Thứ 6, 26/04/2024, 23:25[GMT+7]

Hương trầm làng Hồng Phong

Thứ 3, 03/01/2023 | 09:26:25
6,610 lượt xem
Những ngày tết sẽ không thể thiếu được mùi thơm ấm áp của những nén hương trầm. Chính những đôi bàn tay tảo tần của người dân làng Hồng Phong, xã Đông Quang (Đông Hưng) đang hàng ngày cố gắng lưu giữ tinh hoa nghề truyền thống trong từng nén hương.

Làm hương bằng máy năng suất cao gấp 4 - 5 lần làm thủ công.

Đến thăm làng Hồng Phong những ngày này, chúng tôi ấn tượng bởi sắc màu rực rỡ của những bó tăm hương có mùi thơm dịu nhẹ. Ở đây, tết đã đến rất gần. Trong làng, các hộ làm hương đang tất bật sản xuất để kịp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. 

Trong khi nhiều phụ nữ bỏ nghề đi làm tại các công ty thì chị Vũ Thị Thúy lại quyết định theo nghề làm hương truyền thống. Chị Thúy cho biết: Những ngày giáp tết gia đình tôi có thể làm được khoảng 3 vạn nén hương/ngày, cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Mỗi thành viên trong gia đình đảm nhận những công đoạn khác nhau: làm hương, phơi hương, đóng gói. Nghề này không quá khó nhưng nhiều phụ nữ trong làng không tha thiết vì vất vả. Phụ nữ làng hương Hồng Phong phải đeo đai cố định cột sống để tránh mắc bệnh về lưng do ngồi nhiều.

Nhằm giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, nhiều gia đình ở Hồng Phong đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hương với số lượng lớn. Hàng năm, trước tết Nguyên đán vài tháng, các thành viên trong cơ sở của anh Vũ Tiến Đoàn, thôn Hồng Phong lại tất bật làm hương. Là một trong những thành viên kỳ cựu tại đây, bà Trần Thị Hiền, thôn Hồng Phong cho biết: Những lúc nông nhàn, chúng tôi lại đi làm hương. Bây giờ, máy móc hiện đại nên làm hương không vất vả, nén hương đều và đẹp hơn, năng suất cao hơn nhiều so với làm thủ công trước đây. Mỗi tháng chúng tôi được trả 3 - 4 triệu đồng, thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa.

Để duy trì nghề truyền thống của làng, anh Đoàn phải đi tham quan học hỏi ở nhiều nơi để mở cơ sở sản xuất hương tại nhà. Nhận thấy hiệu quả của phương thức sản xuất truyền thống không cao, anh quyết định đầu tư khoảng 70 triệu đồng mua 3 máy làm hương hiện đại nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động. Trung bình mỗi tháng cơ sở của anh Đoàn cung ứng ra thị trường khoảng 7 vạn nén hương trầm, cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. 

Theo anh Đoàn, máy móc không hề làm ảnh hưởng đến chất lượng hương của làng vì người dân nơi đây có bí quyết pha trộn hương liệu riêng. Ưu điểm của hương trầm Hồng Phong là không gây độc hại với sức khỏe người sử dụng, cũng như người trực tiếp sản xuất. Khi đốt hương có mùi thơm tự nhiên rất đặc trưng mà không làng hương nào có được. “Tôi mong muốn nghề của ông cha để lại sẽ được lưu giữ và ngày càng phát triển phồn thịnh” - anh Đoàn chia sẻ.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết: Làng nghề làm hương Hồng Phong đã có từ lâu. Toàn xã hiện còn khoảng 30 hộ duy trì sản xuất hương trầm truyền thống. Trong đó, chủ yếu sản xuất bằng máy hiện đại. Tuy nhiên, nghề làm hương đang gặp nhiều khó khăn nên số lượng hộ dân làm nghề không còn nhiều. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con gắn bó, phát triển nghề, tạo điều kiện và hỗ trợ các hộ sản xuất tiếp cận với các nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Chúng tôi mong các cấp, các ngành tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu để hương trầm Hồng Phong sớm được công nhận là sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời duy trì, phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Người cao tuổi làng Hồng Phong gắn bó với nghề làm hương truyền thống.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày