Chủ nhật, 24/11/2024, 10:56[GMT+7]

Nơi gạo thơm, nước mát

Thứ 6, 21/07/2023 | 16:26:59
3,006 lượt xem
Truyền ngôn, trong cuộc khủng hoảng ngai vàng, triều đình nhà Lê sơ (1428 - 1527) “bủa” đi tìm Hoàng tử Lê Tư Thành để trao ngôi báu, đoàn cận thần của triều đình “cờ rong, trống mở” tìm về làng An Lão (nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư), bắt gặp Hoàng tử Lê Tư Thành đang chơi diều sáo cùng lũ trẻ, để kiểm chứng, cận thần nhà Lê đã thử tài Lê Tư Thành bằng cách ra chủ đề cho một bài thơ vịnh con cóc. Chỉ vài phút ngẫm ngợi, với tư chất thông minh khác thường, Lê Tư Thành đã đọc liền một mạch bốn câu: “Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi/Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi/Chép miệng dăm ba con kiến gió/Nghiến răng chuyển động bốn phương trời!”. Nghe xong, cả đám cận thần reo lên, đây chính là hoàng tử của triều đình...

Đền thờ Ngô Thị Ngọc Giao, làng Đô Kỳ, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, nơi gắn bó cuộc đời tam quốc công họ Đinh và cũng là nơi Hoàng đế Lê Thánh Tông từng được cưu mang.

Sử cũ chép, thời điểm Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao mang thai Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông) trong kinh thành luôn bị Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh tìm mọi cách hãm hại. May thay, lúc đó có vợ chồng quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tìm cách chở che. Nguyên cớ đó, sau này nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có thể đó là một trong những lý do mà Nguyễn Trãi và Thị Lộ bị “rơi” vào thảm án (vụ án Lệ Chi Viên) do Thị Anh tạo dựng. Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Lê Thánh Tông đã ban chế minh oan và truy phong chức tước cho Nguyễn Trãi, khai quốc công thần triều Lê vào năm 1464. Nghĩa cử của một bậc Hoàng đế anh minh dẫu có muộn màng nhưng có thể coi đó là sự “đền ơn đáp nghĩa” với những người đã vì sự sinh thành của mình mà cam chịu cái chết oan khuất.

Nhiều nghiên cứu lịch sử, văn hóa không đồng nhất quan điểm cho rằng những quần thần thân tín đã đưa bà Ngọc Giao ra lánh nạn ở chùa Huy Văn và sinh ra Lê Tư Thành ở đó để tránh bị Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh hãm hại. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chùa Huy Văn nằm ngay trong kinh thành khó bề tránh được sự truy lùng của tay chân thân cận với Thị Anh. Suy luận cho là sau khi được đưa đến chùa Huy Văn, những người thân tín với bà Ngọc Giao đã phải tìm đường đưa bà đi lánh tiếp ở một nơi xa mới có thể bảo đảm an toàn tính mạng cho hai mẹ con. Phải chăng nơi xa đó chính là làng Đô Kỳ, quê ngoại của bà, nơi có họ Đinh đang sinh sống. Dân gian vùng Đô Kỳ (nay thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) vẫn truyền ngôn, bà Ngô Thị Ngọc Giao sắp đến kỳ sinh nở, do lánh nạn Nghi Dân mà chạy về đến cầu Chay (địa danh giáp Đông Đô và Văn Cẩm, Hưng Hà nay), bà chuyển dạ. Con sông Chay là con sông tự nhiên cũng là ranh giới giữa Duyên Hà và Thần Khê, tới đây bà Ngọc Giao trong cơn đau “trở dạ” đã thốt lên: “Nếu là con mẹ, con cha/Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê/Nhược bằng Bác, Mẹ chẳng sinh/Thì quăng ra đất Vạn Ninh cho rồi”. Dứt lời, bà sinh hạ một hoàng nhi. Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao là con cháu họ Đinh, nhà thờ tổ họ Đinh ở làng An Lão (Vũ Thư) còn lưu được đôi câu đối trong đó có một vế ghi rõ sự tích của họ Đinh: “Đồng bào tam quốc công, quán Đô Kỳ, thiên Thúy Cối, biệt cư An Lão hương”. Nghĩa là: cùng một bọc sinh ra ba khai quốc công thần, quê gốc ở Đô Kỳ, chuyển cư vào Thúy Cối rồi lại biệt cư về An Lão. Sử cũ ghi: Danh Đô Kỳ có “nhất gia tam Đinh” (Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ) là ba anh em ruột vốn có quê gốc ở làng Đô Kỳ đã cùng cha là Đinh Lan sớm tìm vào dự hội thề Lũng Nhai, có nhiều công lao giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, được ban quốc tính. Ba người này chính là cậu ruột của bà Ngô Thị Ngọc Giao. Làng An Lão xưa thuộc tổng An Lão, huyện Thư Trì nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư có tên Nôm là Sáo Đền. Truyền thuyết dân gian cho rằng, khi bà Ngọc Giao lánh nạn Nghi Dân đã sinh ra Tư Thành (sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất - 1442) ở làng Đô Kỳ, sau đó lại đưa Lê Tư Thành về ẩn náu ở làng An Lão và Lê Tư Thành thường chơi diều sáo ở Sáo Đền.

Theo các tài liệu khảo cứu, được sinh ra ở đất cổ linh thiêng “Diên Hà, Thần Khê”, được hưởng “gạo thơm, nước mát” ở An Lão, lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của người dân thiện lành nên Hoàng tử Lê Tư Thành khi được trao ngôi báu đã trở thành vị vua anh minh nhất triều đại Lê sơ, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi chép lại việc Lê Thánh Tông là người quan tâm sâu sắc việc bảo vệ giang sơn xã tắc, gìn giữ chủ quyền quốc gia và đề cao sức mạnh của Đại Việt. Hoàng đế Lê Thánh Tông luôn kiên quyết ngăn chặn những hành động xâm phạm biên giới của ngoại bang, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong việc tranh luận, đàm phán về vấn đề biên giới Lê Thánh Tông chủ trương mềm dẻo nhưng quyết không nhân nhượng. Tháng 4 năm Quý Tỵ (1473) vua nói với các quan phụ trách việc biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Chính dưới thời Lê Thánh Tông, bản đồ đầu tiên của quốc gia Ðại Việt đã được vẽ. Theo các nguồn khảo luận, bộ máy nhà nước trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh Tông đã đến mức “hoàn bị” từ trung ương xuống địa phương. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử. Bộ luật Hồng Đức là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của sự nghiệp Lê Thánh Tông và của cả triều đại nhà Lê. Sự ra đời của bộ luật Hồng Đức được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh cao của xã hội Việt Nam thế kỷ XV. Hoàng đế Lê Thánh Tông là người khởi xướng luật Hồng Đức cũng là người thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật đã ban hành. Ông đã thu lại quyền chỉ huy của tổng quân đô đốc Lê Thiệt vì con Lê Thiệt giữa ban ngày phóng ngựa trên đường phố dung túng gia nô đánh người. 

Lê Thánh Tông thường bảo với các quan rằng: “Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo”. Các tài liệu khảo cứu khẳng định: Thời phong kiến chưa bao giờ nền giáo dục, thi cử lại thịnh đạt cũng như vai trò của trí thức lại được đề cao như đời Hoàng đế Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn, ông còn xây kho chứa sách. Trong 38 năm làm vua, đất nước đã có 501 người đỗ trạng nguyên, tiến sĩ... 

Ông khởi xướng lập bia tiến sĩ và tiến hành cho dựng bia để ghi danh, tôn vinh những người tài và đức của dân tộc Đại Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để các thế hệ, các triều đại sau này tiếp tục bổ sung các tấm bia vinh danh mới. Các tác phẩm: Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Hồng Đức quốc âm thi tập, Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Thiên Nam dư hạ... là những tác phẩm văn hóa tiêu biểu của triều đại Lê Thánh Tông.

“Lê thị Khai Cơ, Đinh Gia khải tổ” là nội dung bức đại tự cổ còn lưu giữ tại từ đường họ Đinh ở điện thờ “Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao” và nhà thờ họ Đinh thờ các liệt tổ họ Đinh với Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ ở Đốc Hồ điện, làng An Lão, xã Song An, huyện Vũ Thư. Đốc Hồ điện được xây dựng với quy mô lớn tại Sáo Đền dưới thời Hoàng đế Lê Thánh Tông chính là để các triều vua Lê về tế tự ngoại tổ.

Quang Viện