Thứ 6, 22/11/2024, 15:56[GMT+7]

Tạo việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn

Thứ 3, 12/09/2023 | 08:15:53
4,172 lượt xem
Từng bước phát triển cơ sở mây tre đan, chị Lê Thị Bích, hội viên phụ nữ thôn Cam Mỹ, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) đã nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương những lúc nông nhàn.

Kiểm tra hàng mây tre đan tại cơ sở của chị Lê Thị Bích.

Những ngày này, cơ sở mây tre đan của chị Bích nhộn nhịp hơn vì các đơn hàng cuối năm. Tại cơ sở của chị hay các gia đình phụ nữ nhận nguyên liệu về làm, người dân cần mẫn ngồi đan lát, tạo nên những sản phẩm đa dạng. Chị Bích cho biết: Tôi làm mây tre đan từ năm 2001, thời gian đầu khó khăn, thị trường tiêu thụ hạn chế trong khi chị em kỹ thuật chưa cao nên nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Sau đó tôi đi học thêm rồi dạy lại cho chị em. Đến giờ đã có hơn 20 chị em làm.

Kể từ khi nghề mây tre đan được chị Bích du nhập về địa phương, những phụ nữ nông dân ở thôn Cam Mỹ có thêm việc làm và thu nhập để cải thiện cuộc sống. Bàn tay của các bà, các chị vốn chỉ quen với công việc đồng áng, nay lại thoăn thoắt theo từng đường đan, sợi lạt để tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa đẹp vừa thân thiện với môi trường. 

Chị Nguyễn Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cam Mỹ, cũng là người làm tại cơ sở của chị Bích nhiều năm nay cho biết: Làm ở đây hầu hết là phụ nữ trung tuổi, không thể vào làm tại các công ty hoặc phụ nữ con còn nhỏ, bận việc gia đình. Mọi người có thể tranh thủ bất cứ lúc nào rỗi, không bị bó buộc thời gian, địa điểm. Chúng tôi có thể nhận nguyên liệu về nhà làm, rồi hướng dẫn các thành viên trong gia đình cùng làm, tăng thêm thu nhập. Nghề phụ mang lại cho tôi 2 triệu đồng/tháng.

Ngoài làm nghề mây tre đan, vợ chồng chị Bích còn chăn nuôi lợn, gà và dúi. Anh Phạm Bá Nhị, chồng chị Bích cho biết: Thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Sau đó là dịch Covid-19, đơn hàng mây tre đan giảm, chăn nuôi không có đầu ra. Tuy nhiên, hai vợ chồng bàn bạc, vay vốn đầu tư, khôi phục chăn nuôi và cơ sở mây tre đan, đến giờ đã ổn định trở lại.

Từ nghề mây tre đan và chăn nuôi, gia đình chị Bích thu về 200 - 300 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế, chị còn tích cực tham gia các hoạt động của hội phụ nữ. Hiện chị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, dân vũ của Chi hội Phụ nữ thôn Cam Mỹ. 

Chị Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Ấp cho biết: Chị Bích là người duy trì mối đoàn kết, thu hút chị em tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ các ngày lễ, ngày kỷ niệm của địa phương và của hội. Từ mô hình phát triển kinh tế của chị Bích, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Chi hội Phụ nữ thôn cũng có thể triển khai các hoạt động của hội, bởi đây là nơi quy tụ các hội viên nòng cốt của địa phương.

Xuân Phương