Thứ 7, 04/05/2024, 13:26[GMT+7]

Bột sắn dây Đông La: Khẳng định thương hiệu OCOP 4 sao

Thứ 6, 07/04/2023 | 14:54:27
2,655 lượt xem
Để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sắn dây truyền thống của địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đông La (Đông Hưng) đã liên kết thành lập HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La. Hình thức sản xuất mới này đã giúp bột sắn dây của HTX được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân nơi đây.

Sau khi sấy khô, bột sắn được đóng hộp cẩn thận sẽ bảo quản lâu hơn.

Cây sắn dây được trồng trên đất Đông La đã vài chục năm nay, có nhiều ở 3 thôn Cổ Dũng 1, Cổ Dũng 2, Thuần Túy. Những năm trước đây, các hộ dân trồng sắn dây rải rác, quy mô nhỏ lẻ, manh mún cho năng suất, giá trị thấp. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây sắn dây, chính quyền địa phương đã quy vùng sản xuất, vận động người dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng sắn dây. Đến nay, xã đã có 2 vùng trồng tổng diện tích khoảng 10ha với gần 70 hộ dân tham gia. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong xã còn tận dụng thuê, mượn những quỹ đất nhàn rỗi, đất xen kẹp trong thôn, ngoài xã để trồng sắn dây, có hộ trồng hàng mẫu. Hướng đến xây dựng thương hiệu sắn dây Đông La, các hộ dân đã chú trọng ngay từ khâu chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Ông Nguyễn Văn Vạn, thôn Cổ Dũng 1 cho biết: Gia đình tôi trồng sắn dây đã hơn 10 năm nay. Sắn dây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, không tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, chúng tôi không dùng hóa chất mà dùng phân bón hữu cơ để bón cho cây. Đặc biệt, loại cây này hợp với thổ nhưỡng, được trồng, chăm sóc bởi những người có nhiều kinh nghiệm nên sắn dây cho củ sai, nhiều bột, chất lượng thơm ngon đặc trưng, được nhiều người biết đến. Trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu 40 - 50 triệu đồng, giá trị gấp 10 lần trồng lúa.

Đầu năm khi thời tiết thuận lợi, người dân Đông La bắt đầu làm đất, đắp ụ trồng sắn dây. Cuối năm tiến hành thu hoạch. Bình quân 1 sào sắn dây cho thu khoảng 1 - 1,2 tấn củ tươi. Nếu bà con chế biến thành bột sắn dây thì cho giá trị gấp 4 - 5 lần so với bán củ tươi. Thay vì bán sản phẩm tươi sau thu hoạch với giá thấp, các hộ trồng sắn đã liên kết thành lập HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La, tập trung mở rộng diện tích trồng sắn, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 

Ông Mai Văn Chùy, Phó Giám đốc HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La cho biết: Bột sắn dây có thể chế biến thành nhiều món ăn, thức uống bổ dưỡng nâng cao sức khỏe, ai cũng có thể dùng được. Hiện nay, nhu cầu bột sắn dây trên thị trường rất lớn. Khi mới thành lập năm 2021, HTX có 7 thành viên đến nay đã tăng lên 15 thành viên. Để biến sản phẩm truyền thống thành hàng hóa có thương hiệu, HTX chú trọng làm tốt từ khâu làm giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến sản phẩm. Với quy trình sản xuất, chế biến đồng bộ, khép kín bằng hệ thống máy móc hiện đại, sản phẩm bột sắn dây của HTX bảo đảm chất lượng, là sản phẩm sạch, có đầu ra ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Bà Vũ Thị Riềm, xã Đông La chia sẻ: Nhà tôi trồng sắn dây đã gần 20 năm nay, mỗi vụ trồng khoảng 100 hốc, thu được khoảng 5 tấn củ. Tôi vừa bán củ sắn tươi vừa chế biến thành bột sắn nhưng theo quy mô gia đình, hiệu quả không cao. Từ ngày thành lập HTX tôi vào làm công nhân và cung cấp củ sắn tươi cho HTX chế biến với giá cao hơn bán ra ngoài thị trường. Sản xuất theo quy trình khép kín, đặc biệt được sấy khô ngay, vì vậy bột sắn dây trắng, thơm ngon, đầu ra ổn định, lương của tôi được 5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm bột sắn dây của HTX được đóng hộp hoặc đựng trong túi vừa đẹp mắt vừa tiện lợi cho người tiêu dùng lại bảo quản được lâu. 

Mỗi vụ HTX nhân giống khoảng 1.000 gốc sắn dây cung cấp cho người dân trong và ngoài xã trồng.

Thương hiệu đã đăng ký bảo hộ độc quyền, mỗi sản phẩm đều có mã số, mã vạch, mã QR Code cung cấp đầy đủ thông tin, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tuy mới đưa ra thị trường song sản phẩm đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận, lựa chọn. Mỗi năm HTX thu mua khoảng trên 30 tấn củ tươi chế biến thành bột sắn cung cấp cho thị trường. Đây là tín hiệu vui để bà con nông dân xã Đông La tiếp tục gắn bó với cây trồng truyền thống này. 

Ông Nguyễn Văn Tiễn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết: Trước đây việc trồng, chế biến sắn dây của người dân còn nhỏ lẻ, dân trồng ra chủ yếu bán củ tươi, giá thấp 10.000 - 12.000 đồng/kg, từ khi có HTX thu mua thì tăng lên 19.000 - 20.000 đồng/kg. Chế biến thành bột sắn dây giá trị tăng lên gấp nhiều lần. Đây là mô hình có thể nhân ra diện rộng. Đông La là địa phương phát triển mạnh công nghiệp nhưng rất tự hào vì có sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Thời gian tới, xã tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích trồng sắn dây tại các vùng bãi ven sông Tiên Hưng để cung cấp nguyên liệu cho HTX chế biến thành bột sắn; đồng thời tạo điều kiện cho HTX mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị nâng cao công suất, chất lượng cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, những nông dân ở xã Đông La đã xây dựng thành công thương hiệu và làm giàu từ loại nông sản dân dã sẵn có của địa phương, góp phần thực hiện tiêu chí thứ 13 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã.

Thu Hiền