấp nước sạch”.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu hoàn thành tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sạch đến năm 2025 đạt 100%. Tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư và cung cấp nước sạch; triển khai đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân chủ động nghiên cứu, đăng ký làm chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển cấp nước.

Để hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân đô thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đến năm 2025, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã làm việc với UBND các huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố rà soát tình hình cấp nước và đề xuất giải pháp thực hiện. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành đúng tiến độ các dự án nguồn; các dự án phát triển mạng nhằm mở rộng cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.

Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính, bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty CP Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam. Tình trạng rối rắm và thiếu hiệu quả trong cấp nước sạch ở Hà Nội đặt ra những câu hỏi lớn cho thiết kế thị trường nước sạch tương lai khi vận hành thị trường và thu hút đầu tư tư nhân. Câu hỏi quan trọng là, hai loại chủ thể này có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong hoạt động cung ứng dịch vụ nước sạch - một loại dịch vụ công thiết yếu.

Về lý thuyết, một dịch vụ được xác định là dịch vụ công, sẽ do khu vực công cung cấp có thể ở dạng trực tiếp cung ứng hoặc thông qua đầu tư tài chính. Ở Việt Nam, hiện nay, nhà nước cho phép và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sản xuất và phân phối nước sạch. Theo Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn đơn vị cấp nước theo hình thức chỉ định hoặc đấu thầu. UBND ký thỏa thuận cung cấp nước sạch với đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Đến năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội khóa XIV thông qua, quy định cung cấp nước sạch là một lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) (Điều 6).

Tuy nhiên, trên thực tế, sự tham gia của khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ nước sạch vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tư nhân tham gia vào cung cấp nước sạch ở khu vực chưa có hệ thống đường ống (chủ yếu là khu vực nông thôn) khiến người dân bức xúc vì ở một số nơi, người dân muốn dùng nước sạch phải đóng tiền xây dựng đường ống cho đơn vị cấp nước. Vậy vai trò của nhà nước, tư nhân trong cung cấp dịch vụ cấp nước ở đây như thế nào? Người dân khi tham gia đóng góp vào xây dựng đường ống sẽ có thêm những quyền lợi gì trong khi nhà nước phải đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch? Cơ chế đầu tư theo phương thức PPP trong cung cấp dịch vụ nước sạch phải được triển khai như thế nào để đạt được mục tiêu nước sạch cho toàn dân? Đó là những vấn đề cần có giải pháp thỏa đáng để thị trường nước sạch vận hành hiệu quả hơn!

Theo congthuong.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày