Thứ 5, 26/12/2024, 18:52[GMT+7]

Người giữ nghề rèn

Thứ 5, 14/09/2023 | 08:01:24
3,628 lượt xem
Bận bịu, lem luốc bụi than, thu nhập chẳng thể làm giàu, vì sao vẫn giữ mãi cái nghề rèn đã “lạc hậu” trong thời buổi công nghiệp hóa ùa vào mọi ngóc ngách cuộc sống? Chẳng cần suy nghĩ lâu trước câu hỏi, người đàn ông ở tuổi ngũ thập tươi cười: Đó là nghề gia truyền, là tự hào văn hóa dân tộc, còn được bà con tin yêu thì còn làm. Ông là Nguyễn Văn An ở thôn Phương Tảo 2, xã Xuân Hòa (Vũ Thư). Càng trò chuyện, chúng tôi càng bị cuốn hút bởi cách nghĩ khác, lối sống khác nhưng rất nhân văn của ông.

Lò rèn của ông Nguyễn Văn An tại chợ Chùa, xã Xuân Hòa (Vũ Thư).

Chợ Chùa, xã Xuân Hòa mỗi tháng họp 18 phiên. Chợ dân sinh và không phải là trung tâm đầu mối giao thương nên người bán, người mua cũng không đông. Chợ cũng chẳng có gì nổi bật ngoại trừ lều lò rèn nằm xa nơi cuối chợ lúc nào cũng đỏ lửa, khách ra vào thường xuyên. Người đến mua dao, kéo, liềm, cuốc, xẻng, người đến sửa lại nông cụ cho sắc. 

Bà Nguyễn Thị Tho, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa cho biết: Tôi biết ông An làm nghề rèn có uy tín mấy chục năm nay, vì vậy mỗi lúc cần tôi đều ra chợ nhờ ông ấy khi thì cắt chấu liềm, khi thì mài lại con dao, cái cuốc. Sản phẩm của ông ấy không chê vào đâu được, sắc bén mà còn chắc, bền, giá lại rẻ, bà con ai cũng tin tưởng.

Trước đây, cả xã Xuân Hòa có hơn chục hộ làm nghề rèn, nay chỉ còn duy nhất gia đình ông An. Nguyên do cũng chỉ vì sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng rèn thủ công với các sản phẩm công nghiệp và hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập. Thêm vào đó, thu nhập từ nghề rèn ngày càng eo hẹp nên nhiều hộ chuyển đổi nghề để mưu sinh. 

Ông An chia sẻ: Cách đây hơn 20 năm, nghề rèn bị bóp nghẹt, thiếu việc làm, thu nhập không thể nuôi sống gia đình, hầu hết thợ trong làng bỏ nghề. Bản thân tôi cũng có ý định tìm nghề khác để làm. Nhưng tiếc cái nghề của các cụ để lại, lo kỹ thuật nghề gia truyền bị đánh mất và bản thân yêu nghề rèn từ nhỏ nên tôi đã rời làng, mang nghề vào Tây Nguyên lập nghiệp. Gần hai thập kỷ bươn trải xứ người, khi kinh tế không còn đặt nặng trên đôi vai, tôi quyết định trở về quê hương tiếp tục nghề rèn.


Niềm hạnh phúc của ông An là mỗi ngày làm ra được những sản phẩm tốt phục vụ bà con nhân dân và nhận được sự tin yêu từ họ.

Lò rèn của ông An trở về, chợ Chùa lại có ánh lửa bập bùng mỗi sớm. Sau thời gian sử dụng các loại dao, kéo, cuốc, xẻng công nghiệp người dân nhận ra những nông cụ, đồ gia dụng bằng sắt được sản xuất thủ công vẫn có độ sắc và bền hơn cả. 

Ông Vũ Văn Tuy ở thôn Văn, xã Song Lãng, cách xã Xuân Hòa gần 3km vẫn thường đạp xe đến chợ Chùa nhờ ông An mài lại bộ dao của gia đình sau thời gian dài sử dụng. Ông Tuy cho biết: Dao công nghiệp nhìn thì bóng sáng đẹp mắt nhưng sử dụng thì chỉ được một thời gian ngắn là cùn và hay bị cong, mẻ lưỡi. Tôi ưng nhất bộ dao của ông An rèn vì nước tôi lưỡi dao ánh xanh cứng như thép, sắc lẹm, dùng rất thích.

Các sản phẩm của lò rèn ông An đều có chất lượng tốt.

Không riêng ông Tuy, phần lớn người dân ở vùng lân cận xã Xuân Hòa đều nhận ra chất lượng sản phẩm của lò rèn ông An nên thường xuyên lui tới mỗi khi cần mua hay sửa, mài lại nông cụ, đồ gia dụng. Họ thích ông An còn bởi sự thật thà, xởi lởi, dễ gần của ông. Tiếng có nhiều khách là vậy nhưng thu nhập mỗi phiên chợ của ông An cũng chỉ nhỉnh hơn mấy hàng buôn bán rau trong chợ. 

Mở cái hộp tôn to hơn hộp bánh bích quy, những đồng tiền mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng, ông An cười: Tiền công cả sáng nay chắc được 100.000 đồng, cũng đủ cơm nước cho hai vợ chồng. Làm cái nghề này mà nặng nghĩ đến tiền chắc không trụ được lâu.

Gần hết phiên chợ ngồi theo dõi ông An luôn chân luôn tay bên bếp than hồng, mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi hiểu ở con người ấy có tình yêu nghề cháy bỏng. Ông tự hào với bí quyết gia truyền và tay nghề điêu luyện của mình. Ông cảm thấy hạnh phúc vì mỗi ngày lại làm ra những sản phẩm tốt phục vụ bà con thôn quê và được bà con tin tưởng, yêu mến. Ông tâm sự: Đời đã cho mình cái nghề thì hôm nay mình cứ làm thật tốt đi để ngày mai không phải hối tiếc, đừng tham nghĩ làm sẽ được gì - mất gì, đời sẽ đền đáp lại thôi.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày