Chủ nhật, 24/11/2024, 23:18[GMT+7]

Thị xã xưa - Thành phố nay Kỳ 1: Những dấu mốc lịch sử

Chủ nhật, 31/03/2024 | 23:13:40
10,949 lượt xem
Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu nay là đô thị loại II, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, thành phố Thái Bình đã vươn lên trở thành một thành phố năng động với kinh tế tăng trưởng vượt bậc, kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, văn minh.

Cầu Bo, thị xã Thái Bình năm 1963. Ảnh tư liệu

Thị xã Thái Bình cùng với tỉnh Thái Bình được thành lập muộn  song lại có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Thị xã Thái Bình lúc mới thành lập gồm hai làng Bồ Xuyên và Kỳ Bố của tổng Lạc Đạo và các khu phố xung quanh của phủ Kiến Xương. Sau đó, vùng đất này ngày càng được mở rộng địa giới hành chính bao trùm lên không gian của một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, văn hiến. Nơi đây có sự hình thành và phát triển ổn định của làng xã với các thiết chế đình, chùa, hương ước, quy ước, kho tàng ca dao, tục ngữ... tạo nên những nét đẹp riêng của vùng đất và con người thị xã. Từ bao đời nay, nơi đây là điểm hội tụ của cư dân nhiều vùng đến sinh sống. Họ đã vật lộn với thiên nhiên nghiệt ngã, cải tạo sình lầy chua mặn, cỏ dại đổi lấy “hạt bạc hạt vàng”, đem xương máu chống chọi với giặc giã... Phẩm chất cần cù lao động, chịu thương chịu khó, tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc của người dân nơi đây đã dệt nên địa danh Kỳ Bố Hải khẩu.

Lịch sử ghi nhận thị xã Thái Bình là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, cách mạng, là nơi tiếp thu chủ nghĩa cộng sản sớm nhất tỉnh. Chi bộ Cộng sản thị xã Thái Bình được thành lập sớm (ngày 30/6/1929) ngay sau khi thành lập Đảng bộ Cộng sản Thái Bình. Từ đây, phong trào cách mạng của nhân dân thị xã có ánh sáng cách mạng chỉ đường, đạt được nhiều chiến công hiển hách, trở thành ngọn cờ đầu trong các phong trào sản xuất, đấu tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Tháng 2/1950, thực dân Pháp chiếm đóng Thái Bình, nhân dân thị xã đã chủ động tổ chức kháng chiến toàn diện. Tháng 4/1951, Tỉnh ủy cử một đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp làm Bí thư Thị ủy và thành lập Ban Thị ủy để nắm tình hình người dân và chống lại sự chiếm đóng của quân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy, các cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Pháp nổ ra mạnh mẽ ở thị xã như đấu tranh phá Căng chợ Bo cuối năm 1951; cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh chống địch bắt lính năm 1951 - 1952; phá các khu tập trung dân ở Lạc Đạo, Tống Vũ, An Tập, Bồ Xuyên; chống địch lợi dụng tôn giáo nhân chuyến đi kinh lý Thái Bình của khâm mạng tòa thành Đô Lây... Đặc biệt, những trận chiến đấu diệt đồn Cống Đậu; diệt Huyện lỵ Vũ Tiên ở An Tập năm 1952; diệt bộ chỉ huy trận càn Con Trâu năm 1953... là những trận đánh nổi tiếng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã.

Tại hội nghị chiến sĩ thi đua năm 1952, Bác Hồ tặng cờ thêu 8 chữ vàng “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch” cho Đảng bộ và nhân dân thị xã Thái Bình. Sau hơn 4 năm ròng rã chiến đấu, đêm ngày 30/6/1954, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã quét sạch bóng quân thù, giải phóng thị xã, chấm dứt ách đô hộ của quân xâm lược trên địa bàn Thái Bình. Thị xã được hoàn toàn giải phóng là sự kiện lịch sử trọng đại đã đi vào ký ức của mỗi người dân, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của giai cấp công nhân, nông dân và lực lượng vũ trang thị xã dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ thị xã. Đảng bộ và nhân dân thị xã tự hào với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Thái Bình cũng như cả nước.

Hòa bình lập lại, thị xã tập trung khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với cả nước, nhân dân thị xã đã đi trên những chặng đường dài đầy gian nan, máu lửa và vinh quang, tự hào là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Cầu Bo - thành phố Thái Bình.

Sau gần 50 năm giải phóng, nỗ lực phấn đấu từng tiêu chí, năm 2003 thị xã Thái Bình được công nhận đô thị loại III. Một năm sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2004/NĐ-CP thành lập thành phố Thái Bình trực thuộc tỉnh Thái Bình. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, năm 2007 Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng để mở rộng thành phố Thái Bình. Năm 2013, thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cách Thủ đô Hà Nội 110km, Hải Phòng 80km, thành phố Thái Bình có điều kiện thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Thành phố có tổng diện tích 6.809,8ha, dân số 218.430 người. Qua các giai đoạn phát triển, thành phố hiện có 10 phường: Bồ Xuyên, Kỳ Bá, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Tiền Phong, Trần Lãm, Hoàng Diệu, Phú Khánh, Lê Hồng Phong, Đề Thám và 9 xã: Phú Xuân, Tân Bình, Vũ Phúc, Vũ Chính, Đông Mỹ, Đông Hòa, Đông Thọ, Vũ Lạc, Vũ Đông.

(còn nữa)

Minh Nguyệt