Chủ nhật, 28/04/2024, 00:02[GMT+7]

Những thanh niên làm kinh tế giỏi

Thứ 3, 19/03/2024 | 08:46:22
8,016 lượt xem
Trong khi nhiều thanh niên nông thôn tìm cách đi làm ăn xa, đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm thì ở huyện Hưng Hà lại xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Dù mỗi người có hướng đi, cách làm khác nhau nhưng họ đều chung một ý chí khát vọng vươn lên làm giàu.

Mỗi tháng xưởng may khăn của anh Phạm Công Đức, xã Phúc Khánh xuất khẩu trên 100.000 sản phẩm.

Triệu phú áo xanh

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thanh niên Phạm Công Đức, thôn Hương Xá, xã Phúc Khánh đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ nghề may khăn xuất khẩu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 40 lao động địa phương.

Năm 2017, anh Đức nắm bắt thời cơ và mạnh dạn đầu tư xưởng để sản xuất khăn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Những ngày đầu mở xưởng, anh gặp muôn vàn khó khăn, từ thiếu vốn, kỹ năng quản lý, nhân công chưa dày dặn kinh nghiệm... Nhưng với niềm đam mê, anh Đức đã tập trung thời gian để trau dồi kiến thức, học hỏi nhiều nơi, tự mình gỡ bỏ dần những khó khăn. 

“Với niềm khao khát làm chủ một cơ sở sản xuất khăn truyền thống của quê hương, tôi đã quyết định vay mượn tiền để mở xưởng. Thời điểm đầu khi mới làm, tôi đã được các ngân hàng và đoàn thanh niên hỗ trợ cho vay vốn, đồng thời không ngừng cải tiến hình thức sản xuất và cập nhật nhiều kỹ thuật mới, do đó đầu ra dần ổn định, các nguồn hàng dồi dào, lượng hàng xuất khẩu đi thị trường các nước được đón nhận và có phản hồi tích cực. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất của tôi xuất khẩu 100.000 sản phẩm khăn các loại; doanh thu đạt 3 - 4 tỷ đồng/năm, trừ chi phí chúng tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, nguồn hàng của xưởng đã được ký kết đến cuối năm 2024” - anh Đức chia sẻ.

Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, xưởng may khăn của anh Đức còn giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động với thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/ người/tháng. Chị Đào Thị Chi, xã Liên Hiệp cho biết: Tôi làm việc ở đây 4 năm, nghề may khăn tuy đòi hỏi tỉ mỉ nhưng công việc nhẹ nhàng, làm việc trong nhà nên không vất vả, thu nhập tương đối ổn định, vì vậy chúng tôi yên tâm làm việc.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Đức cho biết: Sắp tới tôi sẽ mở rộng xưởng, mua sắm các trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tạo uy tín và mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm các nguồn hàng để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người giúp họ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mô hình của anh Bùi Văn Đoàn (người bên phải), xã Văn Lang cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Thủ lĩnh trẻ làm giàu trên mảnh đất quê hương

Với vai trò của một thủ lĩnh thanh niên, anh Bùi Văn Đoàn, Bí thư Chi đoàn thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang luôn đi đầu, nhiệt tình với công tác đoàn ở cơ sở. Không những vậy, anh còn phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ mạnh dạn phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Năm 2018, xuất ngũ trở về quê hương, chàng thanh niên Bùi Văn Đoàn khi ấy 23 tuổi, đã mang quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp ngay tại địa phương. Khi bắt tay vào đầu tư trang trại, Đoàn không được gia đình ủng hộ, bởi lo ngại về rủi ro trong chăn nuôi cùng sự bấp bênh của giá cả thị trường. Những năm đầu, vốn liếng, kinh nghiệm đều ít, có những lúc tưởng chừng phải bỏ dở ước mơ, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, không khuất phục trước khó khăn, anh cất công tìm tòi, học hỏi kiến thức trên sách báo, đi tham quan thực tế, dần đúc rút được kinh nghiệm của riêng mình. Hiện nay, trên diện tích 1.000m2 chuyển đổi, anh Đoàn bố trí nuôi trên 2.000 con ngan thịt, trên 1.000 gà thương phẩm, thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. 

Anh Bùi Văn Đoàn chăm sóc đàn ngan thịt chuẩn bị xuất bán.

Anh Bùi Văn Đoàn chia sẻ: Ngoài yếu tố tiên quyết đó là vốn, kinh nghiệm, sự tâm huyết với con đường mình đã lựa chọn, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng tr ị bệnh cho đàn vật nuôi. Bởi những năm gần đây tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nếu không làm tốt sẽ thua lỗ rất lớn, do đó tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chuồng trại phải mát về mùa hè, ấm về mùa đông, sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường... Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng mô hình, hướng tới xây dựng một mô hình mẫu để thanh niên địa phương có thể tham quan, học tập, đồng thời tôi sẽ trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho bất kỳ thanh niên nào có cùng chí hướng.

Anh Nguyễn Văn Tưởng, Bí thư Đoàn xã Văn Lang cho biết: Những thành công ngày hôm nay chính là thành quả của những nỗ lực và cả những thất bại trước đây anh Đoàn đã trải qua. Người lính ngày nào đã trở thành một nông dân chính hiệu với thu nhập cao và nhận được sự thán phục, đồng cảm, trân trọng của các đoàn viên và người thân trong gia đình. Đây là tấm gương cho nhiều thanh niên trong xã học tập, noi theo về tinh thần, ý chí và khát vọng làm giàu chính đáng.

Anh Đức, anh Đoàn chỉ là 2 trong rất nhiều thanh niên huyện Hưng Hà mạnh dạn phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Họ đã chứng minh rằng, không phải cứ đi xa mới lập nghiệp được mà bằng trí tuệ, bản lĩnh của tuổi trẻ họ có thể thành công làm giàu cho bản thân và địa phương. Ý chí, khát vọng của tuổi trẻ đã tiếp lửa để mỗi đoàn viên, thanh niên tiếp tục cống hiến sức trẻ trong tiến trình xây dựng Hưng Hà ngày càng giàu đẹp, văn minh.



Thanh Thủy