Thứ 6, 03/05/2024, 02:04[GMT+7]

Nhiều vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị được làm rõ Bài 1: Có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Chủ nhật, 21/08/2022 | 20:31:28
1,783 lượt xem
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra sôi nổi, nhiều vấn đề “nóng” cử tri quan tâm, bức xúc được đưa ra chất vấn. Thủ trưởng các sở, ngành đã trả lời, làm rõ từng vấn đề với những giải pháp cụ thể và đang khẩn trương thực hiện lời hứa trước cử tri và nhân dân.

Thường trực HĐND tỉnh khảo sát thực tế việc cung cấp nước sạch tại nhà máy nước sạch Thượng Hiền của Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long.

Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII, các đại biểu: Nguyễn Thị Lụa, tổ Vũ Thư; Trần Trung Kiên, tổ Tiền Hải; Nguyễn Đức Tâm, tổ Kiến Xương chất vấn đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp cụ thể để đạt kết quả cao hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025; các giải pháp, cơ chế cho các xã về đích NTM nâng cao, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; biện pháp đôn đốc Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long thực hiện văn bản của UBND tỉnh cũng như biện pháp xử lý của Công ty thời gian tới để bảo đảm việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình thắp sáng đường quê

Theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, đặt ra mục tiêu đến hết năm 2021 làm thí điểm trên 71 xã (10 xã/huyện, thành phố Thái Bình làm 1 xã) phấn đấu hoàn thành trước tết Nguyên đán. Toàn tỉnh có 42 xã thực hiện lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời với tổng chiều dài các tuyến 591,5km, kinh phí hỗ trợ 7,098 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện ở các địa phương chậm, đến hết tháng 5/2022 mới có 14/42 xã tổ chức lắp đặt và đã lắp đặt được 37,22km.

Theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của tình trạng trên là do thiết kế mẫu (bóng đèn 60W, khoảng cách giữa các bóng 40 - 50m chung cho các tuyến đường là chưa phù hợp, độ chiếu sáng không bảo đảm, cần nâng công suất bóng đèn phù hợp với mỗi loại tuyến đường. Mức hỗ trợ 12 triệu đồng/km thấp so với thực tế chi phí lắp đặt. Một số người dân có ý kiến muốn lắp đặt hệ thống đèn điện bằng điện lưới. Công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, đôn đốc ở nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa làm rõ ưu điểm của cơ chế, chính sách nên người dân còn băn khoăn dẫn đến việc triển khai thực hiện chậm. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống điện “Thắp sáng đường quê”, ngành nông nghiệp đã tham mưu và  HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 25 tại kỳ họp thứ tư với các nội dung chính đó là: hỗ trợ tất cả các xã, bỏ thứ tự ưu tiên, hỗ trợ cả lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời và bằng điện lưới. Nâng công suất bóng đèn cho phù hợp với các tuyến đường để bảo đảm độ sáng. Nâng mức hỗ trợ từ 12 triệu đồng/km lên 20 triệu đồng/km đối với tuyến đường trục thôn, nhánh I trục thôn; 25 triệu đồng/km đối với các tuyến đường trục xã, liên xã, đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ. Cùng với đó tham mưu với tỉnh ban hành cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ làm cơ sở sửa đổi hướng dẫn thanh quyết toán đơn giản, nhanh hơn. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân hiểu rõ lợi ích của chương trình; tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.

Các giải pháp, cơ chế cho các xã về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Về các giải pháp, cơ chế cho các xã về đích NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh, đồng chí Đinh Vĩnh Thụy cho biết: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tham mưu ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm và đến nay Thái Bình có 64 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê”; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo thực hiện xây dựng 7 mô hình nâng cao giá trị lúa gạo, 1 mô hình nâng cao giá trị cây khoai tây, 1 mô hình nâng cao giá trị cây dược liệu, các mô hình này đều cho hiệu quả gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa; thực hiện đề án phát triển nông nghiệp gắn với du lịch giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030 và đề án nâng cao giá trị lúa gạo tỉnh Thái Bình. Kết quả, đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 24 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 49% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01, 6 xã hoàn thành 11/11 tiêu chí xã NTM nâng cao.

Mặc dù đạt kết quả tích cực song theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì công tác xây dựng NTM trong những năm đầu nhiệm kỳ có chiều hướng chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều văn bản của trung ương ban hành liên quan đến đầu tư xây dựng NTM chậm. Đến hết năm 2019, cấp huyện, cấp xã hoàn thành và đạt chuẩn NTM song một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, có tư tưởng trông chờ nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM, trong khi nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất hạn chế, nguồn vốn từ trung ương về chậm.

Để tạo động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, mức vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành cơ chế, chính sách khen thưởng đối với xã về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025; cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp để áp dụng quy trình đơn giản, thủ tục rút gọn trong lập, thẩm định, quyết định dự án, lựa chọn nhà thầu thi công công trình và quản lý thi công, bảo trì công trình đối với dự án xây dựng có sự tham gia của cộng đồng. Cùng với đó, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí về xã NTM, bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao; quy định xã NTM kiểu mẫu; một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM, huyện NTM nâng cao do Trung ương giao tùy theo điều kiện thực tế của địa phương theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện và phương pháp đánh giá tiêu chí NTM, NTM nâng cao cấp xã, cấp huyện và xã NTM kiểu mẫu...

Khắc phục ngay tình trạng thiếu nước sạch ở một số địa phương

Đối với việc cấp nước sạch của Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII, cử tri các huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Thái Thụy có phản ánh việc cung cấp nước sạch của Công ty chưa đáp ứng được yêu cầu, thời gian bơm nước chưa phù hợp, áp suất kém, không bảo đảm lượng nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu Công ty khắc phục hoàn thành trước ngày 30/6/2022, trường hợp không khắc phục sẽ điều chỉnh phạm vi cấp nước. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh tiếp tục phản ánh tình trạng trên, Sở đã tổ chức 2 cuộc họp bàn các giải pháp giải quyết; chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thành lập đoàn kiểm tra, cắt cử cán bộ theo dõi từng trạm cấp nước, đôn đốc doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu nước; có văn bản yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống công trình cấp nước của Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long đối với 9 trạm cấp nước nhận chuyển giao ở 25 thôn, 11 xã của 5 huyện. Căn cứ vào kết quả kiểm tra đối với những khu vực chưa khắc phục được trong thời gian sớm nhất Sở phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cục bộ phạm vi cấp nước của nhà máy nước do Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long đang quản lý; điều chỉnh phạm vi cấp nước của Công ty này sang các nhà máy nước phù hợp ngoài Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long quản lý. Đối với những vùng không thể điều chỉnh phạm vi cấp nước, yêu cầu Công ty có biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất bằng việc nâng công suất, nâng cấp mạng lưới đường ống đồng bộ phù hợp với công suất.

Công nhân nhà máy nước sạch Minh Tân của Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long (Kiến Xương) vận hành hệ thống máy bơm nước cung cấp cho nhân dân.


Thu Hiền - Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày