Gươm sắc “chờ người"
Theo các nguồn khảo luận, quân Nguyên Mông đặt chân đến biên giới Đại Việt, chúng xâm phạm ải Phú Lương (Lạng Sơn), mở đầu cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Trước tình thế nguy nan, vua Trần Nhân Tông hỏi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn về thế giặc năm nay ra sao, Hưng Đạo vương điềm tĩnh trả lời: “Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp mà quân chúng lại ngại về đi xa, chúng đã cạch sự thất bại của Hằng và Quán, quân Nguyên Mông không có lòng chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem thì tất đánh tan được”. Và, Hưng Đạo vương khẳng định: “Năm nay thế giặc dễ đánh”.
Quân và dân Đại Việt lại bước vào cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba với thế chủ động và lòng tự tin cao độ. Trước đó, được tin quân Nguyên Mông lăm le xâm lược Đại Việt, nhà Trần đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được nhà vua tin cậy phong làm Quốc công tiết chế, đốc thúc, kiểm tra việc chuẩn bị kháng chiến của triều đình. Chỉ huy vương hầu, chư tướng, cùng quân và dân cả nước đánh giặc. Sử cũ chép: Tháng 7/1286, vua Trần lệnh cho các vương hầu, tôn thất tuyển chọn thêm binh lính, chấn chỉnh lực lượng, luyện tập quân sĩ, gấp rút chế tạo khí giới, sửa chữa chiến thuyền. Trước tình hình bất tương giao lực lượng, Hưng Đạo vương giao cho các tướng trấn giữ, sẵn sàng tiêu hao lực lượng giặc, tiến tới chủ động tiêu diệt quân giặc ở một số hướng tấn công, các khu vực hiểm yếu. Cụ thể, giao Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái vùng Lạng Sơn. Thượng tướng Trần Khánh Dư vùng biển Vân Đồn, Trần Nhật Duật vùng Bạch Hạc… Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 10 (âm lịch) năm 1286, Hưng Đạo vương tổ chức một cuộc luyện tập lớn, cổ súy toàn quân.
Theo nguồn khảo luận, lực binh ta đã sẵn sàng, lương binh cũng đã chu tất, bố trí thế trận chống giặc cũng được Hưng Đạo vương cùng các vua Trần chú trọng, đồng thời nắm chắc kế hoạch xâm lược của quân Nguyên Mông, trận này Hưng Đạo vương không bố trí đại bản doanh và quân chủ lực triều đình ở các khu vực gần biên giới hay trên đường đại quân của giặc có thể tiến về Thăng Long. Để tiện việc cơ động đánh giặc trên cả đường bộ và đường biển, Hưng Đạo vương đã bố trí một lực lượng thủy binh quan trọng của quân chủ lực triều đình trong khu vực từ Thiên Trường đến Tháp Sơn cùng quân bộ ở giữa Thăng Long và Vạn Kiếp. Để làm chậm bước tiến, sát thương, tiêu hao, tiêu diệt giặc, Hưng Đạo vương còn bố trí quân triều đình phối hợp với các đội quân Thánh Dực được Trần Nhật Hiệu rèn luyện ở các lộ, phủ như Long Hưng, Kiến Xương, Thần Khê… và hương binh, dân binh tại các khu vực rừng núi, sông ngòi hiểm trở đón đánh giặc cả đường bộ và đường thủy, “tránh cái thế hăng hái lúc ban mai, đánh cái khí tàn lụi lúc chiều tà” của giặc.
Các tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ ba, ngoài âm mưu biến Đại Việt thành quận, huyện của chúng, chúng còn muốn rửa nỗi nhục hai lần thất bại trước đó. Để chắc thắng, trước khi xâm lược, vua Nguyên Mông là Hốt Tất Liệt đã căn dặn tướng, sĩ: “…không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà coi thường”… Song, chúng lại dựa vào lượng quân đông, tướng hùng thế áp đảo làm càn, trong khi Thái tử Thoát Hoan “nóng lòng” muốn bắt sống toàn bộ vua tôi nhà Trần. Là nhà quân sự lỗi lạc, Hưng Đạo vương hiểu cái muốn của giặc, đồng thời có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về lực lượng, thế trận, phương tiện, lương thảo, đặc biệt là ý chí “Sát Thát” của Hội nghị Diên Hồng, Hưng Đạo vương cùng vua tôi nhà Trần thực hiện lấy “an nhàn” đánh kẻ “mỏi mệt”. Để bảo toàn lực lượng và an toàn cho tôn thất nhà Trần, Hưng Đạo vương tham mưu với triều đình kế “Dĩ dật đãi lao” và “Thanh dã” đồng thời chỉ huy các đội quân chủ lực rút lui an toàn, chỉ để lại một lực lượng nhỏ ngăn chặn, vừa làm giảm tốc độ tiến công vừa làm cho chúng chủ quan, coi thường. Khi giặc kéo đến Kinh thành Thăng Long, triều đình rút lui về Long Hưng - Thần Khê, các làng Quan Chiêm, Chúa, Vải, Triều Quyến, Bến… vẫn còn lưu dấu vết. Không bắt được vua Trần và cũng không giao chiến được với quân chủ lực nhà Trần, quân Nguyên Mông lại bị tiêu hao trên đường tiến công, mỏi mệt vì bệnh tật, đói ăn, chúng buộc phải dừng lại củng cố các vùng đã chiếm được. Quân và dân ta tại các nơi giặc chiếm đóng liên tục thực hiện các đợt tiến công nhỏ lẻ, bao vây, chặn giặc để quân đội nhà Trần có thời gian bố trí thế trận phản công. Một mặt, cử đội quân nhỏ dụ địch vào vùng đầm lầy để tiêu hao lực lượng địch.
Bị cô lập, rơi vào tình thế tuyệt vọng Thoát Hoan vội vàng quyết định rút quân về nước theo hai đường: thủy và bộ hòng phân tán đối phương, hy vọng bảo toàn lực lượng. Hưng Đạo vương và triều đình nhà Trần nắm bắt chính xác hướng rút quân của địch ra biển đã bố trí đại quân chủ lực tại cửa sông Bạch Đằng để tiêu diệt thủy binh của giặc, đồng thời sử dụng lực lượng khá mạnh cùng với dân binh mai phục trên các ngả đường lên biên giới. Toàn bộ đạo thủy quân rút lui của Hốt Tất Liệt trên sông Bạch Đằng và quân kỵ mã rút lui theo đường bộ qua ải Nội Bàng đã bị đánh tan tành. Việc cùng lúc đánh tan hai đạo quân của giặc trên đường rút chạy là đánh vào cái khí tàn lụi lúc chiều tà, sức chỉ dùng một nửa mà công được gấp đôi.
Vua tôi nhà Trần nhận định, khi “Quân giặc rút về nước thì không nên đánh chặn, bao vây quân giặc, nên chừa một chỗ hở. Quân giặc đến bước đường cùng thì không nên truy bức”, song để loại bỏ hoàn toàn ý đồ xâm lược Đại Việt của quân Nguyên Mông, Hưng Đạo vương đã vận dụng linh hoạt binh pháp Tôn Tử, đánh trận quyết định trên sông Bạch Đằng. Trong khi đó, lương thảo là yếu tố quan trọng bậc nhất bảo đảm sống còn cho đạo quân viễn chinh. Để bảo đảm lương thảo cho khoảng 30 vạn quân, quân Nguyên ngoài việc vận chuyển lương thảo bằng đường bộ, Hốt Tất Liệt còn giao cho Trương Văn Hổ chỉ huy vận chuyển 17 vạn quân lương bằng đường biển. Để hộ tống cho đoàn thuyền lương này kết hợp một mũi tiến công bằng đường thủy, Hốt Tất Liệt lệnh cho Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem 500 thuyền chiến từ Khâm Châu tiến vào Đại Việt. Quân, dân nhà Trần đã thực hiện thành công kế “thanh dã” cắt đứt mọi nguồn cung cấp, tiếp tế lương thảo của giặc và triệt phá hoàn toàn các đoàn lương thảo của chúng. Vua Trần Nhân Tông nhận định: “Quân Nguyên cốt trông cậy vào lương thực và vũ khí, nay đã bị ta chiếm được cả rồi, thế của chúng không tràn ra được nữa… Vậy nên ta thả những tên bị bắt về báo tin với Thoát Hoan, ắt quân của nó tất ngả lòng, bấy giờ phá mới dễ”.
Tháng 12/1287, đạo thủy binh do tướng Ô Mã Nhi chỉ huy, hộ tống đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ xuất phát từ Khâm Châu tiến vào vùng biển Đông Bắc nước ta. Thượng tướng Trần Khánh Dư chỉ huy một lực lượng thủy binh chặn đánh nhưng không thành nên phải lui quân bảo toàn lực lượng và chuẩn bị mưu kế đánh trận tiếp theo. Ông thiết lập thế trận mai phục và chỉ huy đội thủy quân tiến công tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền lương của giặc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Đại Việt “bắt được quân lương, khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng nhiều”. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam