Thứ 6, 22/11/2024, 10:57[GMT+7]

Đất gương soi, người khoa bảng

Thứ 6, 25/08/2023 | 09:16:56
3,480 lượt xem
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: Do chung đúc khí thiêng sông biển nên những bậc anh hùng hào kiệt “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” ở vùng đất “ba mặt sông, một mặt biển” mà nay là Thái Bình thời nào cũng có.

Làng Ngoại Lãng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư.

Cố Giáo sư Vũ Khiêu từng viết: “Con người Thái Bình đã sống, lao động và chiến đấu nhằm bảo vệ và cải tạo mảnh đất này khiến cho mảnh đất đã nổi lên như những thành quả rực rỡ của bao công sức, bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của con người. Từ mảnh đất, con người Thái Bình chúng ta thấy toát lên một sức mạnh tinh thần vô giá của Thái Bình, sức mạnh đã hình thành và phát triển từ bao nhiêu thế kỷ. Đó là tình yêu thương vô hạn của con người Thái Bình đối với nhân dân ở địa phương và trong toàn quốc tạo nên những tình cảm yêu nước ngày một mãnh liệt và sâu sắc”.

Không chỉ mở mang đất đai, bờ cõi Thái Bình, các nhà khoa bảng tỉnh ta còn tiên phong “khai thiên, lập địa” nhiều địa danh khác ngoài vùng đất “ven bờ cuối bãi”. Điển hình như Doanh điền sứ Doãn Khuê. Các nguồn khảo luận chép, người có công lớn đầu tiên cùng với các sĩ phu yêu nước khởi xướng mộ dân, khai hoang, lập ấp vùng biển Nam Định (trước thời điểm 1890, một phần tỉnh ta vẫn thuộc tỉnh Nam Định) là Đệ tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Doãn Khuê. Tiến sĩ Doãn Khuê tự là Bảo Quang sinh năm Quý Dậu (1813) tại xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. Vốn là người có tư chất thông minh từ nhỏ, được sự giúp đỡ của thầy dạy, khoa thi Đinh Dậu (1837) khi mới 24 tuổi Doãn Khuê đã đỗ cử nhân. Ngay năm sau, khoa Mậu Tuất (1838) ông vào Huế dự kỳ thi hội. Kết quả kỳ thi không phụ tấm lòng của thầy, Doãn Khuê đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (đứng thứ tám). Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho đời sau về tinh thần yêu nước, thương dân, chăm lo cho tiền đồ dân tộc. Cả cuộc đời ông chuyên lo hành xử với việc đánh Pháp, đào tạo nhân tài, thau chua rửa mặn, cải tạo đồng đất ven biển khi làm “Doanh điền sứ”.

Trong cuốn “Bùi gia lịch thế sự trạng” có ghi: Doãn Khuê sinh ra trong gia đình nghèo, thuở nhỏ đi chăn bò cho nhà bác họ ở làng Vô Ngại (xã Song Lãng) và theo học thầy Tú Cả. Theo ghi chép của các cụ cố Doãn Tự, Doãn Khương thì vùng đất Vô Ngại, Trà Động ruộng trũng, nhiều tôm cá nên việc nhà nhà bắt tôm cá làm mắm tép, mắm tôm, mắm cá dự trữ... là “chuyện thường ngày ở tổng”. 

Chuyện kể lại, có môn sinh đem biếu thầy hũ mắm tép ngon, thầy Tú Cả nhận hũ mắm với điều kiện người biếu phải đối được, thầy ra vế đối: “Tôm tôm, tép tép nén đầy hũ”. Đám môn sinh không ai đối được. Thầy Tú Cả đành đợi Doãn Khuê đi chăn bò về. Khi Doãn Khuê dắt bò về, thầy Tú Cả nói với đám môn sinh: Đợi đấy, anh Khuê sẽ đối cho các con nghe. Quả không phụ sự tin tưởng của thầy, sau khi tường câu chuyện, Doãn Khuê lễ phép thưa: “Ngựa ngựa vui vui đứng chật làng”. Thầy trò vô cùng thán phục. Thân phụ Tiến sĩ Doãn Khuê vốn là người thanh liêm, cương trực nên mặc dù học giỏi nhưng cụ vẫn không đi thi mà ở nhà dạy học. 

Các tài liệu khảo cứu cho thấy, năm 11 - 12 tuổi, thân phụ, thân mẫu Doãn Khuê lần lượt qua đời. Trước mất mát lớn lao ấy, Doãn Khuê vẫn không sao nhãng việc học hành, vì vậy khoa thi năm Mậu Tuất (1838) ông là 1 trong 8 người đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ (tên ông được ghi trên bia đá dựng tại Văn Miếu - Huế). Sau khi đỗ đạt, ông được bổ chức Hàn lâm viện biên tu. Ngay năm sau, ông được thăng Tri phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Cuối năm 1842 ông được bổ chức Giáo thụ Xuân Trường. Nhậm chức chưa được bao lâu, ông lấy cớ bệnh nặng cáo quan về nhà dạy học. Năm 1854, Doãn Khuê được Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị cắt tặng cho vùng đất phía Đông tại Sĩ Lâm thuộc bãi sa bồi bờ biển Đại An (còn gọi là ấp Một, nay thuộc tỉnh Nam Định). Ông đã cùng con trai chiêu tập dân nghèo về đây khai hoang mở đất, xin miễn thuế cho dân rồi cho lập kho “nghĩa thương” giúp người nghèo đói. Ngày 1/9/1858, khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) thì ý tưởng cứu nước giúp dân của ông đã trở thành hành động cụ thể. Ông không ủng hộ việc triều đình nghị hòa với Pháp mà đứng hẳn về phe chủ chiến. Cũng trong thời gian này, ông đã thay Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị giữ chức Đốc học Nam Định. Các nguồn khảo luận cho rằng, đối với Tiến sĩ Doãn Khuê, giữ chức Đốc học lúc này không chỉ góp phần đào tạo nhân tài mà ông còn đi khắp các phủ, huyện trong tỉnh Nam Định cũng như một số tỉnh lân cận kêu gọi các sĩ phu yêu nước làm sớ tấu lên triều đình chém đầu 2 tên phản quốc đã ký hiệp định bán các tỉnh Nam Kỳ cho Pháp và xin đem quân tham gia chống Pháp giành lại các tỉnh này. 

Theo các nguồn khảo luận, 40 năm làm quan, Tiến sĩ Doãn Khuê là người nổi tiếng khảng khái, chính trực, ông đã 3 lần xin từ chức vì khuyên can vua và hiến kế chống Pháp mà không được chấp thuận. Ông đã lãnh đạo các sĩ phu, thân hào vùng Nam Định, Hưng Yên tổ chức lực lượng vũ trang chống Pháp khi chúng xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất. Nhiều học trò của ông cũng tham gia phong trào yêu nước chống thực dân một cách kiên cường, trong đó có Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải nay). Cáo quan về quê dạy học nhưng phương châm dạy học của ông trong bối cảnh đất nước rối ren cũng thể hiện bản lĩnh, ý chí của bậc anh hào, ông viết: “Triều đình dục nhân tài tốt do ư học/ Sĩ phu chính tâm thuật bất hoặc tha kỳ”. Tạm dịch: Triều đình bồi dưỡng nhân tài ắt từ học vấn/ Sĩ phu ngay thẳng tâm thuật không mê hoặc bởi con đường nào khác. Các nghiên cứu cũng thừa nhận, số lượng học trò của Tiến sĩ Doãn Khuê hiện vẫn chưa thống kê được; chỉ biết rằng, trong cuốn “Văn mừng thọ” ông thấy trong đám “tiểu tử” của ông có nhiều cử nhân, tú tài, tri phủ, tri huyện, Án sát, Đốc học...

Sử cũ chép: Mùa thu năm 1859, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị dâng sớ lên triều đình Huế “xin tình nguyện tổ chức một đội quân vào Đà Nẵng đánh Pháp”, sớ tâu được triều đình Huế phê chuẩn. Sau vài tháng chuẩn bị, ngày 29/2/1860, đoàn nghĩa dũng của Phạm Văn Nghị xuất phát từ Nha học chính Nam Định. Ngày 31/3/1860, thực dân Pháp rút quân khỏi Đà Nẵng, chuẩn bị cho đợt phản công vào Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Triều đình cắt cử Tiến sĩ Doãn Khuê làm quyền Đốc học tỉnh Nam Định. Giữ cương vị Đốc học được 2 năm thì tình hình trật tự trị an ở Nam Định (lúc đó phần lớn đất đai Thái Bình ngày nay thuộc tỉnh Nam Định) trở nên rối ren do chính sách của triều đình Huế. Một số môn sinh của Doãn Khuê nổi loạn, trong đó có Tú tài Phạm Huy Quang, người Đông Quan, nay thuộc huyện Đông Hưng. Tiến sĩ Doãn Khuê bị triều đình quở phạt nhưng ngay sau đó lại trọng dụng ông cùng Án sát Nguyễn Mậu Kiến, quê làng Động Trung, Kiến Xương đứng ra dàn xếp các vụ xung đột.

Sử cũ chép: Không lâu sau khi nã pháo vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), cuối năm 1873, Bắc Kỳ cũng phải đương đầu với sự xâm lăng của thực dân Pháp, chúng tấn công bốn tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định (trong đó có phần lớn đất đai thuộc Thái Bình nay). Tiến sĩ Doãn Khuê cùng Phạm Văn Nghị, Nguyễn Mậu Kiến đã mộ hàng nghìn nghĩa quân, hô hào hàng vạn dân chúng tham gia đánh giặc Pháp hai bên bờ tả - hữu sông Hồng. Bản doanh của Doãn Khuê từ thành Nam rời về thôn Đương Vịnh (nay thuộc xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư) sát cùng căn cứ của cha con Nguyễn Mậu Kiến ở làng Động Trung (nay thuộc xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương), hai người (Doãn Khuê và Nguyễn Mậu Kiến) đã kề vai, sát cánh chống giặc Pháp ngay trên quê hương Thái Bình.

Quang Viện