Bộ phim về một Hà Nội mến thương
Phim “Hoa nhài” có những góc nhìn dung dị về một Hà Nội đời thường với những ngõ phố, những căn nhà giản dị; không hẳn là góc khuất, nhưng là một góc nhìn khác, không hoa lệ nhưng thấm đẫm tình người, sự tử tế, thanh lịch trong cách sống, nhân ái trong mỗi con người của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những nhân vật trong phim, bằng số phận riêng của mình đã kể lại những câu chuyện đời sống, giản đơn mà nhân nghĩa.
Một cậu bé nông thôn ra Hà Nội đánh giày, được ông bà đồng hương cưu mang, những câu chuyện dở khóc, dở cười trên con đường mưu sinh của cậu bé khi chưa đủ tuổi thành niên. Cậu được bao bọc bởi tình thương của vợ chồng người cắt tóc vỉa hè, của ông giáo già dạy nhạc, của ngôi trường dạy nghề... Mỗi một tấm lòng nhân ái góp phần vun đắp tiếp những tấm lòng nhân ái, người với người sống để thương nhau.
Các nhân vật trong phim dường như quá đỗi bình thường, chẳng có gì nổi bật từ ngoại hình cho đến cách ăn mặc, hòa lẫn với dòng người trên phố đi bộ. Mỗi nhân vật đều gần gũi, như người hàng xóm vẫn gặp ngoài ngõ nhỏ. Diễn viên vào vai nhuần nhị, chỉ đọng lại ánh mắt trong sáng của người trẻ, cái nhìn thầm lặng, ấm áp của người già và một Hà Nội thương mến tình người dành cho nhau.
Phim không khiến người xem phải choáng ngợp hay đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác mà thẩm thấu một cách lặng lẽ, từ tốn, dần đưa người xem gặp lại những mong muốn thầm kín, những điều đã từng muốn làm và bâng khuâng một nỗi niềm nếu làm được thì cũng sẽ làm như một tất yếu nhân văn trong đời sống của tình người.
Ông giáo già cùng những bài học về âm nhạc đã đánh thức những xúc cảm sâu thẳm của người xem, nhất là đối với “người Hà Nội”. Lời giảng ân cần ông dành cho những học viên khuyết tật: “Nguyễn Ðình Thi là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Mỗi câu mỗi chữ đều có ý nghĩa. Hãy hát từng câu, từng chữ từ trong tim”. Ðây Thăng Long, đây Ðông Ðô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu! Gương mặt ông giáo già say đắm cùng những ngón tay gầy khô điêu luyện trên phím đàn. Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng. Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng. Nhạc sĩ Tôn Thất Triêm vào vai ông giáo dạy nhạc đã hình tượng hóa những gửi gắm giản dị nhưng sâu sắc, bặt thiệp mà tài hoa của tác giả bộ phim. Một cốt cách, một khí chất Hà Nội được thể hiện rất thành công qua người diễn viên cũng rất đặc biệt.
Hà Nội trong phim còn những bộn bề ngổn ngang, mỗi nhân vật là một mảnh ghép trong dòng chảy cuộc sống: “Mấy lão già này lạc hậu bỏ mẹ”, “Tao đã chết đâu mà mày đòi chia gia tài”, “Ở nhà quê chẳng biết làm gì ra tiền nữa” hay “Thế thì chúng tôi biết đi đâu?”... Nhưng bên cạnh đó, hương hoa nhài vẫn lặng lẽ ngát thơm, nếp nhà mới xen lẫn nền nếp xưa trong tình thương yêu: “Con trai cũng như con gái”, “Thôi về đi, tôi không muốn mình vất vả”, “Thôi mình cứ giúp người ta, lúc nào họ có người mới thì mình về nhé”. Trong căn nhà thuê của vợ chồng người cắt tóc, những đồ vật cũ kỹ từ thế kỷ trước vẫn luôn có ấm trà pha sẵn nóng hổi của người vợ dành cho chồng, những lời thưa gửi thong thả, ân cần.
Bản nhạc Người Hà Nội vang lên như lời dẫn dắt từ trái tim, như mạch ngầm xuyên suốt, nối liền những mảnh đời khiêm nhường đã góp phần làm nên một Thăng Long-Hà Nội hơn một nghìn năm tuổi. Trường đoạn dàn đồng ca khuyết tật hát trọn vẹn đoạn nhạc: Ðoàn quân Việt Nam đi. Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao. Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước. Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà đã làm cảm xúc người xem trào dâng theo từng giai điệu và ca từ lắng đọng, góp phần tạo thêm sức mạnh và ý chí trong tình yêu Hà Nội, tình yêu đất nước, con người.
Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi. Bộ phim “Hoa nhài” như tiếng lòng của người đạo diễn già, đã đi qua bao năm tháng cuộc đời, gửi lại cho khán giả một tình yêu đặc biệt của ông với điện ảnh, với con người.
Giai điệu bản nhạc “Người Hà Nội” ngân vang trong suốt bộ phim, “Hoa nhài” là một khúc ca sâu lắng của tâm hồn người Hà Nội, có thể coi như lời tạm biệt màn ảnh đầy tình thương mến của đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh khi ông đã bước sang tuổi 84.
Theo nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Cõng anh mà chạy được Time bình chọn là Phim truyền hình Hàn Quốc của năm 2024 04.06.2024 | 14:10 PM
- Khai mạc đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc 26.04.2024 | 18:22 PM
- 'Joker 2' tung trailer 11.04.2024 | 10:56 AM
- Giới thiệu hai bộ phim hoạt hình dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 26.03.2024 | 05:36 AM
- Tuần lễ Phim Quốc tế về thiên nhiên lần thứ 2 tại Việt Nam 20.03.2024 | 10:49 AM
- Vịnh Hạ Long xuất hiện trong phim của Hollywood 21.09.2023 | 15:05 PM
- "Jurassic Park" ba thập niên chinh phục khán giả 05.07.2023 | 10:47 AM
- Phát sóng rộng rãi bộ phim “Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển” 24.11.2022 | 09:29 AM
- Công diễn, báo cáo hội đồng nghệ thuật vở chèo "Thiên duyên huyền tích" 29.09.2022 | 15:35 PM
- Nỗ lực phục hồi, phát triển sân khấu truyền thống 07.09.2022 | 08:54 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam