Thứ 2, 25/11/2024, 01:06[GMT+7]

Chuyển đổi số sẽ đưa Thái Bình bắt kịp, đi cùng, vượt lên

Thứ 6, 30/12/2022 | 17:30:22
2,576 lượt xem
Ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quyết tâm tạo đột phá phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đưa Thái Bình bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội. Để hiểu hơn về sự lãnh đạo của tỉnh, nỗ lực của các cấp, các ngành qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Việc dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mang lại hiệu quả tích cực.

Phóng viên: Thưa đồng chí, đồng chí đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh ta trong thời gian qua?

Đồng chí Đỗ Như Lâm: Những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết để thực hiện công cuộc CĐS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức số trong tỉnh có những chuyển biến đáng kể, hạ tầng số hiện nay được phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh, các mạng viễn thông 4G, các trang thiết bị của doanh nghiệp (DN), người dân đã đáp ứng yêu cầu của CĐS. Tuy nhiên, CĐS hiện nay cần xác định 3 trụ cột chính gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Về chính quyền số, trong những năm qua tỉnh ta đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; việc nộp hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cũng như trả kết quả trực tuyến đạt một số kết quả bước đầu. Đến thời điểm này, trong khối DN việc giao dịch nộp hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường số thực hiện thường xuyên. Với các cơ quan nhà nước, việc ban hành văn bản điện tử cũng như ký số ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan nhà nước đã đưa vào cơ sở dữ liệu chuyên ngành để ứng dụng trong quản lý, điều hành của mình: cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên môi trường, tài chính, y tế, giáo dục...

Đối với hoạt động kinh tế số, hiện các DN đang đẩy mạnh đưa hoạt động công nghệ số vào đơn vị; rất nhiều DN đã tự động hóa trong sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử. Các sản phẩm bước đầu được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, internet, các ứng dụng liên quan đến quản lý của DN như quản lý kế toán, nhân sự, bán hàng được các DN ứng dụng rộng rãi.

Về xã hội số, cho đến thời điểm này việc truy cập internet cũng rất phổ biến, tất cả các địa phương trong tỉnh sóng di động 4G đã được phủ kín; việc mua bán hàng của người dân thông qua hình thức trực tuyến cũng rất phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách sử dụng ngân hàng số hiện nay cũng tương đối phát triển trên địa bàn tỉnh nhà.

Phóng viên: Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện CĐS thành công là phải có nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Xin đồng chí cho biết, vấn đề nhân lực và hệ thống hạ tầng phục vụ cho CĐS tại tỉnh ta hiện nay như thế nào?

Đồng chí Đỗ Như Lâm: Vấn đề liên quan đến nhân lực và hạ tầng phục vụ CĐS của tỉnh ta có thể đánh giá qua 3 trụ cột: trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đối với cơ quan nhà nước, hiện đang vận hành Trung tâm dữ liệu tỉnh Thái Bình, trên cơ sở đó Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu để tỉnh cho phép xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm an toàn thông tin mạng của tỉnh. Các trung tâm chủ yếu phục vụ các dữ liệu liên quan đến các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và DN. Các cơ quan nhà nước cũng đã trang bị hệ thống máy tính cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động làm việc, hệ thống mạng dữ liệu cục bộ và kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh kết nối với trung ương và các tỉnh bạn. Các cơ quan đều cử cán bộ phụ trách công nghệ thông tin để bảo đảm mọi hoạt động ổn định.

Đối với các DN, gần như 100% DN kết nối mạng internet, trang bị máy tính, thiết bị chuyên dùng để phục vụ quá trình điều hành sản xuất cũng như quản lý của các DN trong CĐS. Cán bộ, công nhân viên các DN đều được đào tạo, tập huấn để vận hành hệ thống này một cách thông suốt khi thực hiện quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đối với dân cư, hiện nay mạng internet phổ biến, 60 - 70% gia đình sắm máy vi tính để phục vụ nhu cầu của bản thân. Việc sử dụng điện thoại thông minh, đến nay có khoảng 75% dân số toàn tỉnh có điện thoại thông minh kết nối 3G, 4G. Người dân được tuyên truyền rộng rãi về tính năng, tiện ích của những ứng dụng số hiện nay. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho tỉnh và các huyện chỉ đạo các xã thành lập được trên 1.500 tổ công nghệ số cộng đồng, các tổ công nghệ số cộng đồng chính là hạt nhân, những người có nhiệt huyết ở các xã, các thôn sẽ lan tỏa việc sử dụng các ứng dụng số trong cộng đồng. Đây chính là sự chuẩn bị về nhân lực cũng như chuẩn bị về trang thiết bị để chúng ta có thể thực hiện thành công công cuộc CĐS.

Phóng viên: Thưa đồng chí, qua thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU thời gian qua, đồng chí có thể cho biết những khó khăn, hạn chế cần khắc phục?

Đồng chí Đỗ Như Lâm: Theo tôi, hạn chế lớn nhất hiện nay là về nhận thức và cần phải thay đổi nhận thức. Chúng ta phải hiểu CĐS là việc làm của mọi người, toàn xã hội, từng DN và của người dân, chứ không phải CĐS chỉ là việc làm của những người làm công nghệ cũng như những người phụ trách công nghệ thông tin trong các cơ quan. Vì vậy, khi người dân, DN tham gia CĐS cần tích cực ứng dụng CĐS vào các hoạt động.

Khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen, cách làm. Thay vì duy trì những thói quen, cách làm truyền thống, chúng ta cần mạnh dạn sử dụng cách làm trên các ứng dụng công nghệ số. Cụ thể, đối với cơ quan nhà nước, chúng ta phải sử dụng trên các dữ liệu và thường xuyên được cập nhật chứ không phải chờ cơ quan cấp dưới báo cáo cơ quan cấp trên. Đối với các DN cũng cần phải mạnh dạn ứng dụng các công nghệ hiện đại để thay thế cho lao động thủ công. Đối với người dân cũng tích cực sử dụng các tiện ích mà trong thời gian qua đã chứng minh hiệu quả như tiện ích về học tập, tiện ích về giao lưu giữa mọi người, về  thủ tục hành chính...

Phóng viên: Thời gian tới, ngành thông tin và truyền thông có giải pháp cụ thể nào để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Như Lâm: Đối với ngành thông tin và truyền thông, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu với tỉnh để ban hành các quy định trong việc triển khai các ứng dụng số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tổ chức tuyên truyền thông qua nhiều hình thức để người dân và DN có nhận thức sâu hơn về CĐS. Tiếp tục tăng cường đào tạo, tập huấn cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng để từ đó có thể lan tỏa đến mọi người dân, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân trong việc sử dụng các nền tảng, các kỹ năng số cũng như tích cực hỗ trợ các DN tìm kiếm các giải pháp để có thể đưa vào sử dụng phù hợp với DN của mình trong quá trình CĐS; có kế hoạch để kêu gọi những DN mạnh, DN có những giải pháp lớn về CĐS để hỗ trợ người dân và các DN trong CĐS.

Công an huyện Quỳnh Phụ triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.


Nguyễn Cường 

(Thực hiện)