Thứ 5, 02/05/2024, 08:08[GMT+7]

Đông Hưng: Đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ 6, 01/09/2023 | 06:36:06
7,058 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, huyện Đông Hưng đã triển khai chương trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Điện lực Đông Hưng quản lý, vận hành hệ thống điện trên địa bàn huyện thông qua phần mềm chuyên dụng.

Xây dựng chính quyền số

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, phục vụ nhân dân tốt hơn, huyện Đông Hưng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền số. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% cơ quan, UBND các xã, thị trấn, bảo đảm kết nối phòng họp trực tuyến phục vụ thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. 100% cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tiếp nhận và xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản điện tử. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và cấp xã giải quyết hồ sơ trực tuyến cho công dân, số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính lên cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử được ký số trên mạng văn phòng điện tử liên thông của huyện đạt 100%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao (97%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn huyện đạt trên 84%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao (50%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt gần 70%. Ngày càng có nhiều hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tuyến tới tận cơ sở. 

Ông Vũ Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Lô Giang cho biết: Hiện nay, mọi công việc chỉ đạo, điều hành tôi đều thực hiện qua mạng văn phòng hoặc nhóm zalo nhanh và hiệu quả. Là xã vùng xa nên việc huyện ứng dụng công nghệ thông tin triển khai họp trực tuyến rất thuận lợi cho chúng tôi, vừa không phải đi xa vừa có thể tăng số người dự họp để cùng tiếp thu chủ trương, chính sách, chỉ đạo của tỉnh, của huyện cùng một lúc, việc triển khai thực hiện ở địa phương cũng sẽ nhanh, hiệu quả hơn. Khi huyện xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ thì đa số người dân đều hài lòng, đánh giá cao. 

Ông Đỗ Văn Bản, thôn Châu Giang, xã Đông Quan chia sẻ: Giờ giải quyết thủ tục hành chính rất tiện lợi, ở nhà cũng có thể gửi hồ sơ qua mạng, các cơ quan chức năng cũng tiếp nhận, giải quyết nhanh gọn, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho nhân dân. Cán bộ thái độ hòa nhã, tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, nhiều hồ sơ được giải quyết trước hạn.

Phát triển doanh nghiệp số

Đến nay, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức, xã Nguyên Xá có 5 sản phẩm bánh kẹo được tỉnh công nhận OCOP 4 sao. Từ khi có sản phẩm đạt OCOP thì công suất, sản lượng, giá trị cũng như doanh thu đều tăng hơn trước, đặc biệt thị trường tiêu thụ được mở rộng từ Bắc vào Nam.

 Anh Trần Văn Đông, chủ xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức cho biết: Các sản phẩm bánh kẹo của xưởng có mã QR truy xuất nguồn gốc, tem OCOP, tham gia vào các sàn thương mại điện tử của tỉnh. Mỗi tháng xưởng sản xuất 30 tấn bánh kẹo cung cấp cho hàng trăm cửa hàng, siêu thị trong cả nước, giải quyết việc làm cho trên 70 lao động. Xưởng cũng áp dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm khoảng cách trong giao dịch thương mại, thuận lợi cho kinh doanh, phát triển thị trường.

Đông Hưng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%... 

Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng: Huyện đang tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; tiếp tục triển khai việc sử dụng hóa đơn điện tử và thuế điện tử tới các doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số. Khuyến khích HTX DVNN đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể.

Xây dựng công dân số

Nghe nhiều người nói giờ đi khám bệnh không cần cầm theo thẻ bảo hiểm y tế mà chỉ cần mang căn cước công dân (CCCD) gắn chip, bà Phạm Thị Nạp, xã Đông Động còn chưa tin. Nhưng khi bà Nạp đến Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng để làm thủ tục khám bệnh, nhân viên y tế chỉ yêu cầu xuất trình CCCD gắn chip bà mới tin là thật. Bà Nạp phấn khởi cho biết: Trước đây, tôi đi khám bệnh phải mang rất nhiều loại giấy tờ nhưng lần này chỉ cần mỗi CCCD gắn chip, nhân viên y tế quét mã QR kiểm tra thông tin và làm thủ tục khám chữa bệnh cho tôi. Tôi vẫn được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định, thật sự tiện ích, nhanh gọn, giảm giấy tờ phải mang theo.

Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ thông tin là hữu ích, thiết thực, UBND huyện Đông Hưng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân bằng việc triển khai thực hiện Đề án 06, thông qua lực lượng công an, tổ công nghệ số cộng đồng đưa người dân lên môi trường số để người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Đến nay, toàn huyện đã thu nhận trên 200.000 hồ sơ CCCD, đạt 98,6%, là đơn vị dẫn đầu của tỉnh; tổng số hồ sơ thu nhận tài khoản định danh điện tử là trên 120.000; gần 70% tài khoản đủ điều kiện đã kích hoạt thành công, trong đó mức 1 là trên 25.000 tài khoản, mức 2 là trên 43.000 tài khoản. Tỷ lệ người dân cài đặt định danh điện tử cao đã tạo thuận lợi cho việc triển khai các nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện toàn huyện có 43 cơ sở, phòng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện tra cứu CCCD gắn chip; có trên 18.000 lượt người đã sử dụng CCCD đi khám chữa bệnh. Toàn huyện cũng đã cập nhật thông tin tiêm chủng cho gần 160.000 trường hợp và hộ chiếu vắc-xin cho trên 150.000 trường hợp.

Để thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số trên địa bàn, thời gian tới, UBND huyện tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên môi trường số về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chương trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.


Đại úy Phạm Hoàng Sơn, Trưởng Công an xã Liên Giang
Công an xã đã tham mưu UBND xã thành lập 6 tổ thực hiện Đề án 06 và các tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ công an và đoàn viên, thanh niên. Tập trung tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn, cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID cho người dân. Cán bộ, chiến sĩ công an thường trực 24/24 giờ, bất cứ lúc nào người dân đến là hướng dẫn cài đặt, cử người cùng các thanh niên đến tận nhà cài đặt cho người già, ốm yếu. Đến nay, chúng tôi đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 75% dân số, vượt 15% chỉ tiêu tỉnh giao.


Chị Trần Thị Tuyết Nhung, xã Minh Tân
Từ khi Điện lực Đông Hưng triển khai thu tiền điện qua ngân hàng tôi đăng ký ngay. Hàng tháng, đơn vị báo vào điện thoại số điện năng tiêu thụ gia đình dùng và số tiền phải chi trả, ngân hàng tự động trừ tiền trong thẻ của mình, rất tiện lợi, không phát sinh chi phí. Khi sửa chữa lưới điện, đơn vị thông báo lịch cắt điện qua tin nhắn mình nắm được ngay để chủ động sinh hoạt trong gia đình. Tôi cũng thường xuyên giao dịch không dùng tiền mặt khi đi mua sắm.

Thu Hiền