Thứ 3, 16/04/2024, 13:20[GMT+7]

Trồng nấm hướng đến sản phẩm OCOP

Thứ 6, 26/08/2022 | 08:15:40
2,665 lượt xem
Gắn bó với nghề trồng nấm 25 năm, ngoài mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ông Nguyễn Đức Đỉnh, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập (Vũ Thư) còn khát khao thực hiện mô hình trồng nấm hữu cơ nhằm cung cấp sản phẩm nấm sạch cho thị trường và tạo ra sản phẩm mang thương hiệu, dấu ấn riêng của làng quê Tân Lập.

Đóng gói nấm trước khi đưa ra thị trường.

Năm 1997, với hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Đỉnh, bà Nga vượt hơn 1.000km đến Trường Đại học Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để học hỏi kỹ thuật trồng nấm sò trên giá thể mùn cưa cao su. Sau 2 năm học hỏi, thực hành sản xuất nấm tại tỉnh Đắk Lắk, năm 1999 ông Đỉnh trở về quê hương đầu tư hơn 300 triệu đồng và bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm. Nhưng điều kiện thời tiết miền Bắc khắc nghiệt, nguyên vật liệu để sản xuất nấm khi đó khan hiếm, giá thành sản xuất cao, năng suất nấm kém, khiến gia đình ông nhanh chóng thua lỗ nặng nề. Mặc dù thất bại nhưng ông không từ bỏ đam mê mà quyết định tạm xa quê hương vào tỉnh Gia Lai để tiếp tục nghề sản xuất nấm. Miền đất Tây Nguyên nắng gió, nhiều mùn cưa cao su, rất thuận lợi để gia đình ông phát triển nghề trồng nấm. Sau gần 20 năm gắn bó và thành công với nghề trồng nấm ở xa quê, năm 2018, ông Đỉnh, bà Nga quyết định trở về, khôi phục sản xuất nấm ngay tại quê hương. 

“Hai năm đầu, việc khôi phục sản xuất nấm của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khí hậu miền Bắc thường thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến phát triển của nấm, chi phí nguyên liệu sản xuất nấm tăng cao... Tuy nhiên nhờ nắm chắc kỹ thuật, dày dạn kinh nghiệm trồng nấm nên vợ chồng tôi đã vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, mô hình trồng nấm hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao” - bà Phạm Thị Nga chia sẻ.

Gia đình ông Đỉnh đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng 2.000m2 nhà xưởng trồng nấm khá hiện đại, được lắp đặt hệ thống tưới thông minh, mái thông gió, làm mát tự động, kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió. Ngoài ra, ông đầu tư máy móc đồng bộ, hiện đại như lò hấp khử trùng công suất 2.600 bịch/lượt hấp, máy đóng bịch, máy xay, máy phá bịch, máy sàng mùn cưa... để giảm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thay vì nấm sò trắng như nhiều hộ sản xuất, ông đưa các giống nấm nhập khẩu, chất lượng cao của Hàn Quốc, Thái Lan vào sản xuất như: bào ngư xám, bào ngư tím, sò yến, hoàng đế, hoàng kim, hồng ngọc và kết hợp trồng mộc nhĩ. Mặc dù ươm giống nấm đòi hỏi kỹ thuật cao, khắt khe, tỉ mỉ nhưng nhờ đam mê và chịu khó tìm hiểu, thực hành, ông Đỉnh là một trong số ít người có thể thực hiện toàn bộ khâu nhân giống nấm, từ giống cấp I đến giống cấp IV, góp phần chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất của gia đình. Đối với thời tiết miền Bắc, nấm sò cho năng suất, chất lượng cao từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nhờ tuân thủ khắt khe quy trình sản xuất nên nấm sò, mộc nhĩ của gia đình ông phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Nấm sò bắt đầu cho thu hoạch sau 40 ngày ươm và có thể kéo dài thời gian thu hoạch tối đa 3 tháng, mộc nhĩ cho thu hoạch 1 lần đồng loạt, sau 3 tháng ươm. Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 tác động nhưng ông Đỉnh vẫn sản xuất 10 - 15 vạn bịch nấm/lứa, cung cấp ra thị trường trên 10 tấn mộc nhĩ tươi, 2 tấn mộc nhĩ khô và 80 - 90 tấn nấm sò các loại. Sản lượng lớn nhưng chất lượng tốt, quy trình sản xuất an toàn nên nấm sản xuất đến đâu được thị trường lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Sơn La... tiêu thụ đến đó, rất thuận lợi. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm ông Đỉnh thu lãi 400 - 500 triệu đồng từ nghề trồng nấm, ngoài ra còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

“Tuân thủ quy trình trồng nấm hữu cơ, tôi có thể tự tin khẳng định chất lượng nấm của gia đình là tốt và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm nấm của tôi chưa có thương hiệu riêng. Vì vậy, tôi rất mong được cơ quan chuyên môn, địa phương hỗ trợ để tôi thực hiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quy định, đưa sản phẩm nấm của gia đình trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2022 - 2023” - ông Nguyễn Đức Đỉnh chia sẻ.

Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa và tạo việc làm cho lao động địa phương, mô hình trồng nấm trên giá thể mùn cưa của gia đình ông Đỉnh có nét khác biệt là không tạo phế phẩm, không gây mùi hôi, thân thiện với môi trường hơn so với giá thể bông, rơm, rạ, mùn cưa gỗ keo. Xã đang tích cực hỗ trợ gia đình hoàn thiện hồ sơ, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, quy trình sản xuất theo quy chuẩn để các sản phẩm nấm của ông Đỉnh, bà Nga sớm đạt tiêu chuẩn OCOP, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời tạo được thương hiệu sản phẩm nấm sạch, mang dấu ấn riêng của làng quê Tân Lập.

Nhờ kỹ thuật tốt, gia đình ông Đỉnh có thể sản xuất vụ nấm sớm, cho hiệu quả kinh tế cao.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày