Thứ 6, 22/11/2024, 16:09[GMT+7]

Chuyện kể thời dựng nước

Thứ 6, 12/05/2023 | 18:46:56
5,193 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, năm 43 sau Công nguyên, Hán Quang Vũ cử Phục Ba tướng quân Mã Viện làm Chinh Nam tướng quân, men theo bờ biển, lần theo vách núi đẵn cây, mở hơn 1.000 dặm tiến vào Lãng Bạc (tên gọi cổ xưa của lưu vực sông Trà Lý). Theo hiệu triệu của Trưng Vương, các tướng lĩnh, cử súy và con em Đa Cương nhất tề về Mê Linh hội quân cùng Trưng Vương tử chiến với giặc. Trận Lãng Bạc quân ta bất lợi, trận sông Hát quân ta thua to, Hai Bà Trưng tuẫn tiết. Các thủ lĩnh Trần Thông, Trần Mậu, Trần Hiển, Đặng Minh đều hy sinh tại trận (ngày 2 tháng 2). Vũ Thị Thục lui quân về Đa Cương tiếp tục chiến đấu thêm 1 tháng. Ngày 20/3, Lưu Long vây căn cứ Tiên La, bà đã chiến đấu đến nghĩa binh cuối cùng, đến gốc thông bên gò Kim Quy, hết đường, liền tự sát.

Khu tâm linh Đa Phú, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, địa danh cổ thời Hùng Vương là khu Đãn Chàng, nơi có dân tộc Đãn và Việt cổ đầu tiên trên đất Thái Bình.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, các cuộc nổi dậy mang tính chất “mẫu hệ” ở nước ta thời bấy giờ nói chung, của các cử súy vùng Đa Cương nói riêng được truyền tụng trong dân gian và chép trong các thần tích chính do việc bắt bớ, ép buộc con gái đẹp ở các làng quê làm tỳ thiếp cho người Hán. Ngoài Tô Định bức con gái đẹp làm tỳ thiếp ở phủ thái thú còn có sự a tòng của quý tộc Hán và quân lính nhà Hán đô hộ nước ta. Việc làm đó vừa thỏa mãn thói dâm tục của bọn xâm lược vừa âm mưu đồng hóa dân tộc. Đối tượng bị xúc phạm đầu tiên là quý tộc Việt, phần đông bấy giờ vẫn còn giữ vai trò tri huyện, tri châu, hương trưởng và các cử súy (thủ lĩnh quân sự địa phương). Từ thời Hùng Vương, đất Đa Cương (nay là huyện Hưng Hà) đã có nhiều quý tộc gốc Việt Mường về khai khẩn. Họ Hà chiếm hầu khắp từ Hà Xá xuống Hà Nguyên, Hà Lang. Họ Hoàng chiếm cánh đồng màu mỡ Tam Nông: Hoàng Nông, Đôn Nông, Diên Nông là vùng kinh tế rất thịnh đạt. Nhiều quan lang đã cư trú ở Hà Lang, Khả Lang, Nham Lang, con cái nhà lang chiếm riêng Chiềng óc, Lang Cun (Cun Cương - Hòa Tiến), dân gốc cổ sớm có mặt ở Bùi Phú (Độc Lập), Bùi Xá (Tân Lễ)... Dân Thượng Đạo và dân chài tộc Đãn nhiều vùng đã sớm bỏ sông nước lên bờ sống bằng nghề trồng trọt, khoảng đầu thời Tây Hán họ đã đạt đến trình độ văn hóa cao.

Năm 23, sau khi lập nhà Đông Hán, Lưu Tú cho gọi Nhâm Diêm, Tích Quang về nước, cử Tô Định sang làm thái thú Giao Châu. Tô Định kế thừa được cái bạo liệt của Lưu Tú, song không tiếp thu được cái bao dung kẻ sĩ. Để trả ơn tầng lớp thương nhân đã có công giúp phục hưng nhà Hán, Lưu Tú rộng tay với thương giới. Bọn thương gia được thể câu kết với quan cai trị thúc ép dân ta lên rừng tìm ngà voi, sừng tê giác, chết vì nạn hổ báo; ép dân ta xuống bể mò ngọc trai, bắt đồi mồi, chết vì sóng gió..., về thôn dã ép thu mua tơ lụa để đem về nội địa kiếm lời, tăng cao phú liễm để đáp ứng cho triều Đông Hán xây dựng kinh đô Lạc Dương. Căn cứ vào hồ sơ di tích Đình Nhội - Xuân Lôi, đền Tịnh Thủy (xã Hồng Minh), đình Duyên Lãng, Thượng Lãng (xã Minh Hòa), Phúc Duyên (xã Văn Lang), đình Buộm (xã Phú Sơn, nay là thị trấn Hưng Nhân), các đền Buộm, Rẫy (xã Tân Tiến), đền Trình (xã Điệp Nông) và đền Tiên La (Đoan Hùng - Tân Tiến) thì trên đất Hưng Hà có 2 căn cứ dấy binh, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Trưng Vương. Tại vùng cửa Luộc, quê hương của họ Hoàng và họ Hà, buổi đầu họ tụ cư trên các vàn cao như Tảo Sơn (thị trấn Hưng Nhân), Nham Lang (Tân Tiến). Hoàng Công đã khai khẩn cả vùng Hoàng Nông (sau tách thành Hoàng Nông, Canh Nông và Phú Nông (nay là xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà), nối đời làm lang cun. Dòng trưởng ở hữu ngạn sông Đức Cương (thời nhà Lê gọi là sông Tiên Hưng), ngành trưởng dòng thứ dựng cơ nghiệp ở Cun (Tảo Sơn), dân nghèo tập trung ở các vùng Buộm, Rẫy, Đầu (thị trấn Hưng Nhân), Bùi (Tân Lễ), Hú, Cũ, Nguộn, Mụa, Trạch, Sâm (Hòa Tiến). Bà Hoàng Thị Mầu là con cháu thuộc dòng quý tộc Việt - Mường đã liên kết với quý tộc họ Vũ ở Phong Châu là Vũ Công Chất, quê làng Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc. Ông Vũ Công Chất tuy giỏi chữ Hán, biết cả nho, y, lý, số song không chịu ra làm quan lại liên kết với họ Phạm là Phạm Hương ở Chu Diên, hứa gả con gái cho Phạm Hương. Tô Định muốn mua chuộc họ Vũ, ép Vũ Thị Thục làm ái thiếp, hứa ban chức tước cho Vũ Công. Không lôi kéo được Vũ Công, Tô Định liền giết Phạm Hương, bắt giam Vũ Công Chất, lại kéo quân về Phượng Lâu tàn sát thảm khốc. Vũ Thị Thục được tin ngay đêm tối đã trốn về quê mẹ tại hương Đa Cương. Tương truyền bà náu mình trong Tiên La tự (chùa Tiên La), sáng hôm sau tất cả hương lão trong làng tụ tập tại gốc đa cạnh bờ sông, cùng nối hàng vào chùa đón rước người trưởng nữ và tôn bà làm minh chủ, tổng huy động con em sắm giáo mác, đêm ngày luyện tập để cùng chủ báo thù.

Tại lưu vực Buộm - Tảo Sơn (thị trấn Hưng Nhân), họ Cao (dòng dõi các phúc thần thời Hùng Vương như Cao Quán, Cao Đông (Tân Giới, Tân Lễ), Cao Mang (Dương Xá, Phú Sơn) là Cao Văn Thời, lấy vợ làng Ngoạn Khu (Buộm) là Lê Thị Mỹ, sinh ra Cao Thị Nguyên một người “tứ đức vô hà” (ý nói công, dung, ngôn, hạnh của bà không ai sánh nổi). Bà Nguyên lấy ông Phạm Phúc, sinh ra Phạm Khánh là bậc quân tử. Cả nhà được thiên hạ trọng vọng, khiến quan đô hộ lo ngại, vô cớ giết ông Phạm Phúc. Căm giặc nước tàn bạo, hờn Tô Định giết cha, Phạm Khánh bấy giờ đang làm phụ đạo, lập hương binh, liên kết với họ Hoàng, họ Vũ (Tiên La) cát cứ một vùng. Lưu Long, tướng của Phục Ba Mã Viện được lệnh truy quét cánh quân của Phạm Khánh tại làng Buộm, các cử súy lâm cảnh thân cô, thế cô. Đường cùng, ngày 10 tháng 7 Phạm Khánh phải tự tận. Để tưởng nhớ những trang liệt nữ, cử súy hy sinh vì nước, các làng Buộm, Ứng Lôi, Hoàng Nông, Đôn Nông, Tiên La, An Nhân, Lương Ngạc, Thưởng Duyên, Phúc Duyên, Thọ Duyên, Đồng Lôi đã lập đền thờ các cử súy của Trưng Vương.

Thanh thế của bà Thục càng lên cao. Dân Hoàng Nông tích thảo binh lương, dân Thượng Đạo từ Phong Châu (quê nội) không quen làm ruộng nước, bà cho làm ruộng cao (nay là làng Rẫy), dân lưu tán đến nương nhờ, bà cho ruộng, cấp đất làm nhà ở An Nhân (Tân Tiến). Lại xây phòng tuyến kiên cố vững như sắt đá ở Nham Lang, cho Ngọc Hoa trông coi cửa Đìa (Hồng An), chỉ trong một năm đã có trên 3.000 nghĩa binh, tự làm chủ cả vùng Đa Cương, bà dựng cờ “Bát Nạn tướng quân”. Trưng Trắc biết thanh thế của quân dân Đa Cương và chí lớn của Vũ Thị Thục là vợ Phạm Hương nghĩa tướng của Thi Sách nên đã cử công chúa Bảo Hoa về tận Đa Cương vận động nghĩa quân về Mê Linh hội quân. Thục nương băn khoăn, hội chúng sỹ cho bàn, vì nghĩa lớn, tướng sĩ nhất tề kéo về Mê Linh tụ nghĩa.

Cũng trong thời gian đó, tại vùng kẻ Nhội (nay là xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) quê hương của Ngọc Lan, dân khổ vì thị trường kẻ chợ bị thao túng, đã nổi lên khởi nghĩa, bà Nguyễn Thị Ngọc quê ở Thưởng Duyên, Phúc Duyên, Thượng Lãng (Minh Hòa, Văn Lang) cùng chồng là Hùng Công vâng lệnh Trưng Vương về cửa Phạm Lỗ chiêu binh, tuyển 40 hương binh đến với Trưng Vương. Tại làng ứng Lôi (Tân Lễ), vợ chồng cụ Trần Thông, Vũ Thị Môi cùng các con là Trần Mậu, Trần Hiển, Trần Đạo, con nuôi Đặng Minh tập hợp được 128 tráng sỹ cũng nổi lên đánh giặc. Theo lệnh của Bà Trưng, các bản, xá, hương Đa Cương đã diệt bọn tay sai thân Hán, tuyên bố phò tá Trưng Vương, đích thân tướng Vũ Thị Thục cũng dẫn đại quân đánh tan giặc Tô Định, trả nợ nước, đền nợ nhà.

Theo sách “Hậu Hán thư”, cổ sử chép thời thế kỷ III, sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện bắt trên 300 cử súy người Việt đưa về Lạc Dương cầm tù. Trưng Vương và nhiều tướng súy đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng, theo suy đoán của hậu thế, ít nhất cũng có 300 - 400 cử súy hy sinh. Cả nước Việt thời bấy giờ có trên dưới 1.000 cử súy thì Đa Cương có 30 người.


Quang Viện