Thứ 2, 25/11/2024, 00:28[GMT+7]

Phát hiện thêm manh mối về nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến bệnh viêm gan nặng ở trẻ em

Thứ 4, 27/07/2022 | 08:30:15
554 lượt xem
Hai nghiên cứu độc lập từ các nhà nghiên cứu Anh cho thấy, sự gia tăng số ca viêm gan cấp tính ở trẻ em gần đây có thể liên quan đến một loại virus phổ biến ở trẻ.

Ảnh minh họa.

Nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu báo cáo các trường hợp mắc viêm gan nặng, hoặc viêm gan không rõ nguyên nhân (viêm gan bí ẩn) ở trẻ em vào tháng 4/2022.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ít nhất 1.010 trường hợp mắc viêm gan ở trẻ em đã được phát hiện ở 35 quốc gia. Tổng cộng 46 trẻ phải ghép gan và 22 trẻ đã tử vong vì căn bệnh này.

Ban đầu các chuyên gia cho rằng adenovirus, một loại virus gây cảm lạnh thông thường, có thể liên quan đến đợt bùng phát này.

Tuy nhiên, các nghiên cứu tại Đại học Glasgow và Bệnh viện Great Ormond Street ở London đã gợi ý rằng một loại virus phổ biến khác, virus liên quan đến adeno 2 (AAV2), có mặt trong hầu hết các trường hợp mắc viêm gan bí ẩn và có khả năng gây ra các biến chứng gan nghiêm trọng nhưng hiếm gặp. Các nghiên cứu đã được báo cáo trước khi được đánh giá ngang hàng.

Các nhà khoa học cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu AAV2 được tìm thấy trong các mẫu bệnh phẩm của trẻ em có phải là dấu hiệu của việc nhiễm adenovirus trước đó hay đây là nguyên nhân mắc bệnh. Trước đây, AAV2 chưa được biết là có thể gây bệnh và không thể tái tạo nếu không có "virus trợ giúp", như adenovirus.

Phát hiện thêm manh mối về nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến bệnh viêm gan nặng ở trẻ em - Ảnh 1.

Khoảng 1.010 trường hợp mắc viêm gan ở trẻ em đã được phát hiện ở 35 quốc gia.  

Theo các nhà nghiên cứu, đồng nhiễm AAV2 và adenovirus, hoặc ít phổ biến hơn là virus herpes HHV6, là một lời giải thích hợp lý cho các trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em và cần phải được nghiên cứu thêm.

AAV2 có mặt trong 96% trường hợp mắc viêm gan trong cả hai nghiên cứu, cùng với 37 trường hợp ở Vương quốc Anh cũng như các nhóm đối chứng.

Các nhà nghiên cứu Scotland cũng tìm thấy sự khác biệt trong gene kháng nguyên bạch cầu người ở những đứa trẻ mắc bệnh nghiêm trọng.

Trong khi các lý do đằng sau của đợt bùng phát bệnh viêm gan ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ ràng, cả hai nhóm nghiên cứu đều cho rằng, đỉnh điểm của những trường hợp nhiễm adenovirus sau khi các lệnh phong tỏa vì COVID-19 được dỡ bỏ có thể là một yếu tố.

Cả hai nghiên cứu cũng kết luận rằng COVID-19 rất khó có liên quan đến tình trạng bùng phát bệnh viêm gan, vì sự gia tăng các trường hợp không theo đỉnh dịch COVID-19, không có bằng chứng về việc virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trong gan và một tỷ lệ tương tự trẻ em có kháng thể như trong các nhóm dân số diện rộng hơn.

Theo vtv.vn