Địa tích do Trần
Theo các tài liệu khảo cứu, nhà Trần coi kinh đô Thăng Long là trung tâm chính trị - văn hóa, hành cung Tức Mặc là nơi nghỉ ngơi, theo dõi các hoạt động cung đình của thượng hoàng. Thiên Trường là căn cứ của vua Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285), đó được coi là xã tắc. Tôn miếu nhà trần ở Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) luôn được coi là chốn thiêng, không thế mà sau khi đại thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông). Gia phả họ Trần hương Tức Mặc (Nam Định) có ghi chép: Tổ tiên họ nhà làm nghề chài lưới, một dải Hoàng giang Nam đạo đâu cũng là nhà. Vua Trần Nhân Tông, nhân theo tục cũ muốn xăm hình rồng vào đùi cho vua Trần Anh Tông. Tháng 8 năm Kỷ Hợi (1290) vua nói với Trần Quốc Tuấn: “Nhà ta vốn là người (vùng) hạ lưu, đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”.
Tìm về nguồn cội vùng đất Thái Đường và làng Lê Xá (Tiến Đức, Hưng Hà nay), sử cũ ghi: Năm 979, Đinh Tiên Hoàng mất, Vệ Vương còn nhỏ. Năm 980, Phạm Cự Lượng (có tài liệu ghi ông quê ở làng (ấp) Đặng Xá, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, nay là khu Đặng Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) và Thái hậu Dương Vân Nga vì việc nước, trao vương miện cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành sau này). Tháng 3 năm Tân Tỵ (981) sau khi đánh thắng giặc Tống, vua Lê Đại Hành phong vương cho các hoàng tử, chia đi trấn giữ các nơi. Vùng Cửa Luộc (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) giao cho Lê Long Đĩnh và Long Kính. Dân gian ở làng Lê Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà vẫn còn lưu truyền câu ca: “Cầu Lê, quán Bún thờ Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh). Sử cũ chép: Phong con thứ 5 là Long Đĩnh làm Khai Minh Vương, giữ Đằng Châu (gồm Tây Nam Hưng Yên và một phần tỉnh Thái Bình), cho Long Kính chức Trung Quốc Vương, giữ Mạt Liên (nay là huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, đối ngạn với huyện Hưng Hà). Từ đó con cháu họ Lê từ Thanh Hóa tràn ra lưu vực sông Luộc. Không tìm thấy tài liệu ghi chép phổ hệ họ Lê, chỉ biết thôn Lê Xá (thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) là do dòng con cháu Lê Hoàn khai mở. Đến đời Lý Cao Tông (1173 - 1210), Lê Điện giữ chức Thái phó. Do triều đình nhiều phe đảng, Lê Điện xin về hưu, lui về phủ đệ (làng Lê Xá) chăm dạy con cái. Ông lấy bà Phạm Thị (dòng dõi Phạm Cự Lượng) ở ấp Đặng Xá, anh em họ ngoại với quan nội hầu đời vua Lý Cao Tông là Phạm Kính Ân (cùng làng Đặng Xá) vì thế khi về hưu vẫn còn thế lực. Bấy giờ Trần Lý (Hải Ấp) có được huyệt địa Thái Đường đã đưa mộ tổ từ Tức Mặc (Nam Định) về an táng nên về đây (Thái Đường) giữ “đất phát tích”. Vì Trần Lý là hào kiệt giàu có nên lấy được Tô Thị (em gái Điện tiền Tô Trung Từ nhà Lý) mà sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Tam Nương và Trần Thị Dung. Trần Thừa lấy Lê Thị (con gái cựu Thái phó Lê Điện), Trần Thị Dung lấy Lý Huệ Tông tạo thế cho họ Trần. Vậy là từ gốc dân vạn chài mà trở thành thế lực mạnh nhất cuối thời Lý. Khi Trần Thừa còn giữ chức “Nội thị phán thủ” cựu Thái phó Lê Điện đã hết lòng với họ Trần. Của cải trong kho lẫm đều dùng cho việc công, con em nội ngoại tộc họ Lê và gia nhân đầy tớ đều cho theo họ Trần để giúp con rể lập nghiệp. Khi nhà Lý suy mạt, Lý Huệ Tông mắc bệnh, đi vào chùa ở, nhường ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng mới 8 tuổi, họ Trần được “đạo diễn chính trị” tài ba Trần Thủ Độ tạo tác đã soán ngôi, cháu ngoại Lê Điện là Trần Cảnh lên làm vua (tức Trần Thái Tông). Vua Trần đã được Lê Điện hết lòng chăm lo dạy bảo. Lớn lên Nhật Hạo quản đội quân Tinh Cương, đội quân tinh nhuệ bảo vệ nhà Trần, con cháu họ Lê đều xung vào đội quân ấy. Ở ngôi báu, vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã phong ông ngoại Lê Điện làm Quốc trượng.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, có thể ngay từ khi Trần Hấp đem mộ tổ táng tại làng Tinh Cương, họ Trần do tin vào phong thủy đã dời nhà đến đây để giữ mộ phần, mong con cháu nhờ đất ấy mà nối đời làm nên vương bá. Căn cứ theo phả hệ nhà Trần, vua Thái Tông (Trần Cảnh) gọi Trần Thừa là phụ vương (cha), gọi Trần Lý là tổ phụ (ông), gọi Trần Hấp là tằng tổ (cụ), gọi Trần Kinh là cao tằng tổ (kỵ), thì chắc chắn từ Trần Thừa về sau không còn ở Tức Mạc nữa, đúng như sách Việt sử lược đã ghi, gia đình họ đã định cư ở Tinh Cương. Tuy Trần Thừa không làm vua, song ông thực sự nắm vương triều, định đoạt mọi việc thời sơ Trần, các sử gia đều tôn ông là Trần Thái Tổ. Ngày 28 tháng 8 năm Giáp Ngọ (1234), sau khi ông mất, linh cữu được đưa về Thọ Lăng, phủ Long Hưng. Trần Thái Tông dâng miếu hiệu là Huy Tông, thụy là “Khai vận lập cực Hoằng nhân ứng đạo thuần châu chí đức thần vũ thánh văn thùy dụ chí hiếu hoàng đế...”. Theo các nguồn khảo luận: “Kỷ Tỵ, Trị Bình Long ứng năm thứ 5 (1209) Hoàng Thái Tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia (Hải ấp), nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà nghe nói con gái của Trần Lý có nhan sắc liền lấy làm vợ. Nhà Trần Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quân chúng cùng nổi lên làm giặc. Thái tử Sảm (tức Lý Huệ Tông) đã lấy con gái Trần Lý, trao cho Lý tước Minh Tự (ngang với hàng cháu vua), phong cho cậu người con gái ấy (tức cậu ruột Trần Thị Dung) là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ”... Như vậy đầu đời Trần Hấp vẫn còn làm nghề đánh cá, nhưng cuối đời ông đã lên bờ, đã giàu có, ông mới có thể “môn đăng hộ đối” với gia đình đại quý tộc họ Tô, hỏi chị gái quan đương triều Tô Trung Từ cho con trai mình là Trần Lý và đến đời Trần Lý thì họ Trần đã bước vào ngưỡng cửa quý tộc ở đất Ngự Thiên. Đến đời Trần Thị Dung (Linh Từ quốc mẫu) thì họ thành “đại quý tộc”, đại diện cho một thế lực đang lên. Trần Thừa đã thành con rể của Thái phó Lê Điện, Trần Tự Khánh nhờ giúp rập Thái tử được phong tước Thuận Lưu bá. Nhiều quan phụng ngự đương triều như Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân đã ngả về họ Trần nên việc Đàm Thái hậu (vợ vua Lý Cao Tông) e ngại thế lực họ Trần vùng Long Hưng có ý đoạt quyền của họ Lý là có cơ sở. Nhiều lần phải nhờ họ Trần để giữ ngôi, song trong mắt bà và nhiều cựu thần nhà Lý đều coi họ là “giặc”.
Sách “Trần triều bảo lục” và “Đại Nam nhất thống chí” cũng như nhiều truyền ngôn khác đều thống nhất về ngôi mộ tổ của họ Trần ở làng Thái Đường: Cuối đời nhà Lý (1010 - 1225), có một thầy địa lý đến ấp Tây Vệ (nay là lang Tây Nha cạnh làng Thái Đường, nay thuộc xã Tiến Đức) đễ tìm huyệt mộ, thấy ngôi đất quý “Phấn đại dương giao chiếu, liên hoa đối diện sinh, đa nhật dĩ sắc đắc thiên hạ, đa sinh hiển thánh, vạn đại đế vương”. Vì ơn cứu mạng của họ Trần, thầy địa lý đã chỉ bảo Trần Hấp mang mộ tổ từ Tức Mặc (Nam Định) về táng ở đây. Quả nhiên, sau này con ông (Trần Lý) làm đến chức Minh Tự, cháu ông làm đến Thái úy phụ chính (Trần Tự Khánh) và chắt (Trần Cảnh) khai mở vương nghiệp nhà Trần. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025