Thứ 6, 22/11/2024, 08:42[GMT+7]

“Nam Bình từng vũng máu hồng chưa phai”

Thứ 6, 21/07/2023 | 15:33:38
5,429 lượt xem
Từ xa xưa, dải đất Đa Cốc (xã Nam Bình, huyện Kiến Xương) là sự bồi tụ của biển và phù sa sông Hồng. Đến những năm triều đại hậu Lê sang đến triều đại nhà Nguyễn, các vị thủy tổ của các dòng họ đã lần lượt về đây khẩn hoang mở đất, lập nên Đa Cốc trung thôn. Trải qua những biến cố của lịch sử, làng Đa Cốc từng là cái nôi cách mạng của khu vực phía Nam huyện Kiến Xương. Chính tại nơi đây đã chứng tích tội ác của giặc Pháp và quân tay sai, những mất mát đau thương ấy đã đi vào lịch sử qua câu thơ: “An Ninh xác chết đầy đồng/Nam Bình từng vũng máu hồng chưa phai”.

Đình làng Đa Cốc là chứng tích lịch sử ghi sâu tội ác của giặc Pháp và tay sai.

Căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng, những năm 1942 - 1944, Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ cho nữ cộng sản Nguyễn Thị Kim Ruyến về làng Đa Cốc tuyên truyền đường lối cách mạng cho lớp thanh niên, trong đó có các đồng chí: Hoàng Vang, Lê Mẫn, Lê Quỹ, Hoàng Thừa, Ngô Mùi, Ngô Khuê, Đào Hoan và nhiều đồng chí khác. Năm 1944 tại sân đình làng Đa Cốc, đồng chí Hoàng Vang tập hợp lớp thanh niên trung kiên của làng đi biểu tình tại chợ Cao Mại chống sự áp đặt của chính quyền Pháp. Năm 1947, tình hình tàn sát của giặc Pháp ngày một ác liệt, các đồng chí ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ và cán bộ huyện Kiến Xương đã về đình tuyên truyền, vạch kế hoạch cho du kích và thanh niên địa phương tiến tới việc phải đào hầm bí mật để bảo vệ và xây dựng lực lượng. Đầu năm 1949, nhân dân làng Đa Cốc đào hầm tại đình làng ở cung trong, dưới gầm hậu cung thờ đức Thánh. Cũng thời gian này, lực lượng cách mạng trong làng đã tổ chức vạch kế hoạch đào hầm bí mật ở miếu Tây thông sang chùa Đa Cốc. Hầm ngầm tiếp theo được đào ở nhà đồng chí Hoàng Vang, thủ lĩnh của phong trào cách mạng, mục đích để cán bộ tỉnh, cán bộ huyện trú ẩn và du kích hoạt động. Ngoài ra, còn nhiều căn hầm khác ở miếu thổ thần, ở vườn các nhà dân trong làng. Tháng 3/1950 tại đình làng, lực lượng cách mạng bàn kế hoạch đào thông hào dọc làng, đắp ụ đất đầu làng rào bằng tre hóa để chống giặc, đeo kẻng tại đình, thổi tù và làm hiệu lệnh khi có địch đến còn ẩn hiện.

Cụ Lê Duy Thịnh (người ngoài cùng bên trái) không thể nào quên sự kiện đau thương của người dân làng Đa Cốc đêm ngày 1/2/1951.

Năm nay đã 89 năm tuổi nhưng trong tâm trí của cụ Lê Duy Thịnh vẫn không thể nào quên sự kiện đau thương của người dân làng Đa Cốc. Đó là vào khoảng 3 giờ đêm ngày 1/2/1951, giặc bốt Cao Mại tràn xuống bao vây làng Đa Cốc. Đến tờ mờ sáng, chúng ập vào chùa làng bởi đây chính là một trong những nơi có hầm bí mật phục vụ hoạt động cách mạng. Cụ Thịnh bấy giờ là sư tiểu đi tu tại chùa, bị chúng bắt, tra khảo nhưng cụ nhất định không khai. Cuối cùng chúng cũng phát hiện ra cửa hầm và bắt được 9 người, trong đó có 2 cán bộ tổng phản công của tỉnh phái về phụ trách phong trào cách mạng, 2 cán bộ huyện đoàn và 5 người nữa là cán bộ của xã. Tra khảo không được, chúng đã đưa 9 chiến sĩ cách mạng của ta ra sân đình làng và xử bắn tại đó. Đến đầu giờ chiều, bọn chúng tiếp tục kéo về nhà đồng chí Hoàng Vang để lùng sục, tìm cán bộ kháng chiến của ta. Bọn chúng bắt thêm được 9 người nữa và xử bắn ngay tại sân nhà đồng chí Hoàng Vang.

Chỉ trong ngày 1/2/1951, bọn giặc đã giết hại dã man 18 đồng chí cán bộ. Trong trận chiến đấu này, tiêu biểu có đồng chí Ngô Văn Nghĩa mặc dù bị trói hai tay nhưng đã anh dũng chiến đấu với địch, dùng hai chân đạp vào mặt quân giặc, đồng chí còn hô vang: “Xung phong các đồng chí ơi!”. Đồng chí Lê Thị Ngắn là nữ liên lạc dũng cảm, bị chúng bắt và tra tấn để lấy thông tin nhưng quyết không khai và bị chúng bắn chết tại sân đình. Do lực lượng ta và địch không cân sức, các chiến sĩ cách mạng đã bị bọn chúng giết hại. Máu của các đồng chí chảy lênh láng trên sân đình. Ngày 1/2/1951 là một ngày đau thương vô tận của người dân Đa Cốc. Làng xóm tiêu điều, nhiều nhà dân tang thương cùng cực, tội ác của bọn giặc làm cho cha mẹ mất con, nhiều gia đình vợ góa, con côi; tổ chức cách mạng mất đi những chiến sĩ du kích, những thanh niên ưu tú có chí khí đấu tranh.

Sau này, trong giai đoạn kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đình làng Đa Cốc còn chứng tích nhiều dấu ấn lịch sử khác nữa như: Năm 1952, đây là nơi đón nhận chăm sóc 20 thương binh của Trung đoàn 42 đánh bốt Đại Đồng (Nam Định). Năm 1953, tổ chức du kích họp ở đình đi đánh trận Bốt Bặt. Tháng 3/1954, lực lượng du kích làng Đa Cốc bàn kế hoạch đánh trận cống Kim, đón lõng tiêu diệt hàng trăm tên giặc Pháp và tay sai vượt Ngô Đồng sang Nam Định để chạy vào miền Nam...

Đa Cốc cựu thôn là mảnh đất tổ phát tích của 4 làng có chung cội nguồn, nay thành 5 thôn của 3 xã. Từ mảnh đất này, chỉ với cây lúa bờ tre nhưng thời kỳ nào, làng Đa Cốc cũng có những người con chí khí, học rộng tài cao, giúp dân giúp nước. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hiện nay làng Đa Cốc có 37 liệt sĩ, 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 cán bộ tiền khởi nghĩa cùng hàng chục người là thương binh, bệnh binh và bị nhiễm chất độc hóa học. Sự kiện đau thương tại làng Đa Cốc đã diễn ra hơn 7 thập kỷ, những ký ức cũng sẽ xa dần theo thời gian nhưng sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng năm xưa vẫn mãi là niềm tự hào của người dân Đa Cốc. Những vũng máu hồng năm ấy chắc chắn sẽ còn mãi được lưu truyền qua nhiều thế hệ và là niềm tự hào không bao giờ phai nhạt đối với mỗi con người nơi đây.

Ông Đỗ Xuân Hiển, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Bình

Người dân xã Nam Bình nói chung, làng Đa Cốc nói riêng luôn tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương. Phát huy truyền thống ấy, nhân dân Nam Bình đang ra sức thi đua, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày một đổi mới. Năm 2021, Nam Bình đã về đích nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các tiêu chí để sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.


Anh Hoàng Quốc Dương, thôn Đa Cốc, xã Nam Bình

Tôi rất tự hào khi được sinh ra trên mảnh đất là cái nôi của phong trào cách mạng. Qua nghe lời kể của thế hệ đi trước, bản thân tôi vô cùng khâm phục sự anh dũng, gan dạ của thế hệ cha ông. Được sống trong cuộc sống hòa bình ngày hôm nay, tôi rất biết ơn sự hy sinh máu xương đó và tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực học tập, lao động thật tốt để xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.

Đỗ Hồng Gia