Thứ 7, 14/09/2024, 07:42[GMT+7]

Tục thờ tổ nghề ở Thái Bình

Thứ 7, 31/12/2022 | 18:16:34
23,913 lượt xem
Trong lịch sử Việt Nam, cứ vùng đất nào có nông nghiệp phát triển, cư dân đông đúc thì ở đó nghề và làng nghề thủ công phát triển. Chính vì vậy mà xưa nay Thái Bình không chỉ từng được tôn xưng là quê lúa mà còn được mệnh danh là đất nghề. Nghề thủ công truyền thống của Thái Bình khá đa dạng với nhiều nghề, nhiều làng nghề nổi tiếng và tục thờ tổ nghề là một trong những nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian theo tâm thức “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ cư dân Thái Bình.

Người được suy tôn là tổ nghề hay còn gọi là tổ sư, thánh sư, tiên sư là người sáng lập, gây dựng hoặc có công đưa nghề từ nơi khác về truyền thụ cho dân làng. Ban đầu có thể một làng thờ sau nghề được truyền bá rộng thì nhiều nơi thờ. Tổ nghề thường được thờ ở các đền miếu, có tổ nghề được suy tôn là thành hoàng được thờ ở đình làng, nhưng đa phần tổ nghề được thờ ngay ở trong tư gia của các ông trùm phường nghề. Những người làm nghề thủ công hoặc ca công thường lập ban thờ tổ nghề tại nhà, đặt bên cạnh ban thờ gia tiên. Hàng năm, các phường thợ thủ công thường thực hiện việc tế tổ nghề ở những làng có tục vào đám thờ tổ nghề tại đình, đền. Trong truyền thống của dân tộc, những người nào có nghề gì thì thờ tổ nghề của nghề đó. Xướng ca vốn cũng được coi là một nghề và có tổ nghề ca công. Ở Thái Bình có tới hàng chục hội làng liên quan đến tục thờ tổ nghề.

Thuở trước, người nông dân Thái Bình có kỹ nghệ thâm canh lúa nước bằng một loại bèo phủ kín mặt ruộng vào vụ lúa chiêm gọi là bèo hoa dâu hoặc bèo dâu. Làng La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ nổi danh là một làng có nghề giữ giống, nhân giống bèo dâu. Thành hoàng làng La Vân là Quốc sư Nguyễn Minh Không (triều Lý) đồng thời cũng là tổ nghề bèo dâu. Hàng năm, làng vào đám mở hội tế tổ nghề vào ngày 4 tháng Giêng với nhiều tục lệ, trò chơi, trò diễn đặc sắc, trong đó có tục trình nghề “tứ dân”: sĩ - nông - công - thương.

Cùng với thâm canh lúa nước thì trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ là một nghề khá phổ biến của cư dân Thái Bình thuở xưa. Làng Thuận Vi, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư là một làng nhờ có nghề tằm tơ mà dân khang vật thịnh đã có đền thờ tổ nghề này là Phạm Thị Xuân Dung (thế kỷ I). Hàng năm, làng Thuận Vi khai hội giỗ tổ nghề vào ngày 26/4, trong hội có nhiều lễ thức và trò chơi, trò diễn dân gian liên quan đến nghề dâu tằm tơ.

Làng Hải Triều có tên Nôm là làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (thế kỷ XV) là tổ nghề dệt chiếu cói, dân gian vẫn truyền tụng là Trạng Chiếu. Theo định lệ cổ truyền, làng Hới khai hội giỗ tổ nghề dệt chiếu vào ngày 6 tháng Giêng. Ngoài tục tế tổ nghề, hội làng Hới còn có lệ trình nghề thi dệt chiếu.

Chiếu cói làng Hới, xã Tân Lễ (Hưng Hà).

Làng Giành, xã An Ninh và làng Môi xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ thờ tổ nghề đan giành là Phương Dung, sống vào thời Trần. Hàng năm, dân làng Giành và làng Môi tổ chức lễ hội giỗ bà tổ nghề đan giành vào ngày 15 tháng 8. Thuở trước, trong lễ hội có tục thi đan giành. Bà Phương Dung còn được truy phong tước Đại Vương, thờ làm phúc thần cùng Huyền Trân công chúa ở làng Tam Đường, nay thuộc xã Tiến Đức và làng Vân Đài, nay thuộc xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà.

Làng Giai, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư có đền thờ tổ nghề đan gầu giai là Phạm Sinh, có sách chép là Phạm Phúc Sinh hoặc Phạm Tú Châu (thế kỷ XVIII). Thuở trước, vào trung tuần tháng 8 hàng năm, những làng đan gầu giai xa gần thường về tế tổ nghề và dự thi đan gầu giai.

Làng Nang, xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương có đền thờ bà Nhất Nương (thời Trần) là tổ nghề gai vó. Hàng năm cứ vào tháng 8, dân làng Nang mở hội giỗ tổ là tiên công lập ấp vào ngày 9 tháng 8 và kéo dài đến 15 tháng 8 là ngày giỗ tổ nghề. Trong những ngày hội thường có múa rối nước, có chú Tễu ra giáo trò kể vè về nghề gai vó và có các tiết mục quay xa, xe gai, quăng chài, thả lưới, cất vó, úp rập...

Làng Cao Dương, xã Thụy Hưng và làng An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy cùng thờ tổ nghề rèn có vị hiệu Dã tượng tiên sư và Ngũ vị Tổ sư (thời Trần). Dã Tượng là thuộc tướng của Trần Hưng Đạo được cử về làng Cao Dương chỉ huy 5 phường thợ rèn vũ khí, trong đó có những thợ giỏi của làng An Tiêm. Trong 5 phường đó có Tống Đình Uyên người làng Cao Dương; 4 phường còn lại do bốn người của làng An Tiêm là Lê Đình Ngay, Bùi Đình Lãnh, Trịnh Thiên Tĩnh và Phan Đình Mỹ làm trùm. Dân làng An Tiêm đã lập am thờ Dã Tượng và 5 vị trùm phường này là tổ nghề rèn sắt. Tục tế tổ nghề được tổ chức vào hai ngày 14 - 15 tháng Giêng và trong dịp hội làng An Tiêm được mở vào ngày 15 tháng 3 hàng năm.

Làng An Lộng, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ và các phường đúc đồng thờ tổ nghề là Nguyễn Minh Không (thời Lý). Theo lệ xưa, hàng năm các phường đúc đồng tế tổ nghề vào ngày rằm tháng Giêng. Sau lễ tế tổ nghề các phường mới được đỏ lửa.

Làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương và các phường thợ nghề kim hoàn thờ Nguyễn Kim Lâu (thế kỷ XV) là tổ nghề. Hội làng Đồng Xâm mở từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 4 hàng năm thường thu hút thợ kim hoàn từ nhiều nơi về tế tổ và có lệ trình nghề chạm bạc.

Làng Lai Triều, xưa có tên là Quan Triều, Tống Triều, xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy có đền thờ tổ nghề làm hương là Bùi Nhân Toàn (thế kỷ XVI). Bùi Nhân Toàn còn được phối thờ tại đình làng làm phúc thần. Lệ xưa, tục tế tổ nghề làm hương được dân làng duy trì vào trung tuần tháng Giêng và tháng 8 hàng năm.

Bánh cáy làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng).

Làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng có nghề làm bánh cáy nổi tiếng và có đền thờ bà Nguyễn Thị Tần (thế kỷ XVIII) là tổ nghề này. Tục tế tổ nghề và lệ thi làm bánh cáy được duy trì trong những ngày hội làng.

Giới hoạt động nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam suy tôn 7 vị tổ nghề. Thái Bình có 3 vị là Đào Văn Só và Đào Nương quê ở phủ Tiên Hưng, Đặng Hồng Lân quê ở phủ Kiến Xương. Cả 3 vị đều sống vào thời Đinh (thế kỷ X). Thuở trước, các phường hát của Thái Bình thường lập bài vị thờ hai vị Đặng Hồng Lân và Đào Văn Só. Bà Đào Nương được dân làng Hoàng Quan, xã Đông Phong, huyện Đông Hưng thờ làm thành hoàng, các triều đại phong là Thượng đẳng thần, có đền thờ nên dân gọi là đền bà Thượng. Theo lệ xưa, lễ hội ở đền bà Thượng và đình Hoàng Quan thường được tổ chức hàng năm từ  ngày 10 - 22/4. Trong những ngày hội có hát chèo và ca trù. Riêng tối 15/4 là đông nhất với sự góp mặt của nhiều phường hát xa gần về tế tổ và đua tài. Bài vị của bà cũng được thờ ở đền bách thần của phủ Thái Bình đặt tại làng Châu Giang, xã Đông Phong, huyện Đông Hưng và miếu nhà trò tại xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy. Những ngôi đền, miếu này đã bị hạ giải vào những năm giữa thế kỷ XX. Làng Đồng Xâm (Kiến Xương) cũng có tục thờ tổ sư nghề ca công, tương truyền bà là Trình Thị vợ vua Triệu Vũ Đế (Triệu Đà).

Tại đền Đồng Xâm hiện còn một cuốn sách Hán Nôm chép nhiều bài văn tế tổ nghề được làng tổ chức tế hàng năm như các tổ nghề: thợ may, thợ mộc, thợ rèn, thợ đúc, thợ dệt... trong đó có bài ca trù “Ca công tế tổ sư văn”. Hầu hết những bài văn tế này không thấy nhắc đến duệ hiệu của các vị tổ nghề.

Nguyễn Thanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày