Thứ 5, 21/11/2024, 19:37[GMT+7]

Kỳ vọng những vấn đề sau chất vấn sẽ được giải quyết triệt để Bài 2: Nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất

Thứ 4, 09/08/2023 | 08:25:43
4,318 lượt xem
Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn và trách nhiệm, đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về: nguyên nhân các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân và các doanh nghiệp hiệu quả chưa cao, giải pháp nâng cao hiệu quả trong liên kết sản xuất; hiệu quả của một số đề án, mô hình sản xuất nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai của tỉnh..., những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thời gian tới? Đây cũng là những vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri gần đây.

Nông dân xã Phú Châu (Đông Hưng) đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững

Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề án nhằm phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay, diện tích cánh đồng có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh là 5.902,7ha, trong đó có 5.409,9ha lúa và 492,8ha cây màu. Liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi có 6 HTX, 11 tổ hợp tác chăn nuôi có chuỗi liên kết với 4 doanh nghiệp lớn; lĩnh vực thủy sản cũng đã có nhiều mô hình liên kết cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm trong nước, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Việc liên kết đã giúp nông dân yên tâm sản xuất nhờ ổn định đầu ra và thu nhập, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định và bảo đảm chất lượng nông sản.

Mô hình liên kết chăn nuôi gà của Tổ hợp tác chăn nuôi và sản xuất gia cầm giống Thoa Tuyết (xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy).

Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận bên cạnh những mặt được thì việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa người dân với các doanh nghiệp, HTX còn ít, nhỏ lẻ, đạt hiệu quả chưa cao đúng như cử tri đã phản ánh. Nguyên nhân là do diện tích đất canh tác bình quân của các nông hộ thấp, nhỏ lẻ, manh mún, khó cho người dân đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa. Vai trò của HTX trong liên kết giữa người dân, doanh nghiệp chưa cao, hiện tại mới chỉ có 35% HTX thực hiện tốt việc liên kết với quy mô diện tích lớn, bền vững, các HTX còn lại tham gia liên kết với quy mô nhỏ, thiếu bền vững. Tính pháp lý, ràng buộc trong các hợp đồng liên kết cơ bản đầy đủ, tuy nhiên việc tuân thủ hợp đồng của người sản xuất và doanh nghiệp chưa nghiêm túc, còn tình trạng phá vỡ hợp đồng khi giá nông sản thị trường biến động.

Để đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và giải quyết khó khăn đầu ra sản phẩm, giải pháp mà đồng chí Giám đốc Sở đề xuất là: Đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn; áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó liên kết, tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Trên cơ sở các hộ có diện tích sản xuất quy mô lớn, hình thành nhanh các HTX kiểu mới, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của HTX hiện có nhằm tạo chuỗi liên kết bền vững giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Tiếp tục tập huấn, nâng cao nhận thức của HTX, người sản xuất về ý nghĩa, vai trò của liên kết để sản xuất hiệu quả, bền vững. Tất cả các liên kết phải gắn với hợp đồng có tính pháp lý, ràng buộc cao làm cơ sở xử lý các trường hợp phá vỡ hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành các hộ đại điền

Thời gian qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn và nuôi trồng thủy sản, đến nay các địa phương đã chuyển đổi linh hoạt được 1.779,67ha, đạt 30% kế hoạch đề ra. Các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả cao hơn so với cấy lúa, cụ thể: trồng cây dược liệu cao hơn 4 lần, trồng cây lâu năm cao hơn 3,5 lần, cây rau màu hàng năm cao hơn 3,3 lần, nuôi thủy sản cao hơn 4 lần. Những năm gần đây, diện tích tích tụ, tập trung đất đai có sự tăng đột biến. Đến nay có 2.648 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai tại các huyện với tổng diện tích 11.216ha, gấp 1,5 lần cả về số hộ và diện tích so với năm 2021. Tích tụ, tập trung đất đai giúp giảm diện tích ruộng bỏ hoang, giảm chi phí bình quân 2 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,4 lần so với sản xuất thông thường. Tích tụ đất đai mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp là sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình thực hiện có rất nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác quản lý sau chuyển đổi, đặc biệt đối với các diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, còn hiện tượng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Người dân tốn nhiều chi phí đầu tư chuyển đổi và phát triển sản xuất nhưng việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững, xuất hiện tư tưởng đầu tư thăm dò, làm thử với quy mô nhỏ, sau đó nếu hiệu quả mới nhân rộng. Đa phần người dân còn tâm lý giữ đất, giữ ruộng, sợ mất đất, e ngại không muốn ký kết hợp đồng, không phối hợp làm thủ tục cho người khác thuê lại ruộng đất để sản xuất.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trên, đồng chí Giám đốc Sở đề xuất định hướng phát triển thời gian tới đó là tập trung chuyển đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, đặc biệt là phát triển rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao trở thành ngành hàng chủ lực của tỉnh. 

Thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó liên kết, tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Từ định hướng trên, giải pháp đồng chí đặt ra là: Làm tốt khâu quy hoạch, đầu tiên là tiến hành khảo sát để xác định những hộ có thu nhập chính từ nông nghiệp, còn thiết tha với đồng ruộng ưu tiên bố trí quy hoạch vào những vùng đất tốt nhất để phát triển sản xuất; tuyên truyền, vận động những hộ không thiết tha với đồng ruộng đồng thuận tạo ra vùng sản xuất liền vùng, liền thửa tạo quỹ đất cho các hộ nông dân hoặc doanh nghiệp thuê, mượn ruộng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất quy mô lớn. Thực hiện nghiêm túc việc công khai quy hoạch để người dân yên tâm sản xuất, không giữ đất, chờ đền bù giải phóng mặt bằng. Thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai và các cơ chế, chính sách đã được ban hành để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các hộ đại điền, là hạt nhân hình thành các HTX kiểu mới, nâng cao vai trò, vị trí của HTX hiện có; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý của HTX. Đẩy mạnh hoạt động liên kết, thực hiện tốt cơ chế, chính sách kêu gọi doanh nghiệp tham gia hoạt động liên kết với HTX và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chuyển đổi, tích tụ, tập trung đất đai.

Hầu hết các hộ tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa đều sử dụng máy cấy mạ khay để giảm công lao động, chi phí sản xuất, bảo đảm thời vụ gieo cấy.

(còn nữa)
Mạnh Cường - Thu Hiền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày