Chủ nhật, 19/05/2024, 16:32[GMT+7]

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Bình

Thứ 5, 18/08/2022 | 08:34:38
3,262 lượt xem
Thái Bình là một trong những địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đảng bộ Thái Bình ra đời sớm, phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã được luyện tôi, tập dượt qua các cao trào đấu tranh 1930 - 1931, 1936 - 1939. Chính vì vậy mà giặc Pháp thường phải tập trung lực lượng tối đa để càn quét, truy lùng, đàn áp.

Đình Đoan Túc, xã Tiền Phong, thị xã Thái Bình - nơi tập trung nhân dân đi giành chính quyền tháng 8/1945. Ảnh tư liệu

Giai đoạn 1940 - 1943, nhiều cơ sở của Đảng bộ tỉnh bị khủng bố, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt. Đến tháng 3/1942, lực lượng đảng viên còn lại chỉ thành lập Ban cán sự mà không thành lập Ban Tỉnh ủy. Tháng 8/1943, hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Ban cán sự bị bắt, nhiều cơ sở cách mạng trên toàn địa bàn tỉnh bị khủng bố ác liệt. Đến cuối năm 1943, Thái Bình không còn ban lãnh đạo tỉnh và bị đứt liên lạc hoàn toàn với Xứ ủy Bắc Kỳ.

Từ đầu năm 1944 trở đi, tình hình quốc tế và trong nước có những biến chuyển, sự truy lùng, bắt bớ của địch đỡ gắt gao hơn. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), một số cán bộ hết hạn tù hoặc vượt ngục trở về đã tìm cách gây dựng lại phong trào. Cuối tháng 3/1945, Ban chấn chỉnh phong trào được thành lập. Tháng 4/1945, Ban chấn chỉnh phong trào họp tại làng Động Trung, đổi tên là Ban Tỉnh ủy. Ngay sau cuộc họp, các công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành khẩn trương. Cuối tháng 6/1945, Tỉnh ủy họp tại làng An Vệ (Quỳnh Phụ) đề ra các chủ trương quan trọng để chủ động chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ sau hội nghị Tỉnh ủy, nhiều hoạt động của quần chúng cách mạng đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, thanh thế của Mặt trận Việt Minh lên mạnh. Chớp thời cơ đã chín muồi, chiều ngày 18/8/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp tại Thượng Tầm (Đông Hưng) quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra sớm nhất ở phủ Thái Ninh. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, nhận được lệnh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chiều ngày 18/8/1945, các lực lượng cách mạng do tự vệ làm nòng cốt đã tiến vào phủ đường, tập trung các viên chức lại, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai Nhật, lập chính quyền cách mạng. Bọn nha lại xin nộp sổ sách, ấn tín. Lực lượng tự vệ tiếp quản phủ lỵ. Hai ngày sau, Ủy ban cách mạng lâm thời phủ Thái Ninh ra mắt tại cuộc mít tinh ở thị trấn Châu Giang với gần 5 nghìn đồng bào trong huyện nô nức tham dự.

Được tin phủ Thái Ninh khởi nghĩa, lãnh đạo Đoàn thanh niên cứu quốc thị xã Thái Bình đã cấp tốc họp, quyết định khởi nghĩa vào sáng ngày 19/8. Đúng 7 giờ sáng ngày 19/8, hơn 4.000 quần chúng cùng lực lượng vũ trang được trang bị súng đạn, giáo mác đã tập hợp tại quảng trường để dự mít tinh. Quân Nhật đã 2 tiểu đội lính đến ém ở hai bên Vọng Cung và đường ra vào, chĩa súng vào cuộc mít tinh. Nhiều đồng chí trung kiên đã tiến lên trước mũi súng của địch. Trong khi lãnh đạo cuộc mít tinh đi tiếp xúc với chỉ huy Nhật và tỉnh trưởng thì lực lượng tham gia mít tinh đã chuyển địa điểm sang sân vận động. Quân Nhật bố trí súng máy ở các ngả đường dẫn vào sân vận động. Trên lễ đài, chúng bố trí hai đại liên chĩa vào sân vận động. Khi Nhật yêu cầu người nào là Việt Minh đứng riêng ra thì các đoàn viên cứu quốc cùng lực lượng tự vệ và đông đảo quần chúng đã nhất tề bước lên, buộc quân Nhật phải chấp thuận yêu cầu của ta. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, quần chúng chào cờ, một đồng chí lãnh đạo cuộc mít tinh tuyên bố chính quyền thuộc về tay nhân dân, sau đó là cuộc diễu hành lực lượng quanh thị xã.

Tại huyện Đông Quan, lãnh đạo Việt Minh đã huy động quần chúng nhân dân từ 8 tổng trong huyện kéo về huyện lỵ vào rạng sáng ngày 19/8, trong đó có hàng trăm người mang theo vũ khí thô sơ như giáo mác, mã tấu cùng đội tự vệ được trang bị súng tiến thẳng vào Đồng Dù, nơi đặt bộ máy ngụy quyền. Lính cơ và viên chức trong huyện hoảng sợ không dám hành động gì. Tri huyện Đào Xuân Khôi xin giao toàn bộ hồ sơ, ấn tín cho cách mạng. Trưa hôm đó, hàng nghìn quần chúng đã tham gia cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban cách mạng lâm thời của huyện.

Vào khoảng 9 giờ ngày 19/8, lãnh đạo Việt Minh huyện Quỳnh Côi họp khẩn cấp thành lập Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban cách mạng lâm thời rồi nhanh chóng phân công cán bộ về các tiểu khu huy động quần chúng. Đúng 12 giờ trưa hôm đó, quần chúng cách mạng từ 5 tiểu khu mang cờ đỏ sao vàng và vũ khí thô sơ nối tiếp nhau thành đoàn tới gần 1 vạn người kéo về huyện lỵ. Tri huyện Phạm Văn Châu đã bỏ trốn từ trước. Các nhân viên ngụy quyền cùng binh lính không dám chống cự, nhanh chóng nộp sổ sách và vũ khí.

Sau khi giành chính quyền ở Quỳnh Côi, một trung đội tự vệ được trang bị vũ khí nhận lệnh tiến về Phụ Dực. Trên đường hành quân, Việt Minh và nhân dân các làng hai bên đường nô nức gia nhập mỗi lúc một đông, rầm rộ kéo về huyện lỵ. Đội bảo an phố Lầy nhanh chóng đầu hàng. Lực lượng khởi nghĩa bao vây huyện lỵ, kêu gọi binh lính đầu hàng. Trong huyện đường khi ấy chỉ còn viên Huấn đạo và mấy tên lính cơ. Lực lượng khởi nghĩa tiến vào tịch thu súng ống, hồ sơ, ấn tín. Tối hôm đó, tri huyện Phan Thanh Diễn được triệu về để bàn giao chính quyền cho cách mạng. Chiều hôm sau, hàng nghìn quần chúng huyện Phụ Dực đã tham gia cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban cách mạng lâm thời của huyện.

Tại phủ Tiên Hưng, được sự phối hợp của tự vệ từ Quỳnh Côi kéo xuống, vào 10 giờ đêm ngày 19/8, lực lượng khởi nghĩa đã chia thành hai mũi tiến vào phủ lỵ. Sau tiếng súng báo hiệu tấn công, đoàn người ồ ạt xông vào phủ đường, lực lượng tự vệ nhanh chóng bắt toàn bộ lính cơ. Tri phủ Trịnh Sĩ Trinh khi ấy đang ở nhà lý trưởng xã Đồng Phú, ban lãnh đạo đã cử người đến bắt về để giao nộp tiền bạc và ấn tín. Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập.

Đúng 13 giờ ngày 19/8, lãnh đạo Việt Minh huyện Duyên Hà nhận được lệnh khởi nghĩa của Tỉnh ủy, đã tiến hành họp khẩn cấp để thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Sau vài giờ huy động lực lượng, khoảng 11 giờ đêm hôm đó lực lượng khởi nghĩa đã vây chặt huyện đường. Đúng lúc đó, tri huyện Nguyễn Tinh Tiết cũng được giải từ trên đê về và đã mời đại diện Việt Minh vào công đường giao nộp đồng triện rồi lệnh cho tay chân giao nộp toàn bộ vũ khí, tài sản. Ngay đêm hôm đó, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại huyện lỵ.

Cũng vào trưa ngày 19/8, lãnh đạo Việt Minh huyện Hưng Nhân triển khai cuộc họp thành lập Ủy ban khởi nghĩa và thống nhất ấn định khởi nghĩa vào 8 giờ ngày 21/8. Theo đúng kế hoạch đề ra, sáng ngày 21/8, lực lượng khởi nghĩa từ các tổng quanh huyện mang theo vũ khí thô sơ xếp thành hàng đôi đi theo cờ đỏ sao vàng hội quân trước cổng huyện đường vào đúng 8 giờ sáng. Khi quân khởi nghĩa kéo vào thì binh lính và nha lại hoảng sợ không dám chống cự. Tri huyện được dẫn giải từ trên đê về để chấp thuận đầu hàng. Ủy ban khởi nghĩa của huyện họp cấp tốc thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc. Nửa giờ sau thì đê Đìa vỡ.

Ở Thụy Anh, sáng ngày 20/8, khoảng 2.000 người từ các làng xã quanh huyện lỵ mang theo vũ khí thô sơ, cờ đỏ sao vàng, băng biển, khẩu hiệu tập trung kéo về huyện lỵ. Khi đoàn người kéo vào huyện đường, tri huyện Nguyễn Đình Duy hoảng sợ lệnh ngay cho nha lại tập hợp hồ sơ, ấn tín và bàn giao huyện đường cho Việt Minh. Ngày 22/8, tại đình Quang Lang đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn chào mừng Ủy ban cách mạng lâm thời của huyện ra mắt.

Tại phủ Kiến Xương, vào tối ngày 20/8, tại làng An Bồi, đại diện Tỉnh ủy đã triển khai kế hoạch khởi nghĩa và thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời. Sáng ngày 22/8, lực lượng của các làng bừng bừng khí thế kéo về địa điểm tập kết theo từng khu vực. Khoảng 1 giờ chiều hôm đó, quần chúng từ các khu vực kéo về vây chặt phủ đường. Sau mấy phát súng báo hiệu, lực lượng khởi nghĩa đã ồ ạt tiến vào phủ đường tịch thu vũ khí, hồ sơ, biến phủ đường thành trụ sở của Ủy ban cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh. Tri phủ Vũ Quý Mão vốn đã được ta tranh thủ từ trước, lúc bấy giờ đang trên đê Trà Lý đã được thuyết phục đầu hàng.

Tối ngày 21/8, kế hoạch khởi nghĩa đã được triển khai ở một số làng thuộc huyện Vũ Tiên. Sáng ngày 22/8, hơn 100 người có trang bị vũ khí thô sơ từ đình Thuận An kéo về huyện lỵ. Khi tới cổng huyện đường, đoàn khởi nghĩa đã kêu gọi binh lính hạ súng đầu hàng. Binh lính tuân theo và giao nộp vũ khí. Một viên nha lại ra đón và xin nộp hồ sơ, sổ sách. Tri huyện Ngô Ngọc Định đang trên đê Thái Lai bị bắt về giao nộp sổ sách và ấn tín. Ngay tối hôm đó Ủy ban cách mạng lâm thời của huyện được thành lập.

Mặc dù đê Mỹ Lộc bị vỡ vào đêm ngày 21/8 nhưng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thư Trì vẫn được gấp rút triển khai. Ngày 22/8, hàng trăm nông dân tổng An Lão và làng Bình An đã dùng 15 chiếc thuyền, tổ chức cuộc tuần hành biểu dương lực lượng. 8 giờ sáng ngày 23/8, ta bao vây, tước vũ khí của bọn thanh niên Đại Việt rồi thẳng tiến ra giành chính quyền tại huyện đường ở Tân Đệ. Khi đến huyện đường, tri huyện Nguyễn Khắc Bằng đang trên đê Mỹ Lộc. Binh lính và nha lại trong huyện đường hoảng sợ, xếp hàng xin nộp vũ khí, hồ sơ, giao huyện đường. Trong hoàn cảnh cả huyện bị ngập lụt do vỡ đê nhưng ngày 25/8, gần 4.000 nhân dân trong huyện vẫn nô nức giương cao cờ đỏ sao vàng kéo về huyện lỵ dự mít tinh chứng kiến Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt.

Trong hoàn cảnh gấp gáp, số đảng viên và cán bộ Việt Minh còn quá mỏng nhưng chỉ trong vòng 6 ngày, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã được thực hiện thắng lợi trên toàn địa bàn tỉnh và Thái Bình là một trong số ít các tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Thế mới hay, đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Sức mạnh của dân là vô cùng, vô tận.

Nguyễn Thanh