Thứ 2, 25/11/2024, 13:10[GMT+7]

Tiên phong nuôi ong thùng kế

Thứ 2, 24/04/2023 | 07:45:25
6,035 lượt xem
Đam mê với nghề nuôi ong và chịu khó tìm tòi, học hỏi, anh Đỗ Trung Kiên, 37 tuổi, thôn Hương, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nuôi ong ngoại trên thùng kế, cho hiệu quả kinh tế và chất lượng mật ong cao hơn hẳn so với phương pháp nuôi truyền thống.

Anh Kiên áp dụng kỹ thuật nuôi ong trên thùng kế cho chất lượng, sản lượng mật ong cao hơn so với phương pháp truyền thống.

Hơn 20 năm trước, một đàn ong tự nhiên đến vườn nhà làm tổ trên ngọn cây, ông Đỗ Văn Lương, bố anh Kiên đã khéo léo bắt ong vào thùng nuôi thử nghiệm. Cũng từ đây, ông Lương bắt đầu gắn bó với nghề nuôi ong với quy mô 9 - 10 đàn mỗi năm. Anh Kiên có cơ hội chăm sóc, học hỏi kỹ thuật nuôi ong từ cha mình nhưng chưa đam mê với nghề này mà đi làm ăn xa ở tỉnh ngoài. Năm 2012, anh Kiên quyết định trở về quê hương, tập trung vào nghề nuôi ong. Anh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất lên 50 - 70 thùng ong/năm.

Trước kia, anh Kiên chỉ nuôi giống ong nội nhưng sau khi học hỏi ở nhiều tỉnh, thành phố, đến năm 2020, anh mạnh dạn chuyển sang nuôi 60 thùng ong ngoại, chỉ duy trì hơn 10 thùng ong nội. Đối với giống ong ngoại, anh Kiên áp dụng kỹ thuật mới là nuôi ong trên thùng kế, tức là kế thêm 1 - 2 thùng không có đáy lên phía trên của thùng ong truyền thống, chỉ cho ong thợ lên các cầu của thùng kế bên trên để làm tổ, giữ ong chúa ở thùng dưới cùng làm nhiệm vụ sinh sản. Anh Kiên chia sẻ, sử dụng thùng kế để nuôi ong, có rất nhiều ưu điểm so với nuôi ong ở thùng đơn truyền thống. Nuôi ong thùng kế, khi thu hoạch mật, chỉ cần lấy các cầu mật ở thùng kế ra, không làm ảnh hưởng đến hoạt động đẻ trứng của ong chúa và nuôi dưỡng ấu trùng của ong thợ ở thùng dưới cùng. Do vậy, kéo dài thời gian làm mật của đàn ong, từ đó cho sản lượng mật cao hơn. Mật ong thu được ở thùng kế là mật đã chín, hàm lượng nước thấp, không lẫn xác ấu trùng nên chất lượng mật cao hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống. Hiện mật ong của gia đình anh Kiên đạt 1,4 - 1,45kg/lít, rất đậm đặc. Ngoài ra, nuôi ong thùng kế có thể thu các sản phẩm mật ong khác nhau như: mật ong ly tâm (mật ong sau khi vắt thông thường) và mật ong còn nguyên trong bánh tổ. Trong đó, mật ong trong bánh tổ hiện được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ, giá bán cao hơn. Giống ong ngoại cho sản lượng mật cao hơn, chất lượng mật tốt hơn. Hiện tại, mỗi cầu ong thùng kế của anh Kiên đạt hơn 2kg mật/lượt thu hoạch. Kỹ thuật nuôi ong thùng kế hiện vẫn còn khá mới mẻ so với người nuôi ong trong tỉnh nhưng anh Kiên đã tự tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm và áp dụng thành công 3 năm nay. Với hơn 70 đàn ong, thời tiết thuận lợi, mỗi năm gia đình anh Kiên thu hoạch được hơn 1 tấn mật, tương đương hơn 700 lít mật, thu về từ 140 - 150 triệu đồng/năm từ nghề nuôi ong.

Vất vả nhất của nghề nuôi ong là khâu di chuyển các đàn ong đi gửi tại các vườn cây trái trong tỉnh để bảo đảm lượng thức ăn tự nhiên cho đàn ong. Hàng năm, mùa nào thức ấy, gia đình anh Kiên sẽ di chuyển các thùng ong đến các vùng nhiều hoa trái để lấy mật như mùa hoa táo ở Thuận Vi, mùa hoa sú vẹt ở Tiền Hải, mùa hoa nhãn, hoa vải ở quê hương... “Nuôi ong không quá khó nhưng cần sự chăm chỉ, cần mẫn như chính những chú ong. Cái hay của nuôi ong là chi phí đầu tư thấp, không có chất thải góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, nhu cầu sử dụng mật ong hiện nay lớn, tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi. Trong nghề nuôi ong hiện nay, tôi lo lắng nhất là tình trạng nông dân sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ tràn lan trên vườn, đồng ruộng, thường khiến đàn ong chết hàng loạt, thiệt hại kinh tế lớn” - anh Kiên cho biết thêm.

Ngoài bán mật ong, anh Kiên còn gây đàn, bán ong giống và chia sẻ kỹ thuật nuôi ong để người dân trải nghiệm tự nuôi ong lấy mật hoặc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày