Thứ 7, 18/05/2024, 07:56[GMT+7]

Thái Bình nói không với khai thác IUU

Thứ 2, 22/05/2023 | 16:37:58
10,832 lượt xem
Để chuẩn bị đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 dự kiến vào cuối tháng 5/2023, tỉnh Thái Bình đã quyết liệt triển khai thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, tuyên truyền các chủ tàu chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.

Thái Bình có trên 54km đường biển thuộc 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy, vùng biển rộng trên 3.000km2. Toàn tỉnh có 2 cảng cá với 751 tàu cá khai thác thủy sản với tổng công suất 103.543KW; trong đó, 177 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi, 214 tàu có chiều dài từ 12 - 15m khai thác vùng lộng, 360 tàu có chiều dài từ 6 - 12m khai thác vùng bờ. Năm 2022, tổng sản lượng khai thác ước đạt 98.461 tấn, trong đó sản lượng khai thác nước mặn ước đạt 94.045 tấn; 3 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng khai thác ước đạt 25.861 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 363,2 tỷ đồng.

Quản lý, giám sát chặt phương tiện nghề cá

Tuy không phải là tỉnh có ngư trường lớn nhưng thời gian qua lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát các ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tìm cách tháo gỡ “thẻ vàng” EC. Những khuyến nghị của EC sau 3 đợt kiểm tra đã được tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, Thái Bình đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá, kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá không đủ các điều kiện theo quy định ra vào cảng; không để các tàu cá này tham gia hoạt động khai thác dẫn đến vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) đạt trên 6.700 tấn với 3.627 lượt tàu cập cảng. 4 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng là 2.806,6 tấn với 1.367 lượt tàu cập cảng. Nhằm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, nhân lực ban quản lý cảng cá được tăng cường từ 2 người lên 8 người, trực 24/24 giờ tại cảng để kiểm soát tàu xuất, nhập cảng. 

Ông Bùi Đức Thàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Tiền Hải - đơn vị quản lý cảng cá cho biết: Ban Quản lý cảng cá tập trung nhiều giải pháp tuyên truyền chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Hàng ngày, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, kiên quyết không cho khai thác hải sản trên biển nếu không bảo đảm các quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá, bảo đảm trạng thái hoạt động trước khi cho tàu xuất bến.

Trung tá Lê Trọng Anh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Lân cho biết: Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các xã ven biển để tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến IUU và các quy định khi hành nghề cá trên biển... Ngoài ra, các chiến sĩ còn hướng dẫn ngư dân về ranh giới hoạt động trên biển, quy định của các nước có liên quan, tác hại của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. Tại khu vực cảng cá, bến cá, đơn vị phối hợp với địa phương thường xuyên tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký khai thác và cấp phát sổ nhật ký khai thác cho tàu cá chuẩn bị vươn khơi. Đơn vị cũng đã tiến hành đồng bộ các biện pháp tuần tra, kiểm soát và nắm tình hình trên biển, đặc biệt khi phương tiện xuất, nhập bến phải bảo đảm đủ giấy tờ theo quy định, nghiêm cấm các phương tiện chưa đúng quy định xuất bến.

Tại cảng cá Cửa Lân, năm 2022, số tàu cá được kiểm tra là 404 tàu, số tàu vi phạm cập cảng 2 tàu; năm 2023, tính đến ngày 15/5, số tàu đã được kiểm tra 67 tàu. Tại cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy), mặc dù chưa được công bố mở cảng nhưng để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu cá chống khai thác IUU, UBND huyện Thái Thụy đã thành lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU thường trực tại 3 chốt lên cá của huyện: bến cá Tân Sơn (thị trấn Diêm Điền), bến cá Đông Tiến (xã Thái Đô) và bến cá Thụy Tân (xã An Tân). Kết quả, năm 2022 đã kiểm tra, kiểm soát đăng ký và xác nhận 13.557 lượt tàu cá xuất, nhập bến; năm 2023 (2 tháng đầu năm) kiểm tra, kiểm soát đăng ký và xác nhận 19.041 lượt tàu cá. Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Thái Bình. Năm 2022 phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 413 triệu đồng; năm 2023 (tính đến ngày 15/5), phát hiện xử lý vi phạm hành chính 13 vụ/13 tàu/13 đối tượng, xử phạt gần 144 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết kế hoạch phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa trong kiểm soát 100% tàu cá của 6 tỉnh/thành phố cập cảng làm xác nhận như thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác và hoạt động trên vùng biển thuộc quản lý của 6 tỉnh/thành phố.

Nhờ quản lý chặt chẽ, đến ngày 15/5, Thái Bình chưa phát hiện tàu cá vượt ranh giới biển, vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ. Đây là một nội dung quan trọng mà đoàn thanh tra của EC đã khẳng định nhiều lần, nếu không quản lý được đội tàu, vẫn còn tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài thì rất khó gỡ được “thẻ vàng” về khai thác IUU.

Đồn biên phòng Cửa Lân tăng cường tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến IUU và các quy định khi hành nghề cá trên biển. 

Quyết liệt khắc phục các khuyến nghị của EC

Thực hiện đợt cao điểm 180 ngày khắc phục các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản triển khai đồng bộ các quy định của Luật Thủy sản, khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Ông Vũ Kim Cẩn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Sau khi có kết luận của EC khi sang làm việc với Việt Nam lần thứ 3, lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các cấp, ngành triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm khắc phục khuyến nghị, trong đó tập trung vào 2 nội dung quan trọng: quản lý tàu cá, xác nhận nguồn gốc xuất xứ thuỷ sản khai thác. Đối với công tác quản lý tàu cá, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác khắc phục, tháo gỡ “thẻ vàng” của các địa phương; tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá; tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu chủ tàu chấp hành nghiêm quy định về quản lý tàu cá. Về công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản, tuy đa số sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh được tiêu thụ nội địa nhưng các đơn vị quản lý cảng cá đẩy mạnh việc rà soát, nắm bắt số lượng cũng như kiểm soát tàu cá xuất nhập bến để giám sát số lượng, đặc biệt sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng. Đến nay, tỷ lệ tàu trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đã đạt 98,87%; 100% tàu được cập nhật dữ liệu trên phần mềm quản lý tàu cá Vsfisbase; 91,61% tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; 98,3% tàu cá đã thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Ngư dân Bùi Xuân Cử, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) cho biết: Tàu của chúng tôi thường xuyên khai thác hải sản vùng lộng. Trong quá trình khai thác và khi về cảng cá bốc dỡ sản phẩm, chúng tôi thường xuyên được các lực lượng chức năng giới thiệu, cung cấp tài liệu và hướng dẫn khai thác hải sản an toàn, hiệu quả... Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn nên giờ đây chúng tôi đã hiểu được hậu quả của việc khai thác sai quy định, cũng như nắm chắc và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác hải sản trên biển để không vi phạm IUU. Tôi cũng như nhiều ngư dân của xã Nam Thịnh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Thủy sản, tuyệt đối không vượt ranh giới biển, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tới đây, đoàn thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam lần thứ 4 kiểm tra ngẫu nhiên một số địa phương về công tác khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được khuyến nghị tại đợt thanh tra lần thứ 3. UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch chi tiết đón đoàn EC. Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh trong thực hiện các biện pháp khắc phục các khuyến nghị của EC sẽ góp phần cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Ngân Huyền