Thứ 3, 26/11/2024, 03:15[GMT+7]

Làm giàu từ nghề mây tre đan truyền thống

Thứ 5, 14/12/2023 | 21:58:42
6,456 lượt xem
Phát huy giá trị của làng nghề mây tre đan truyền thống, anh Vũ Văn Hóa, xã Thái Xuyên (Thái Thụy) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở, phát triển đa dạng mẫu mã để tìm đường đưa sản phẩm truyền thống ra nước ngoài. Không chỉ cho thu nhập cao, anh Hóa còn tạo việc làm ổn định nhiều lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Vũ Văn Hóa (người bên phải) cho thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm.

Sinh ra tại mảnh đất xã Thái Xuyên nổi tiếng với làng nghề mây tre đan truyền thống, tuổi thơ của anh Hóa gắn liền với nan tre, sợi mây. Gia đình có 3 đời làm nghề nên anh rất tường tận về kỹ thuật sản xuất. Năm 1990, nhận thấy thị trường mây tre đan có tiềm năng kinh tế lớn, anh Hóa bắt đầu tự nghiên cứu, sáng tạo nhiều mẫu mã để chinh phục thị trường nước ngoài. 

Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất, anh Hóa chia sẻ: Với khí hậu, thời tiết ở các nước châu Âu, các sản phẩm mây tre đan rất được ưa chuộng. Tuy nhiên để hoàn thành các đơn hàng này cần có nhân lực lớn, kỹ thuật tốt và sản phẩm phải có hình thức độc đáo. Tận dụng tay nghề của bà con trong xã, tôi bắt đầu liên kết với các hộ để sản xuất.

Theo anh Hóa, anh từng thiết kế và gửi hàng chục mẫu hàng cho khách nhưng có khi chỉ được lựa chọn 1 - 2 mẫu, thậm chí không được chọn mẫu nào. Thế nhưng anh vẫn chăm chỉ kẻ vẽ, không quản ngày đêm và dần được nhiều khách hàng biết đến và tìm về ngỏ ý hợp tác. Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp bài bản nhưng những thiết kế của anh lại được nhiều người đánh giá là sáng tạo, mới mẻ. Đến năm 2016, khi quy trình sản xuất đi vào ổn định, số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều, anh Hóa đầu tư mở rộng cơ sở, kho chứa hàng... 

Chị Nguyễn Thị Châm, vợ của anh Hóa chia sẻ: Tôi về làm dâu trong gia đình nên cũng được truyền nghề và cùng chồng phát triển cơ sở đến bây giờ. Nghề này làm không quá khó, chỉ cần có sự tập trung và dành nhiều thời gian làm quen sẽ nhanh chóng thành thục. Các mẫu mã của chúng tôi độc đáo hơn so với các cơ sở khác nhờ tự sáng tạo, thiết kế độc đáo. Vì thế vợ chồng tôi sẽ phải hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách làm mẫu hàng mới bảo đảm thời gian, chất lượng. 

“Do sức khỏe yếu không thể làm công việc đồng áng nặng nhọc nên tôi đã làm cho gia đình anh Hóa nhiều năm nay. Tôi có thể tranh thủ thời gian rảnh để đan sản phẩm, thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Nhờ đó tôi có thể trang trải cho cuộc sống gia đình” - bà Tạ Thị Quế, 66 tuổi, thôn Kim Bàng chia sẻ.

Cùng với bà Quế, nhiều hộ dân trong xã cũng trở thành vệ tinh sản xuất hàng mây tre đan cho cơ sở của vợ chồng anh. Theo anh Hóa, cơ sở của anh hiện còn liên kết với nhiều hộ ở các huyện, thành phố. Có thời điểm đơn đặt hàng nhiều, cơ sở thu mua khoảng 3 - 4 tấn mây từ Đà Nẵng, sản xuất được 30.000 - 40.000 sản phẩm/tháng, cho thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm chủ yếu được xuất sang các nước châu Âu nên cơ sở cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraine. Nhiều đơn hàng phải tạm dừng hẳn. Vì vậy tôi mong muốn sẽ có thể mở rộng cơ sở, kho chứa để bảo quản hàng hóa và tiếp tục sản xuất.

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã đánh giá: Xã Thái Xuyên có nghề mây tre đan từ những năm 30 của thế kỷ trước. Hiện nay, toàn xã có khoảng 80 - 85% hộ nông dân đang duy trì nghề. Trong 4 - 5 năm gần đây, cơ sở sản xuất mây tre đan của gia đình anh Vũ Văn Hóa có sự phát triển tốt, giúp hội viên, nông dân có công việc ổn định. Bên cạnh đó, gia đình anh là gia đình văn hóa toàn diện tiêu biểu của thôn Kim Bàng 5 năm liền; tích cực tham gia hoạt động của địa phương, đóng góp vào công tác an sinh xã hội. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho anh Hóa được vay vốn, mở rộng cơ sở để phát triển sản xuất. Cùng với đó tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình học hỏi để nhân rộng các mô hình như gia đình anh Hóa.

 Các sản phẩm mây tre đan tại cơ sở sản xuất của anh Hóa. 

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày