Né tránh hay sợ trách nhiệm?
Đầu tiên, phải nói đến bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Căn bệnh này phần nhiều đến từ yếu tố mang tính chủ quan. Đó là thói quan liêu, vô trách nhiệm, suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Căn bệnh này phát sinh từ tâm lý ngại việc, không muốn làm, không dám chịu trách nhiệm với công vụ của mình cho dù căn cứ pháp lý đã rõ ràng, chức trách được giao đã cụ thể.
Nguyên nhân có thể do năng lực hạn chế, bản lĩnh yếu kém hoặc tệ hơn là tư tưởng vụ lợi, vòi vĩnh “bôi trơn” mới giải quyết công việc. Trị căn bệnh này không gì khác hơn là tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý, thanh lọc ra khỏi bộ máy những thành phần vô trách nhiệm.
Gần 50 năm trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết nhắc đến "căn bệnh" né tránh, sợ trách nhiệm.
Căn bệnh thứ hai là sợ trách nhiệm. Nguyên nhân của căn bệnh này phần nhiều đến từ yếu tố khách quan. Những người sợ trách nhiệm không hẳn là bê trễ công việc không muốn làm, mà không dám làm do hệ thống các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập và chế độ công vụ chưa thật sự rõ ràng. Nhiều người chắc hẳn vẫn chưa quên câu chuyện tại Thành phố Hồ Chí Minh, một địa phương vốn được coi là “đầu tàu” kinh tế của cả nước vài chục năm qua, vậy mà thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ trong 1 năm đã gửi gần 300 văn bản xin ý kiến Bộ hướng dẫn giải quyết sự vụ.
Khi được hỏi lý do, người đứng đầu chính quyền Thành phố đã lý giải nguyên nhân do có nhiều vấn đề chưa tìm được cơ sở pháp lý để xử lý, nhiều vấn đề đã được quy định nhưng đọc xong không hiểu rõ, một số vấn đề được điều chỉnh bởi các văn bản khác nhau, thậm chí trái ngược nhau cho nên địa phương buộc phải hỏi xin ý kiến. Câu chuyện này trở nên phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương và trong số đó, có văn bản xin ý kiến nhưng không có hồi âm, hoặc nếu phúc đáp lại theo một cách ai cũng đoán được: Bộ chủ quản viện dẫn lại chính các quy định địa phương đang vướng mắc và kèm theo câu “Đề nghị đơn vị thực hiện theo đúng quy định”.
Trong nhiều cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục biểu hiện né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ.
Thực tế này chỉ ra rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta vốn có cấu trúc phức tạp với tầng tầng lớp lớp các văn bản ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng lại thiếu thống nhất, có quá nhiều quy định đa nghĩa, chồng chéo, mâu thuẫn và bất khả thi. “Cứ vô tư khách quan mà làm, cứ đúng mà làm thì sao phải sợ?”. Vấn đề nảy sinh thế nào được coi là làm đúng, đúng với văn bản này nhưng không đúng với văn bản khác có được coi là đúng? Và trường hợp làm đúng là nhiệm vụ bất khả thi, cán bộ công chức có đủ bản lĩnh “phá rào” quy định?
Chính điều này khiến một bộ phận cán bộ, công chức e dè, sợ sai, sợ bị xử lý, gây cho họ một cảm giác rủi ro pháp lý rất cao khi thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, chế độ chức trách công vụ cũng không thật sự rõ ràng. Đứng trước vụ việc phức tạp, cần sự linh hoạt, sáng tạo, câu hỏi luôn luẩn quẩn trong đầu người thực thi công vụ: Mình được làm gì, không được làm gì, trách nhiệm cá nhân hay tập thể? Cần phải xin ý kiến đến cấp nào?
Vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thống nhất, rõ ràng, đơn nghĩa và xây dựng chế độ công vụ hợp lý, khoa học là giải pháp căn cơ cho căn bệnh sợ trách nhiệm. Các biện pháp khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm sẽ không có tác dụng khi mà đương nhiên, không một ai muốn mình rơi vào ranh giới mong manh giữa dám nghĩ, dám làm với vi phạm pháp luật, bất chấp pháp luật. Nguyên tắc thực thi công vụ mang tính phổ quát trên thế giới là: “Công chức chỉ làm những gì luật pháp cho phép, doanh nghiệp và người dân được làm những gì luật pháp không cấm”. Trước mắt, hãy hoàn thiện hệ thống pháp luật, thay vì đòi hỏi người thực thi phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, khi người dân, doanh nghiệp cần sự đồng hành, chia sẻ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước để phục hồi sản xuất, tháo gỡ khó khăn thì việc nhận diện, tìm ra nguyên nhân để có những liều thuốc đặc trị cho căn bệnh trở nên hết sức cấp bách.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả 05.11.2024 | 14:15 PM
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm 30.10.2024 | 15:58 PM
- Quỳnh Phụ: Quán triệt, triển khai các văn bản về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 26.09.2024 | 17:45 PM
- Hưng Hà: Quán triệt, triển khai các văn bản về đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030 26.09.2024 | 17:55 PM
- Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư kiểm tra theo kế hoạch đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ 25.09.2024 | 17:48 PM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Họp báo phát động cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư năm 2024 24.01.2024 | 15:51 PM
- Phát huy vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch 18.12.2023 | 15:50 PM
- Đảng ủy Quân sự thành phố: Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị 09.05.2023 | 19:34 PM
- Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 22.04.2023 | 21:43 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh