Thứ 7, 23/11/2024, 23:59[GMT+7]

Trần triều vương đại quốc

Thứ 6, 02/02/2024 | 15:29:46
15,745 lượt xem
Thông thường, một vương triều cần có xã tắc và tôn miếu. Thời Trần (1226 - 1400), Đại Việt được các vua Trần coi là vương quốc to lớn, trong đó miền đất Long Hưng được xác định là trọng yếu vì có cả tôn miếu và xã tắc. Sông Đại Hoàng (còn gọi là Đại Hoàng giang, sông Hồng) chảy vào địa phận Long Hưng từ đỉnh Hải Triều xuôi thêm 20km thì chia ra phụ lưu Trà Lý (Tiểu Hoàng giang) điểm nối giữa sông Hồng và sông Trà xưa thuộc xã Hồng Lý (Vũ Thư), từ 1895 thuộc xã Độc Lập và Hồng Minh (Hưng Hà)...

Lễ hội tưởng nhớ các vua Trần (đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) được tổ chức trang trọng hàng năm vào dịp đón xuân mới, từ ngày 13 - 17 tháng Giêng.

Sông này ngày xưa bờ bãi mênh mang, buổi sơ khai có tên A Lỗ, chiết tự nghĩa là gồ cát, cồn cát. Phía bờ Bắc là cửa Phạm Lỗ, phía Nam là cửa Vường, giữa có cù lao lớn, trên đó có rừng gọi là “Cự Lâm”. Hiện trên bản đồ còn vẽ dòng sông cổ đoạn từ Hồng Lý “ăn thông” gần sát cửa Vường (giáp làng Thanh Hương, xã Đồng Thanh). Cửa sông này sóng nước ngàn tầm, chính nơi đây quân dân thời Trần đã đánh tan đội quân tiền trạm của Vạn hộ Lưu Thế Anh, xác giặc nghẽn dòng sông, và cũng tại ngã ba sông này dân chài phải kinh nể “một trăm cửa bể phải nể cửa Vường”.

Sách “An Nam chí lược” chép rằng: “Ngày 21 (tháng Giêng), phá ải Thiên Hán, chém tướng họ là Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng. Thế tử họ (Trần Nhân Tôn) lui về giữ Hải Thị (nay thuộc làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) đóng cọc gỗ để ngăn phía Tây sông mà đánh. Quan quân trên dưới bắn chéo nhau, quân họ vỡ to... Ngày mồng 3, Trần Nam Vương phá Thế Tử ở sông Đại Hoàng”. Sử cũ ghi nhận, sau thất bại xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258), vua Nguyên nhiều lần đầu sai sứ sang dụ vua Trần vào chầu. Dụ hàng không được, Hốt Tất Liệt (sau khi diệt nhà Tống) đã cùng các tướng lĩnh triều đình nhà Nguyên lập kế hoạch tấn công Chiêm Thành, sau đó từ phía Nam (phía Bắc cho quân tràn sang) đánh vào Đại Việt, tạo ra gọng kìm bao vây tiêu diệt nhà Trần. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, lý do duy nhất khiến quân Nguyên Mông dừng đánh chiếm Chiêm Thành mà “quay ra” đánh Đại Việt là “Hốt Tất Liệt đã hoảng sợ trước sóng gió của biển cả phương Nam”. Trước đó, đầu năm 1285, Toa Đô tiến từ Ô - Lý, Việt - Lý ra Bắc để tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai (1285). Để tăng cường chi viện cho Toa Đô tấn công Chiêm Thành, “ngày Mậu Tý 12/7 (24/8/1285), Hốt Tất Liệt hạ chiếu cho con trai là Thoát Hoan đánh Chiêm Thành”. Tuy nhiên, quân Nguyên Mông đã quá chủ quan, khinh thường quân Chiêm Thành “nhược tiểu” và ngay lập tức, chúng choáng váng trước sức chống trả mãnh liệt của quân dân Chiêm Thành, do không thông thuộc địa hình lại xa Bắc quốc, đường tiếp tế khó khăn, Toa Đô đành rút quân “quay ra” đánh vào vùng đất Châu Ô, Châu Lý. Theo các nguồn khảo luận, “ngày Giáp Tý, 21 tháng Chạp năm Giáp Thân (27/1/1285), quân Nguyên vượt qua biên giới tấn công Đại Việt theo hai hướng (phía Tây và phía Đông). Trước sức tấn công như vũ bão của quân Nguyên Mông, tại mặt trận phía Đông, ải Khâu Cấp, ải Khả Lý, ải Nội Bàng lần lượt bị giặc chiếm đóng, trong khi đó ở phía Tây, quân Nguyên do Bôn Kha Đa chỉ huy vượt ải Khâu Ôn, chiếm ải Chi Lăng. Trước tình hình đó, để tránh thế mạnh ban đầu của kẻ thù, Hưng Đạo Vương đã lui quân về Vạn Kiếp và lệnh cho quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm chọn những người dũng cảm làm tiên phong sẵn sàng phản công giặc xâm lược. Sử cũ chép: Ngày 6 tháng Giêng năm Ất Dậu (11/2/1285), Ô Mã Nhi chia quân tấn công các căn cứ của ta ở Vạn Kiếp và núi Phả Lại, thế quân giặc rất mạnh. Vua Trần đã đem các quân “Thánh dực” và hơn một nghìn chiếc thuyền tăng viện cho Trần Quốc Tuấn. Mặc dù đã chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch nhưng thấy chưa thể chặn đứng được bước tiến của quân thù nên “ngày 12/2/1285, quân ta rút khỏi các địa điểm Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than...”.

Cuộc hội thảo khoa học “Thái Bình với sự nghiệp thời Trần” do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp với Viện Sử học tổ chức tháng 4/1986 tại Thái Bình, cố Giáo sư Trần Văn Tạo trong bài tổng kết hội thảo đã đưa ra nhận xét: “Xác định được một sự thực lịch sử là Hải ấp, thuộc Long Hưng lộ (Thái Bình ngày nay) đã là nơi khởi đầu của sự nghiệp xây dựng đất nước của nhà Trần. Tại hội thảo, nhiều tham luận cho rằng, có thể ngay từ khi Trần Hấp đem mộ tổ táng tại làng Tinh Cương (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), họ Trần do tin vào phong thủy đã dời nhà đến đây để giữ mộ phần, mong con cháu nhờ đất ấy mà nối đời làm nên vương bá. Các nghiên cứu mở rộng sau hội thảo cũng có nhiều ý kiến sâu sắc về các lăng mộ vua Trần và Hoàng hậu trên đất Hưng Hà, như hành cung Lỗ Giang và An Lăng nằm ở phía Nam cách khu lăng mộ Tiến Đức, Hưng Hà khoảng 6km. Hành cung chạy dài 700 - 800m từ đầu thôn Thâm Động (giáp thôn Đồng Lôi), vượt ra ngoài đê sông Hồng, chạy tới cánh đồng phía Bắc làng Thâm Động. Khu hành cung đền thờ Thâm Động trải qua 700 năm có lẻ, được các bộ sử cũ chép với nhiều tên gọi khác nhau. Đời vua Trần Anh Tông chép là cung Lỗ Giang (Lô Giang). Ngày 13 tháng 9 năm Trùng Hưng thứ 9 (1293): “Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu băng ở cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng, tạm quàn ở cung Long Hưng”; và “Ngày 11, tháng 6, Khai Hựu thứ 13 (1341), vua băng ở Chính Tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương (cũng là cung Lỗ Giang - lấy theo địa danh hành chính). Linh cữu quàn 4 năm, đợi đến ngày 15 tháng 8 năm Thiệu Phong thứ 4 (1344), mới chính thức an táng Hiến Tông ở An Lăng, phủ Kiến Xương”.

Đời vua Trần Anh Tông khi chép về lăng tẩm của vua Trần gọi là Thái Lăng, sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Đền vua Trần ở làng Thâm Động, tổng Vị Sĩ, huyện Duyên Hà, phủ Tân Hưng, tỉnh Thái Bình”. Theo tài liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ in trên Công báo năm 1930 thì gọi là Đền bảy vua Trần ở huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà). Các nghiên cứu khẳng định, Lỗ Giang (sông A Lỗ) gắn bó mật thiết với vua Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông. Do vậy, triều đình nhà Trần đã cho dựng thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của 7 vị vua nhà Trần. Miếu thờ bốn vị vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông cũng được xây dựng tại đây và trang liệm ba vị tiên đế là Thái tổ Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, vì vậy dân gian quen gọi là “Đền thờ bảy vua Trần”.

Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn chép: “Xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên có bốn cái lăng: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, lại có lăng của bốn hoàng hậu”. Một số tài liệu nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng: Khâm Từ Thái hậu lúc sinh thời cũng đã sống ở cung Lỗ Giang. Tại làng Thâm Động còn có ngôi chùa cổ cạnh khu di tích Thái Lăng (tương truyền là nơi tu hành của Khâm Từ Hoàng Thái hậu, mẹ của vua Trần Anh Tông). Theo khảo luận, vẫn còn sót lại một số sắc phong của các triều đại phong kiến trước đây đối với ngôi chùa cổ này. Tương truyền đây là khu lăng mộ to lớn, đẹp không kém gì Chiêu Lăng ở Thái Đường, Tiến Đức, Hưng Hà. Năm 1332, Bảo Thánh Thuận Từ Hoàng Thái hậu mất, vua Trần Minh Tông đưa về an táng tại Thái Lăng, triều đình một lần nữa lại xây thêm lăng tẩm cho Thái hậu.

Quang Viện