Thứ 6, 29/03/2024, 21:42[GMT+7]

Từ bánh đa làng đến sản phẩm OCOP

Thứ 5, 18/08/2022 | 08:22:14
2,661 lượt xem
Bánh đa làng Dụ Đại, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) từ lâu đã góp phần làm nên thương hiệu canh cá Thái Bình. Hiện nay, người dân trong làng chủ yếu tráng bánh bằng các loại máy công suất lớn, xuất ra thị trường hơn 30 tấn thành phẩm mỗi ngày; mặc dù có khác biệt so với phương thức truyền thống nhưng vẫn giữ được hương vị của sợi bánh, giúp thương hiệu bánh đa Dụ Đại đứng vững trong lòng khách hàng, nâng tầm thành sản phẩm OCOP.

Gia đình chị Nguyễn Thị Huê mỗi ngày xuất bán hơn 3 tấn bánh đa thành phẩm.

Gia đình anh Hoàng Phó Ngừng, thôn Dụ Đại 1 là một trong những hộ sản xuất bánh đa lớn. Với hơn 150m2 nhà xưởng, anh Ngừng xuất bán từ 500 - 600kg bánh đa/ngày đi Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng. Anh Ngừng cho biết: Gia đình tôi có 3 thế hệ làm nghề nhưng phải đến những năm 2007 - 2009 khi gia đình thôi không tráng bánh theo kiểu truyền thống mà đầu tư máy móc, nhà xưởng vào sản xuất thì thu nhập mới khấm khá hơn. Nghề làm bánh đa trước kia vất vả, người dân thường phơi bánh trên các tấm phên, sản xuất tập trung vào mùa hè bởi đây là khoảng thời gian nắng nhiều, bánh đa được phơi đủ nắng sẽ giữ được mùi vị của hạt gạo, khi thái sợi bánh sẽ dai, trắng và thơm. Nhưng từ ngày các hộ sản xuất bánh đa bằng máy thì công việc đỡ vất vả hơn nhiều.

Cũng như gia đình anh Ngừng, gia đình chị Nguyễn Thị Huê, thôn Dụ Đại 1 mỗi ngày xuất bán hơn 3 tấn bánh đa thành phẩm. Với hơn 600m2 nhà xưởng, chị Huê đã đầu tư máy tráng công suất lớn, nồi hơi, 8 máy thái, xây dựng nhà xưởng khép kín với tổng trị giá hơn 1,8 tỷ đồng. Chị còn thuê thêm các gia đình trong thôn cùng sản xuất bánh đa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. 

Chị Huê chia sẻ: Để có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, gia đình tôi phải xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều hộ dân trong làng; thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất của các hộ tham gia chuỗi liên kết nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, gia đình tôi thuê thêm 12 lao động thường xuyên với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng để tham gia sản xuất. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về gần 3 tỷ đồng/năm.

Ông Bùi Vũ Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hải cho biết: Nghề làm bánh đa của người dân Dụ Đại đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đến nay toàn xã có hơn 150 hộ tham gia sản xuất bánh đa với 4 máy lớn, 25 máy nhỏ. Từ một nghề phụ, nghề làm bánh đa đã trở thành nghề chính của người dân, đem lại nguồn thu nhập ổn định và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động thời vụ. Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngân hàng đứng ra tín chấp hơn 42 tỷ đồng cho hơn 300 gia đình hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất, trong đó có đầu tư máy móc, nhà xưởng để sản xuất bánh đa. Hàng năm, Hội phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là những hộ sản xuất bánh đa về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường, từng bước nâng tầm và giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP cho bánh đa làng Dụ Đại.

Khác với một số làng nghề khác khi làm bánh đa nguyên liệu thường pha lẫn cả bột sắn hay bột nghệ cho màu đẹp thì bánh đa Dụ Đại nhiều năm qua chỉ dùng nguyên liệu duy nhất loại gạo Q5. Theo những người làm bánh lâu năm ở đây, chỉ làm bằng loại gạo này thì bánh đa sau khi phơi mới giữ được mùi thơm lâu, không bị dai dù có để lâu trong không khí. Trước đây, người dân Dụ Đại chỉ tập trung sản xuất vào 6 tháng đầu năm nhưng hiện nay với công nghệ hiện đại đã có thể sản xuất bánh đa quanh năm bằng phương pháp sấy trong lò điện giúp bánh đa mau khô, dễ đóng gói và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Bùi Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Đông Hải chia sẻ: Về làng Dụ Đại trong những ngày tháng 8 như bị cuốn hút bởi không khí lao động hăng say của người dân nơi đây. Những năm qua, làng nghề sản xuất bánh đa đã giúp địa phương giải quyết bài toán “ly nông bất ly hương”. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn tín chấp thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội để đầu tư sản xuất, đem lại thu nhập cao. Đời sống của người dân ngày càng khấm khá, số hộ tham gia sản xuất bánh đa có nhà cao tầng, phương tiện sinh hoạt hiện đại đạt hơn 95%. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh đa Dụ Đại; tập trung các hộ sản xuất lớn để tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người dân yên tâm giữ nghề và làm giàu từ nghề truyền thống của quê hương.

 Bánh đa được cuộn nhỏ để tiện cho việc chế biến và vận chuyển.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày