Chủ nhật, 24/11/2024, 19:34[GMT+7]

Đặc sắc lễ hội mùa xuân ở Hưng Yên

Thứ 2, 13/03/2023 | 19:11:13
2,913 lượt xem
Nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, tỉnh Hưng Yên có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể những yếu tố góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa riêng của tỉnh Hưng Yên, nhất là dịp lễ hội mùa xuân.

Cứ đến trung tuần tháng Hai âm lịch hằng năm, du khách thập phương lại nô nức về dự lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội tình yêu) diễn ra ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử-Tiên Dung, một tình yêu đầy lãng mạn giữa chàng trai nghèo họ Chử và con gái Vua Hùng thứ 18.

Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội Đa Hòa-Dạ Trạch) được tổ chức ở 2 ngôi đền là đền Đa Hòa, xã Bình Minh và đền Hóa, xã Dạ Trạch cùng ở huyện Khoái Châu. Mở màn lễ hội là các làng thuộc tổng Mễ tổ chức đội hình rước kiệu thánh từ đình làng về đền Đa Hòa. Đi đầu đoàn rước là con rồng dài hơn 20m được 30 thanh niên khỏe mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng. Tiếp theo sau là 2 hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ sắc màu rực rỡ tay cầm cờ hội, trống chiêng, cùng ngựa hồng, ngựa bạch, gươm trường bát bửu, phường đồng văn, đội múa sinh tiền, đội múa nón, đội nhạc lễ.

Tiếp đến là nghi thức rước nước từ sông Hồng về lễ thánh. Đám rước uy nghi, rồng vàng dẫn đầu; hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sinh tiền, kiệu long đình, kiệu chóe nước, kiệu đặt nón gậy, kiệu “Bế ngư thần quan”, 3 kiệu rước Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Tây Sa công chúa đi sau. Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về đền Hóa lễ thánh. Đi đầu là 2 bô lão cùng 2 nam, 2 nữ dâng nước vào đền.

Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa của nền văn minh sông Hồng.

Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung hằng năm đều được tổ chức, nhưng với quy mô tổng (tổng Mễ xưa có 9 làng) thì 3 năm 1 lần. Năm 2023 là năm diễn ra lễ hội hàng tổng, là sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Hưng Yên. Về phần lễ có các nghi lễ bảo tồn nguồn gốc truyền thống lễ hội xưa để lại. Đối với phần hội có các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, chọi gà, đi cầu kiều, đu cây và một số trò chơi khác. Trong thời gian diễn ra lễ hội đan xen nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như thi bơi chải, cờ tướng, cầu lông, múa rồng, hát ca trù, quan họ, chầu văn, điệu múa đĩ đánh bồng vui nhộn…

Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến là lễ hội lớn ở thành phố Hưng Yên được tổ chức vào tháng ba âm lịch. Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến là hoạt động mở màn cho một chuỗi lễ hội tại các di tích khiến không gian lễ hội như một dòng chảy liên tục kéo dài. Trong khuôn khổ của sự kiện, các tinh hoa văn hóa của các lễ hội tại các di tích được chắt lọc hội tụ, thể hiện đầy đủ sự tinh túy và có nhiều nét riêng. Trong không gian linh thiêng của các di tích, các hoạt động văn hóa cộng đồng được tái hiện phần nào khắc họa sống động, giúp du khách hình dung về cảnh tấp nập “trên bến dưới thuyền” của Phố Hiến xưa. Đồng thời, tìm hiểu thêm về truyền thống văn hóa, khám phá những nét độc đáo về ẩm thực, âm nhạc và các trò chơi dân gian…

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch, tập trung nhiều ở các huyện: Khoái Châu, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, Văn Lâm, thành phố Hưng Yên… Nhiều lễ hội gắn với những quần thể, cụm di tích có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử có khả năng phục vụ việc phát triển du lịch của tỉnh như: khu di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên; làng Nôm, chùa Nôm, xã Lạc Đạo, chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm; đền Đa Hòa, xã Bình Minh, đền Dạ Trạch, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu; đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ; đền Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi; cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ; di tích đền Tống Trân, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ...

Những lễ hội này, được tổ chức với quy mô lớn; là hình ảnh thu nhỏ biểu đạt giá trị văn hóa tín ngưỡng vùng, miền, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương. Qua lễ hội, nhiều phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống của địa phương tưởng chừng đã bị mai một, thất lạc thì nay được hiện lại một cách sinh động và lưu truyền cho những thế hệ mai sau.

Để những lễ hội truyền thống thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con đất Việt, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hưng Yên đã tăng cường các hoạt động quản lý lễ hội, quản lý di tích; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên về chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025.

Trong đó, thường xuyên quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để di tích, lễ hội được giữ gìn, truyền lại cho các thế hệ mai sau. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng Hưng Yên trở thành trung tâm di sản văn hóa đặc sắc tại khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Theo nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày