Trù Hương thủ quốc
Tò (Trù Hương), cổ danh mộc mạc như hạt lúa, củ khoai của người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng lại chứa đựng ý nghĩa quật cường của con người với thiên nhiên. Không xa Trù Hương chếch sang bên phía Tây vùng đất là Cổ, Neo, Giắng, Rọc (nay thuộc các xã An Dục, Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ)... Tò là vùng đất cổ có hàng ngàn năm lịch sử, đã từng là một trong “tứ cố cảnh” của huyện Phụ Dực xưa. Theo các tài liệu khảo cứu, từ buổi đầu xây dựng quốc gia độc lập, các triều đều chú ý đến việc khai hoang lập làng, khuyến khích việc trồng cấy, chăn nuôi... Khi nhà Lý (1010 - 1225) dựng nước, các vua triều Lý đã có nhiều quyết sách làm cho dân giàu, nước mạnh, Trù Hương quy tụ nhiều dân siêu tán về khai khẩn đất đai, tăng nghiệp nông tang. Sang thời Trần, khi giặc Nguyên sang xâm lược lần thứ 2 và lần thứ 3 (1285 - 1288) Phò mã Đô úy Vũ Quý Khái đã đưa quân về đây lập căn cứ chống giặc Nguyên Mông, trai tráng trong vùng nô nức đầu quân chống giặc. Nơi thu nạp quân ở Trù Hương có tên Thủ Quốc (nghĩa là giữ nước). Thời thực dân Pháp xâm lược, “Thủ Quốc” đổi thành Thủ Nghĩa (dân thường gọi là trại Táo), đất ấy xưa thuộc làng Tò, nay thuộc xã An Thanh).
Sử cũ ghi, cuối thời Trần (1400), khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi quyền lực, cháu bốn đời của Hưng Mỹ Hầu Vũ Quý Khái là Vũ Công Toản thường gọi Vũ Uy rời bỏ kinh thành tìm về đất Trù Hương ẩn danh chờ thời. Địa thế đất làng Trù Hương có sông lớn chảy ra, sông nhỏ chảy vào, Vũ Uy nhận định nơi đây có thể mưu đồ cơ nghiệp lâu dài được, liền đưa con, cháu từ kinh thành Thăng Long về xây dựng làng Trù Hương thành căn cứ, mong muốn “phù Trần diệt Hồ”. Tương truyền, có lần Trần Nguyên Hãn (con Trần Nguyên Đán) đã giả làm người bán dầu Trẩu tìm về Trù Hương nghe ngóng tình hình. Chính Hồ Quý Ly cũng nghe tin Vũ Uy về Trù Hương dựng ấp chờ thời đã cho người của mình về thám thính, khi thấy Vũ Uy chỉ là một ông già làm nghề thầy cúng (do ông đóng giả) người của Hồ Quý Ly đã bỏ đi. Sự nghiệp “phù Trần diệt Hồ” không thành, Vũ Uy động viên quân của ông về làm ruộng, chia làng Tò (Trù Hương) thành các làng Tô Đê, Tô Hồ, Tô Đàm, Tô Xuyên, lập thêm làng Tô Trang, Tô Hải.... Thế kỷ XV, Tô Xuyên trở thành một vùng quê trù phú, giàu đẹp, được người đương thời ca ngợi: “Đa Dực, Tô Xuyên/Thủy đảo sơn tiên/Thanh long đới bút/Ngọc cư kình thiên/Lâu đài cổ đốc/Bình như vu chiêm”. Các tài liệu ghi chép cho biết, huyện Đa Dực (nay là Quỳnh Phụ), có trang Tô Xuyên, nước non gò đảo đẹp như núi tiên, nhìn lộng lẫy như lâu đài đẹp đẽ, cổ kính, làng mạc, đồng ruộng như một dải lụa. Các làng không chỉ có cảnh đẹp mà còn nhiều người học hành đỗ đạt thành khoa cử, đất Trù Hương lắm quan nhiều tướng. Nên dân gian truyền tụng truyền thống khoa bảng của làng Tò: Lê Chằm Vạc, Mạc Tô Hương. Nghĩa là thời Lê có làng Chằm Vạc (nay thuộc Bình Giang, Hải Dương) có nhiều người đỗ cao, thời nhà Mạc thì có làng Tò). Hay: Ông Cống làng Tò, đàn bò làng Hệ; Quan làng Tò nhiều như bò làng Hệ... Các bậc cao niên Trù Hương xưa và nay là xã An Thanh, An Mỹ (Quỳnh Phụ) vẫn kể cho cháu con xưa có một ngôi đình rất to gọi là đình Tò, sau này làng Tò chia thành 6 thôn đều có chữ đầu là Tô thì đình Tò được gọi là đình Tứ Tô (trừ Tô Trang, Tô Hồ lập sau). Cột đình có đường kính tới gần một mét, tầu bẩy đều chạm tứ linh, rồng, phượng. Dân làng Tò thờ thần ngũ phương (thiên thần) làm thành hoàng. Ngoài đình Tứ Tô, các thôn đều có đình miếu riêng thờ các phúc thần. Miếu của các làng Tô đều được làm ở ngoài đồng và có lệ miếu của làng này thì làm sang ruộng của làng khác như miếu làng Tô Đê lại làm sang đống ruộng của Tô Hồ, Tô Xuyên làm sang Tô Hải... Dân làng Tò thường mở hội vào tháng hai hàng năm nhưng không cố định ngày mở hội, cứ vào đầu tháng hai các cụ già trong làng xem ngày nào tốt trong tháng (ngày chiêm nhật) thì mới mở hội, xưa hội làng Tò thường diễn ra suốt tháng, mỗi ngày hai lần lễ, hai lần rước. Hội làng Tò có nhiều cuộc thi tài như “thi lợn” chẳng hạn. Người làng Tò gọi là thi hỗng. Sau mùa hội năm trước, dân làng lại chuẩn bị cho năm sau, mỗi thôn Tô cử người chăn nuôi một con lợn cho mùa thi năm sau. Nuôi lợn dự thi phải chọn giống lợn Tó, giống lợn tận làng Tó (nay thuộc xã An Đồng). Cả giống gà, giống lợn đã đi vào ca dao tục ngữ: “Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn (huyện Thái Thụy)”. Lợn thi được nuôi trong cũi hoặc trong một gian chuồng sạch sẽ... đến ngày thi, lợn được cho vào cũi, trang trí lộng lẫy, cờ trống rước “Ông Lợn” về đình Tò để dự thi. Người chấm thi dùng dây chít vòng cổ, chít từ ức đến đuôi... để chấm giải, lợn làng nào được giải sẽ có thưởng.
Ngoài ra, các làng còn tổ chức thi làm bánh tày, bánh dày, làm cỗ yến, múa đánh Bệt (đuổi hổ), dân ca dân vũ... Múa đánh Bệt (đuổi hổ), trò này được tổ chức vào ngày dã hội. Sự tích của trò được kể rằng, xa xưa đất làng Tò còn hoang hóa cây mọc thành rừng, um tùm, nơi trú ngụ của các loài thú dữ. Buổi đầu dân về mở đất lập làng, hổ thường về quấy phá bắt người, bắt gà, lợn... Dân làng phải bảo nhau chung sức đánh hổ. Tục đánh hổ làng Tò có những quy ước rõ ràng: Người đánh hổ là dân thôn Tô Đê, người đóng vai hổ là người họ Hoàng làng Tô Trang, trước ngày làng vào hội đánh hổ 10 ngày, người đóng vai hổ phải ăn chay, lên nằm tại hậu cung đình, tách hẳn gia đình suốt 10 ngày, việc ăn uống hàng ngày do dân làng lo. Hổ chạy đến giếng đình thì vứt áo lại, dân làng tranh nhau lấy về làm khước cho con cháu (người ta đeo vào khuy áo cho trẻ và cho rằng nhờ đó trẻ không bị ma qủy ám nữa) hổ chạy đến thôn Tô Trang thì bị dân làng đánh chết, dân chôn xác hổ, nơi đó nay có tên mả hổ.
Tài liệu khảo cứu cho biết, bánh tày, bánh dày làng Tò được gói như chiếc bánh tét ở các tỉnh phía Nam. Chất liệu chính là gạo nếp, nhân bánh chỉ có đỗ (không dùng hành, thịt mỡ) và chỉ bằng một cái đũa ở giữa bánh, xa xưa bánh được gói bằng lá chít, sau dùng lá dong cho dễ kiếm. Nhìn bên ngoài, bánh tày giống như một bó giò nạc hình trụ, hai đầu gấp phẳng. Cuộc thi để chọn ra người làm đẹp về hình thức, ngon khi cắt bánh ra, mỗi khoanh bánh ở mặt cắt có độ mịn, ở mặt ngoài chặt và đều. Công đoạn làm bánh dày không khác các nơi... Cả hai thứ bánh được đặt cạnh nhau để dâng cúng, theo các bậc cao niên, bánh dày ở đây biểu hiện cho “mẹ tròn”, bánh tày hình trụ là trục dương của sự sinh sôi phát triển. Hình thức này thường thấy trong tục thờ “lin ga - iu lin” của dân miền Trung. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh