Thứ 5, 02/05/2024, 01:26[GMT+7]

Vương triều bên bờ sóng

Thứ 6, 30/06/2023 | 15:30:36
3,079 lượt xem
Sử cũ ghi: Lý Bôn (tức Lý Bí), người quê ở hương Thái Bình (có tài liệu ghi Lý Bí sinh ra tại chùa Hưng Quốc, làng Quang Lang, nay thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy), xuất thân là một hào trưởng địa phương, văn võ song toàn. Theo cổ sử, Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17/10/503). Khi Lý Bôn 5 tuổi thì cha mất, 7 tuổi thì mẹ qua đời, ông ở với chú ruột. Tương truyền, có một vị Pháp tổ thiền sư đã đem Lý Bí về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, lại được vị thiền sư gia công chỉ bảo nên Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu, ít người sánh kịp. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.

Đi cà kheo - một hoạt động văn hóa thể thao dân gian của người dân Thụy Hải, huyện Thái Thụy.

Người dân Diêm Điền, tổng Hổ Đội (nay là xã thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), vẫn còn lưu truyền câu chuyện về cái giếng linh thiêng, giếng này giờ nằm trong khuôn viên khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ngày xưa, giếng này nằm cách mép bãi bồi, bên ngoài là biển, là nước mặn, bên trong nước lợ nhưng nước giếng vẫn trong xanh, nước vẫn mát ngọt cho đến tận bây giờ. Người dân nơi đây vẫn kể cho con cháu nghe những câu chuyện tưởng như trong huyền thoại gắn liền với những lễ hội không kém phần đặc sắc của người dân nơi “đầu sóng, ngọn gió” như lễ tế thủy thần; tế bà Chúa Muối; tục rước nước và múa ông Đùng bà Đà... Chuyện kể rằng, thời tiền Lý (Lý Nam Đế 503 - 548) những làng ven biển, ven sông hoặc nơi có hồ rộng ở vùng hạ lưu sông Diêm Hộ thường tổ chức bơi chải trong những ngày lễ hội truyền thống. Lưu truyền rằng: vào một đêm tối trời bỗng nhiên có hai chiếc thuyền rồng ở dưới sông Diêm Hộ nổi lên, quân trên thuyền reo hò ầm ĩ. Lý Bôn tưởng giặc đến đánh úp bèn vội hô ba quân nghênh chiến. Bất ngờ trên thuyền có tiếng hô to, tự xưng là Thủy Thần đến giúp đỡ Lý Bôn đánh giặc. Quả nhiên, ngày hôm sau, thủy binh của Lý Bôn đánh tan quân Lương. Cảm kích bởi tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà ngay đến Thủy Thần cũng sẵn sàng xung trận, Lý Bôn cho phép dân chúng tổ chức lễ hội bơi chải (có nơi tổ chức vào ban đêm) để tế Thủy Thần.

Theo các nguồn khảo luận, Lý Bôn đã từng ra làm quan cho nhà Lương nhưng do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác nên ông bỏ quan về quê chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương ngày nay) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục hết sức phục tài đức của Lý Bí nên đã đem quân nhập với đạo quân của ông. Năm 541, thứ sử Giao Châu Tiêu Tư vô cùng tàn bạo nên bị người dân oán giận. Cùng thời điểm ấy, biên ải có giặc Lâm Ấp quấy phá, nhân dân Giao Châu lâm vào tình thế rất khổ cực. Lý Bôn làm quan cho chính quyền đô hộ nhưng bất bình nên bỏ về quê (Thái Bình nay) chiêu mộ nghĩa quân. Đầu năm 542, cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn đã nổ ra chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Nhân lúc lòng dân oán hận giặc Lương dâng trào, Lý Bôn đã liên kết với hào kiệt ở các châu thuộc miền đất Giao Châu (nước Việt Nam xưa), đồng thời dấy binh chống nhà Lương. Cuộc khởi nghĩa do Lý Bôn “cầm đầu” nổi dậy từ tháng một năm 542, dài không quá 3 tháng đã kết thúc, nghĩa quân đã chiếm được châu thành Long Biên (Bắc Ninh). Sau những giờ phút kinh hoàng, chính quyền nhà Lương lập tức có phản ứng đối phó điên cuồng. Tháng 4 năm 542, vua Lương sai thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Nịnh Cư, thứ sử An Châu là Lý Trí, thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán, từ hai phía Bắc và Nam Giao Châu cùng tiến đánh nghĩa quân Lý Bôn. Chủ động đánh giặc, nghĩa quân Lý Bôn tổ chức một trận tiêu diệt lớn ngay trên miền cực Bắc Châu Giao. Trăm trận trăm thắng, đến năm 544, nhằm tháng Giêng, ông tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, lấy tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc lưu truyền đến muôn đời. Lễ hội bơi chải xưa của làng Diêm Điền là cuộc đua thể hiện tài năng hết mình của các chàng trai thành thạo nghề sông nước để trình diễn cho Thủy Thần tham quan, cầu mong thần phù trợ trong công việc đi biển thuận lợi may mắn, mang lại cuộc sống no đủ cho dân làng, cũng là “món quà” dâng lên Lý Nam Đế để tưởng nhớ công ơn của vị vua tiền Lý đã có công lao dẹp tan giặc Lương, giữ yên bờ cõi.

Không biết tự bao giờ, người dân Diêm Điền vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ “Sóng cửa Trà (cửa sông Trà Lý), ma cửa Hộ (cửa sông Diêm Hộ)”. Theo tư liệu điền dã, làng Diêm Điền có chiều dài khoảng 1km và được bao bọc 3 phía bởi sông Cống Ngoại về phía Tây, sông Cống Mới phía Đông, đặc biệt phía Nam là dòng Diêm Hộ chảy qua trước làng rồi đổ ra biển. Tục bơi chải của làng gắn liền với nghề đi biển đánh bắt hải sản và vận tải đường biển nên người dân thường sùng bái Thủy Thần, thường niên mở hội tế lễ Thủy Thần. Cũng theo di huấn của các bậc tiền nhân truyền lại rằng, trước năm 1945 làng còn có chùa và đình, trước khi bơi phải đến tế Thủy Thần ở đình Trung vào sáng ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Tục bơi chải quy định: cả làng gồm có 5 đội bơi đại diện cho 5 xóm (xóm Hậu, xóm Tiền, xóm Tả, xóm Hữu và xóm Trung), mỗi đội 20 người có 9 cặp bơi, một người cầm lái và một người đánh mõ hô nhịp. Vật tế lễ dâng lên Thủy Thần là một con cá vược lớn còn tươi, đặt trên chiếc mâm đồng, phía dưới trải tấm lụa màu trắng. Mỗi đội cử một đại biểu bưng lễ vật đặt trên bàn thờ. Người đại diện của mỗi xóm thường là bậc huynh trưởng, gia đình phải đủ con trai, con gái, phúc hậu (là con cháu của các bậc tiên hiền có công lao khai phá, lập xóm mở làng) với trang phục truyền thống, quần áo dài thụng màu xanh, đội khăn xếp màu đen, đi giày. Tham gia tế Thủy Thần gồm 1 chủ tế, 4 bồi tế, 12 quan viên. Chủ tế mặc áo dài màu xanh, khăn xếp màu đen, hai bên tả, hữu là hai hàng quan viên (là những vị  trong ban hương chức của làng) và có 2 ông Tây xướng và Nam xướng. Các bồi tế lần lượt dâng hương, đăng, trà (2 lần), dâng Thanh chước (rượu) 4 lần và ông chủ tế đọc bài chúc văn thành kính mời Thủy Thần về chứng giám các lễ vật do lòng thành của dân làng dâng cúng và cầu mong thần phù trợ đắc lực cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, nhà nhà bình yên, no đủ, hạnh phúc…

Địa danh “lân gia” với Diêm Điền là làng Quang Lang, xã Thụy Hải, quê hương của nghề làm muối. Quang Lang có hai ngôi đền đều mang tên đền thờ bà Chúa Muối. Hàng năm, nơi đây là địa điểm diễn ra các lễ hội, các trò chơi dân gian đặc sắc của một vùng quê biển với tục rước nước, trò gieo ống, múa ông Đùng bà Đà, đi kheo trên cạn đặc sắc. Ngay cạnh đền thờ bà Chúa Muối là chùa Hưng Quốc có tên là “Thái Bình Hưng Quốc Tự”. Theo dân gian, chùa Hưng Quốc được xây dựng từ trước thế kỷ thứ VI. Tương truyền, vào một buổi chiều tà, bà Lê Thị Oanh (thân mẫu Lý Bí) khi ấy đang bụng mang dạ chửa có việc về thăm nhà anh trai là Lý Thiên Bảo ở ấp Vạn Xuân (nay là xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy). Khi đi đến làng Quang Lang thì trời sắp tối lại gặp cơn mưa dông, bà liền vào chùa xin ở nhờ để tránh mưa và nghỉ qua đêm. Đêm đó, bà chuyển dạ và đã sinh con trai, đặt tên là Lý Bí (Lý Bôn). Khi Lý Bí lên 7 tuổi thì cả cha mẹ qua đời...

Quang Viện