Thứ 6, 22/11/2024, 13:49[GMT+7]

Tựa, dựa dẹp cát cứ

Chủ nhật, 19/03/2023 | 17:03:49
2,763 lượt xem
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Đinh Bộ Lĩnh nghe thấy Trần Minh Công (Trần Lãm) là người có đức mà không có con trai bèn cùng với con là Liễn đến Kỳ Bố Hải khẩu nương dựa. Minh Công thấy Đinh Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường lại có khí chất độ lượng mới nhận làm con nuôi, đối đãi càng ngày càng hậu rồi giao cho coi quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác đều được cả...”. Kỳ Bố Hải khẩu có nghĩa là cửa biển Kỳ Bá, dân gian còn lưu truyền câu ca: “Thái Bình vô địa, Kỳ Bố hữu thiên”, tương truyền phường Kỳ Bá nay, xưa kia còn là cửa biển có sóng gió dữ tợn, một cửa vụng lùi sâu vào đất liền có tên gọi là bến Cát Hộ, hiểm hóc, nơi trú ngụ của nhiều loại giao long, thuồng luồng, rắn rết...

Nhà Trần thế kỷ XIII coi trọng Long Hưng bởi đây là đất hưng nghiệp, phát tích của họ tộc, lễ hội đền Trần vẫn được tổ chức hàng nắm vào ngày 15 tháng Giêng.

Ngược dòng lịch sử, đất đai, cương vực tỉnh Thái Bình được hình thành cả nghìn năm trước nhưng thời đó chưa được đặt tên gọi chính thức, chỉ biết rằng sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Vương Quyền bỏ chức “Tiết độ sứ” do phong kiến phương Bắc ban để xưng vương, lập triều đình, đặt chế định triều nghi với hai hàng văn, võ đã coi vùng đất này (Hải khẩu) là trọng yếu của “Tĩnh Hải quân”. Quốc gia phong kiến phương Nam được thành lập với những chiến công hiển hách của dân tộc Việt sau hơn 1 nghìn năm đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, giành quyền tự chủ. Đất nước ca khúc khải hoàn không lâu thì Ngô Vương Quyền mất, nhân cơ hội đó thế lực cát cứ khắp nơi nổi lên lập giang sơn riêng, giành quyền lợi gây nên “loạn 12 sứ quân” báo hiệu sự sụp đổ của một thể chế phong kiến tự chủ mới phục dựng trước sự xâm lăng của ngoại bang và địa thế của Kỳ Bố Hải khẩu lại được chọn làm điểm dựa, tựa dẹp yên cát cứ.

Sử cũ chép: “Đinh Tiên Hoàng dựa vào vùng Kỳ Bố Hải khẩu đứng lên dẹp yên nước, nổi tiếng anh hùng Vạn Thắng vương, gom được cả đất đai 12 sứ quân. Nước bị chia sẻ đã lâu nay thành thống nhất”. Các sử gia bình luận: Có được chiến công oai hùng đó không thể chỉ dựa vào “chí khí lớn” của Đinh Bộ Lĩnh cùng tướng sĩ mà là nguyện vọng khát khao tự do của cả một dân tộc cùng khổ dưới ách ngoại bang cùng địa thế thuận lợi giúp vương chủ tiến hành các cuộc chinh phạt thành công, đó là đất đai của Thái Bình ngày nay, cứ địa quân sự trọng yếu với những “giang môn yếu hải”. 

Sách “Việt sử thông giám cương mục” chép: “... bị chú ruột đuổi phạt vì giết trâu khao lũ trẻ mục đồng đánh trận giả, Bộ Lĩnh chạy sang Giao Thủy (Nam Định) trốn theo những người đánh cá kiếm ăn, Bộ Lĩnh vô tình mò được Ngọc Khuê dưới sông. Năm 21 tuổi, nghe tin Minh Công đức độ lại không có con, đang dấy binh khởi nghĩa, Bộ Lĩnh tìm đến Kỳ Bố tìm Minh Công dâng biếu Ngọc Khuê và nương nhờ. Trần Lãm đã nhận Bộ Lĩnh làm con nuôi, giao cho quản quân và sai đi dẹp cát cứ. Phía Đinh Bộ Lĩnh đã sớm chọn Trần Lãm cùng với Kỳ Bố Hải khẩu để nương tựa và mượn sức mạnh để nhằm chí lớn của mình. Các sử gia cho rằng, Trần Minh Công (Trần Lãm), một thủ lĩnh, một con người mà dân gian cùng sử sách ca ngợi là “tài năng, thông minh hơn người, dũng lược nhất đời” thì mới được Đinh Bộ Lĩnh cất công, lặn lội tìm đến để quy thuận và mưu khởi nghiệp ắt hẳn không phải là một việc ngẫu hứng hoặc chỉ riêng vì mến mộ vì sứ quân họ Trần “có đức” và có lòng “ân dung, đãi sĩ”.

Sử cũ cũng ghi nhận, đất đai Thái Bình màu mỡ cộng với những con người cần cù, dũng cảm, quật cường và không kém phần “vật vã” như mảnh đất đầy sóng gió bên bờ Biển Đông này, ban đầu Trần Minh Công (Trần Lãm) là sứ quân vẫy vùng, cát cứ một phương. Sử cũ cho biết, thân phụ Trần Lãm là Trần Đức vốn là một hào phú được nhiều dân tình nể trọng, còn Trần Lãm tuy vẫy vùng ngang dọc nhưng vẫn dưới trướng của Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền. Mặc dù làm chủ cả một vùng đất trù phú, giàu nhân lực nhưng Trần Lãm vẫn ra sức chiêu mộ dân khắp nơi về khai phá đất hoang, xây dựng làng xóm, tạo thêm lực lượng. 

Thần phả đình Kỳ Bá còn ghi: “Gia tư tích luỹ có tới hàng vạn, dưới trướng có mấy nghìn người vào ra...”.  Sử cũ chép: Khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, thổ hào các nơi đua nhau nổi dậy. Trần Lãm cát cứ vùng Kỳ Bố xưng Minh Công và trở thành một trong sứ quân mạnh nhất. Một thời gian sau, Đinh Bộ Lĩnh kế tục binh quyền của Trần Lãm, ông dẫn quân về miền rừng núi Hoa Lư (Ninh Bình) củng cố thêm sức mạnh, gây thanh thế rồi kéo quân dẹp loạn. Sử cũ ghi: Khi Minh Công mất, ngài sẵn có quân ấy, giữ luôn Hoa Lư, chiêu mộ, thu dung hào kiệt, thủ hiểm một nơi. Hai vua Nam Tấn và Thiên Sách nhà Ngô đánh mãi không được, kịp khi nhà Ngô mất, ngài hàng phục được Phạm Phòng Ất, phá được Đỗ Động, hạ thành, đánh ấp, đánh đâu thắng đấy được tôn gọi là Vạn Thắng vương, dẹp tan 12 sứ quân, xưng danh Hoàng đế.

Thái Bình thời thế kỷ X, miền đất sình lầy, lau lác, đầu sóng, ngọn gió và hẻo lánh, hoang dã bởi ba mặt sông, một mặt biển nhưng lại có vai trò hết sức quan trọng trong quân sự. Nhiều bậc hào kiệt chọn đây làm nơi dấy binh, khởi nghĩa, tựu trung đó là những đóng góp vô cùng lớn của ý thức quật cường đấu tranh chống ngoại xâm, gìn giữ nền độc lập. Không chỉ vùng Kỳ Bố Hải khẩu, cả một vùng rộng lớn thuộc hương Đa cương (nay là Hưng Hà và một phần huyện Quỳnh Phụ) có khá nhiều thổ hào nổi dậy, đóng đồn binh cửa Triệu, Kiền Kinh, cửa Chùa (nay thuộc xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà), đồn trại Khả (nay thuộc Duyên Hải, huyện Hưng Hà và một phần xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ) thuộc vùng kiểm soát của Lê Hoàng Phúc. Các thổ hào này chiêu mộ dân chúng, tuyển chọn binh sĩ nổi lên chiếm giữ cả một khoảng đất rộng bao la sau rồi đều tự quy hồi giúp rập Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.

Sử cũ ghi: Năm 971 (Kỳ Bố Hải khẩu là một đạo), nổi lên một lực lượng chống đối, người cầm đầu lực lượng này là Ngô Văn Kháng, con trai Ngô Văn Chấn, trưởng hạ của sứ quân Trần Lãm khi trước. Theo các nguồn khảo luận, là thuộc hạ của sứ quân Trần Lãm nên binh khí của Kháng rất mạnh. Lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh được điều đến đánh dẹp nhưng đều thất bại. Bấy giờ, Anh Dực tướng quân được xung chức Điện Tiền đô chỉ huy sứ Bùi Quang Dũng (quê ấp Hàm Châu, nay thuộc xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình), được Đinh Bộ Lĩnh tin cẩn giao cầm quân đánh dẹp. Ông không vội giao chiến mà cho quân đóng ở làng Lương Lai (nay thuộc Đại Lai, Phú Xuân, thành phố Thái Bình), gần Kỳ Bố. Sau khi nắm bắt tâm tư của Kháng luyến ái chúa cũ là Trần Lãm, Bùi Quang Dũng tổ chức lễ bái yết tướng công Trần Lãm tại đền thờ Minh Công. Thấy vậy, Ngô Văn Kháng hết sức cảm kích, xin gặp Anh Dực tướng quân, đồng thời quy hàng. Anh Dực tướng quân cho dân chúng khai khẩn đất hoang, mở mang việc nông tang, khôi phục lễ nghi, mở rộng các làng Lương Lai (nay là Đại Lai), Nhân Khê, Tri Lai, Linh Sa... (nay thuộc xã Phú Xuân và phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình).

Quang Viện