Thứ 2, 25/11/2024, 02:49[GMT+7]

Đất mở lòng nương náu

Thứ 2, 01/08/2022 | 08:42:38
5,974 lượt xem
Ngự Thiên - Long Hưng chính là cửa ngõ nối các lộ Đông - Nam của Đại Việt, nơi mà tôn thất nhà Trần đã quá quen thuộc, gắn bó và thông thạo địa hình. Xuất thân từ nghề chài lưới, không những dạn dày sông nước mà nhà Trần lại rất am hiểu vị trí luồng lạch lợi hại của sông nước Ngự Thiên - Long Hưng. Vì vậy, quân đội nhà Trần đã tận dụng lợi thế những bãi nổi giữa sông Hồng, sông Luộc để dàn binh chặn giặc. Ngã ba sông (sông Hồng và sông Luộc) nay thuộc địa phận xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà với những bãi cát nổi liên tiếp khá hiểm hóc còn gọi là Hải Triều, Hải Thị, chi lưu của sông Luộc bao bọc phía Bắc Ngự Thiên - Long Hưng qua “cửu khúc” lại hình thành chi lưu khác thời nhà Trần được khơi sâu thường gọi là sông Hóa đổ nước ra cửa sông Thái Bình hòa vào biển cả...

Đền Vạn Cầu, thôn An Ry, xã Hồng Châu, huyện Đông Hưng, nơi thờ Đặng Quý Công có công lao lớn với nhà Mạc, phối thờ Thái giám nhà Minh vong quốc phò nhà Mạc.

Theo sử cũ, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (năm 1258), dưới sự chỉ huy của Khâm Thiên Vương Trần Nhật Hạo, theo Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, đội quân Tinh Cương đã dùng thuyền đón đưa gia quyến và các triều thần rời thành Thăng Long về lánh giặc ở Ngự Thiên. Truyền ngôn, làng Quan Hà (được xác định là khu vực làng Hú, làng Vải, xã Hòa Tiến và xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà nay) dân gian gọi là làng Chúa bởi chính nơi đây Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã đưa các công chúa nhà Trần về ở nhưng phải tới cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) do có sự nhìn nhận và đánh giá rất cao về Ngự Thiên của các triều thần mà các vua Trần đã dứt khoát lựa chọn Ngự Thiên làm nơi lánh giặc và xây thành phòng ngự trước những nguy cơ tấn công ào ạt vô cùng tàn khốc của quân thù. Thông qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Nguyên Mông (1285 - 1288) địa bàn chiến lược được triều đình nhà Trần xác định rõ ràng là phía Đông Nam thành Thăng Long chính là vùng đất Ngự Thiên, Long Hưng. Cũng bởi vậy mà thời hậu Trần (1400 - 1407), Giản Định đế (Trần Ngỗi) lại một lần nữa tìm về mảnh đất cha ông của ông từng lui về lánh nạn để tự mình xây dựng cứ địa mưu sự lớn.

Lần theo sử cũ, nếu năm Đại Bảo thứ 3 (1442), Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao phải chạy về đất Ngự Thiên tránh sự truy sát, đến Trạm Chay chuyển dạ sinh Thái tử Lê Tư Thành thì đến thời Lê Chiêu Tông, vị hoàng đế thứ 10 của triều Lê, ở ngôi từ năm 1516 - 1522 một lần nữa đất Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà) lại “mở lòng” đón vua về ấp Mỹ Xá, nương náu ở điện Thuần Mỹ. Sách “Truyền thuyết về Chúa chổm” và “Tiên Hưng phủ chí” cũng chỉ ghi chép đại lược: “... Cuối đời Lê sơ, quốc gia ly loạn, Lê Chiêu Tông phải lánh về Ngự Thiên, cuộc sống ngày thường thiếu cơm, thiếu áo, bên vua chỉ có mình ngự nữ Ngọc Quỳnh...”. Trước khi chạy về Mỹ Xá, Lê Chiêu Tông từng lập đàn cúng trời. Thông qua bài cúng, hậu thế có thể tỏ tường nỗi đau của vị hoàng đế bất lực trước sự nhiễu sách của thế lực tà chính. Sách “Đại Việt sử ký toàn” thư chép: Nhân năm ấy lúa nhiều nơi bị sâu, tháng 10 mưa lớn, Lê Chiêu Tông có văn cúng trời rất thống thiết: “Nay nhân vận nước gặp lúc gian truân, thiên hạ tỏ điềm cảnh tỉnh, lúa mùa sắp chín gặp phải hoàng trùng, mùa chiêm bắt đầu lại bị hạn hán. Nhà nông đã bị thất vọng, muôn họ lại phải lo buồn. Thần đang lúc xiêu dạt, chỉ biết hết sức chăm lo. Nghĩ rằng điềm lành chưa ứng là do tệ chính chưa trừ. Có phải do người trung kẻ nịnh lẫn lộn mà chưa biết cách dùng ai, bỏ ai; có phải do hình phạt không trúng mà vẫn còn nhiều lỗi, dùng nhầm, dùng vượt. Hoặc do mạng người phải thí nhiều ở đầu đạn, mũi tên. Hoặc là của dân bị khánh kiệt do sưu cao thuế nặng; hay là người nắm quyền trị nước làm trái lẽ điều hòa, hay kẻ cầm quân đánh dẹp quá tham lam tàn bạo cho nên khí âm dương rối loạn, tai biến xảy ra luôn. Nghĩ lo rất đỗi đau lòng. Kính cẩn khôn tỏ lời cầu khẩn. Cúi xin rủ theo nguyện vọng của dân, chuyển lại máy then tạo hóa để cho mưa ngọt ban khắp nơi... (để dân) kịp thời gieo mạ, lúa má nặng bông chắc hạt, toại nguyện bội thu, trộm cướp im hơi lặng tiếng, nước nhà chóng được bình yên...”. Sử cũ chép: Cung Hoàng và bà Hoàng thái hậu đều bị Mạc Đăng Dung giết. Bấy giờ triều thần có Vũ Duệ, Ngô Hoán, quan Đô ngự sử là Nguyễn Văn Vận, quan Hàn lâm hiệu lý là Nguyễn Thái Bạt, quan Lễ bộ Thượng thư là Lê Tuấn Mậu, quan Lại bộ Thượng thư là Đàm Thận Huy, quan Tham chính sứ là Nguyễn Duy Tường, quan Quan sát sứ là Nguyễn Tự Cường, tước Bình Hồ bá là Nghiêm Bá Ký, quan Đô ngự sử là Lại Kim Bảng, quan Hộ bộ Thượng thư là Nguyễn Thiệu Tri, quan Phó Đô ngự sử là Nguyễn Hữu Nghiêm, quan Lễ bộ tả Thị lang là Lê Vô Cương đều là người khoa giáp cả, người thì nhổ vào mặt Mạc Đăng Dung hay là lấy nghiên mực đập vào mặt, hay chửi mắng, bị Đăng Dung giết đi. Có người thì theo vua không kịp, nhảy xuống sông mà chết, người thì quay đầu về Lam Sơn lạy hồn vua rồi tự tử. Những người ấy đều là người có nghĩa khí để tiếng thơm về sau. Nhân chuyện nhà mạt Lê, tìm trong sử cũ thấy chép: Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi, ngày trước vốn ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà (thuộc Hải Dương) sau dời sang ở làng Cổ Trai (thuộc Nghi Dương, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng bây giờ). Mạc Đăng Dung thuở trẻ, nhà nghèo, làm nghề đánh cá nhưng có sức mạnh, thi đỗ Đô lực sĩ, làm đến Đô chỉ huy sứ về triều vua Uy Mục; đến triều vua Tương Dực, được phong là Vũ Xuyên, đời vua Chiêu Tông phong là Vũ Xuyên bá, sau đó chính Chiêu Tông lại phong Đăng Dung là Vũ Xuyên hầu. Ngày 28 tháng 7 năm 1522, Mạc Đăng Dung vào kinh, lấy cớ “nước không thể một ngày thiếu chủ”, cùng Thái sư Lê Phụ, quận công Lê Chu... đi đón em vua là Lê Xuân ở Mỹ Xá, tôn làm vua (tức vua Lê Cung Hoàng).

Triều chính hậu Lê chao đảo, quyền thần Mạc Đăng Dung về kinh ép vua Lê Cung Hoàng truyền ngôi, sai Đông các đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo chiếu truyền ngôi, trong đó có đoạn: “Xét Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi bẩm tính thông minh sáng suốt có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương các nơi đều phục tùng; bên trong coi sóc trăm quan mọi việc đều tốt đẹp. Công to, đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn, giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành được yên vui, mong kính theo đó”. Văn chiếu thảo xong, truyền cho bách quan xem để cùng ký, quan Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Văn Kiệt quê làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) xem xong chiếu văn trợn mắt, bẻ gãy bút, tự trút bỏ mũ áo, chạy thẳng ra cửa về quê.

Triều Hậu Lê, lúc này mạt triều Lê Chiêu Thống bị phủ Chúa (chúa Trịnh) tiếp tục lấn át vua, quyền bính tập trung trong tay đám quan quân phủ Chúa, trong triều có đến bốn, năm trăm hoạn quan, triều chính nghiêng ngả lại không còn những “tôi trung” như Trương Đăng Quỹ, Uông Sĩ Điển kề bên, Lê Chiêu Thống chao đảo giữa vương triều. Trong lúc loạn triều, vua Lê Chiêu Thống đã đổi chức Tham tụng thành Bình Chương sự, Bồi tụng thành Tham tri, phong cho Uông Sĩ Điển (tức Uông Sĩ Lãng 1737 - 1802) quê làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Vũ Thành, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy) vốn là văn thần đời vua Lê Hiển Tông chức Đồng Bình Chương sự kiêm Lại bộ hữu thị lang thực chất để níu kéo ông ở lại với vua, tìm cách trói buộc chân ông vào ngai vàng. Không thực hiện được ý muốn vào Phú Xuân phò giúp Tây Sơn như Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm... Uông Sĩ Điển bất đắc chí về quê đóng cửa.

Quang Viện