Thứ 2, 25/11/2024, 01:11[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Hào hùng Điện Biên

Thứ 2, 22/04/2024 | 21:34:07
3,771 lượt xem
Đi qua chiến tranh, ký ức về một thời hoa lửa với các cựu thanh niên xung phong (TNXP) đã như gió quét lá khô, để sống giữa đời thường bình dị, an yên. Thế nhưng, mỗi người vẫn là một mảnh ghép sống động về chiến dịch Điện Biên Phủ, bình dị mà rất đỗi hào hùng.

26.400 lượt dân công cùng hơn 21.000 xe đạp thồ đã dồn sức tiếp tế cho bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

“Đèo cao thì mặc đèo cao Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo” 

Ông Đào Văn Thới, cựu TNXP ở thôn Phụng Công, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) mới trở về sau đợt điều trị ở bệnh viện. Tuy vẫn còn mệt nhưng khi được hỏi về kỷ niệm tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thới hào hứng hẳn. Ông kể: Hồi đó gian khổ lắm nhưng vui, lạc quan lắm. Đơn vị tôi có nhiệm vụ vận chuyển lương thực từ Thanh Hóa lên Tây Bắc. Tuyến đường xa, địa hình hiểm trở, trong khi nhu cầu của chiến trường rất lớn và gấp rút nên phải rất khẩn trương. Đoạn từ Thanh Hóa đến Hòa Bình còn dễ đi nhưng sau đó chủ yếu là đường rừng, qua nhiều đèo cao, suối sâu vô cùng gian nan. Nhiều khu vực có địch đóng quân nên cũng không thể đi đường chính mà được hướng dẫn luồn rừng. Nhiều hôm bị máy bay địch quần thảo bỏ bom phải trú ẩn.

Ông Đào Văn Thới, cựu thanh niên xung phong xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) với những phần thưởng khi tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ông Thới chia sẻ: Trong quá trình tải lương, gặp nhiều khó khăn nên bộ đội, TNXP, dân công nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tạo rất hay. Như thành lập nhóm gồm có 3 xe thồ đi cùng với nhau nhằm giúp đỡ khi có sự cố dọc đường. Mỗi khi xe lên dốc, 2 xe còn lại tấp vào lề đường, một người dùng dây thừng buộc vào cổ xe kéo đi trước, một người đẩy từ phía sau, người còn lại điều khiển xe. Cứ thế giúp cả nhóm xe vượt đèo núi. Vất vả nhất là khi xuống dốc, một người phải cầm đuôi xe kéo lại, một người giữ tay lại để giảm tốc độ và người ở giữa vừa điều khiển xe vừa lấy dép cao su của mình ấn vào bánh xe để làm phanh. Trong khi đi như vậy, nhiều anh em chân tứa máu vì phải lấy dép cao su ra làm phanh; tay thì rộp hết da và mọng nước phải băng lại, vì đi máu ra nhiều nhưng chúng tôi vẫn túm tay ngai, cọc thồ để lên đường. Vai chúng tôi thì chai sạn vì vết hằn của cọc thồ; mặt thì xanh xao vì sốt rét rừng nhưng chúng tôi luôn khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đó hàng trăm đoàn đi nên không khí vui vẻ, quyết tâm lắm. Chúng tôi vừa thồ hàng vừa hát “Đèo cao thì mặc đèo cao/Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo”. 

Phải sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội 

Đơn vị của ông Bùi Văn Sâm, cựu TNXP thôn Đông Thượng Liệt, xã Đông Tân (Đông Hưng) trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược cho chiến trường. Ông Sâm nhớ lại: Lúc đó không biết Tây Bắc như thế nào, cũng chẳng biết mình sẽ làm nhiệm vụ cụ thể gì nhưng nhận lệnh là lên đường với khí thế rất hăng hái. Mọi thanh niên đều sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì vì dân tộc mà Đảng, Bác Hồ giao phó. Cứ thế, chúng tôi xuyên rừng, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược. Lần đầu tiên, tôi thấy ngợp về núi rừng như thế, càng đi thì núi rừng càng trùng trùng điệp điệp và lạnh buốt. Chiến dịch diễn ra rất khẩn trương, căng thẳng, công việc vận chuyển phải chạy đua với thời gian, tranh chấp với địch từng phút, từng giây. 

Ông Sâm cho biết: Hàng hóa thường từ Thanh Hóa vận chuyển lên Hòa Bình, tiếp tục được chuyển qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La) rồi qua đèo Pha Đin, đến huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Sau đó, phần lớn hàng hóa tiếp vận được đưa vào kho lớn ở 1 khu rừng thuộc tỉnh Điện Biên để cung cấp cho chiến dịch. Đến khi ta nổ súng mở màn chiến dịch thì máy bay địch bắn phá ác liệt, quyết cắt đứt đường vận chuyển của ta cho tiền tuyến, nhất là các đoạn đèo Chẹn, phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin..., đặc biệt là “cuống họng” ngã ba Cò Nòi - nơi các phương tiện đều phải đi qua để vào mặt trận. Nhiều đồng đội của tôi đã bị thương, anh dũng hy sinh. Chúng tôi nhanh chóng cứu thương, an táng thi thể đồng đội rồi lại tiếp tục lên đường, vì tiền phương đang vẫy gọi. Đến giờ tôi vẫn đau đáu, có những ngôi mộ có 2, 3 đồng đội nằm chung. Vì thời chiến không có điều kiện lo chu toàn được cho các anh. Tôi là người may mắn trở về nhưng đồng đội tôi - lớp lớp người đã ngã xuống, máu đã thắm đỏ vùng đất Điện Biên Phủ. Với lòng yêu nước, căm thù giặc nên chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức lại đội hình tiếp tục nhiệm vụ tiếp vận cho chiến dịch đến ngày toàn thắng. 

Ông Bùi Văn Sâm, cựu thanh niên xung phong xã Đông Tân (Đông Hưng) chăm sóc cây cảnh. 

Tự hào tham gia phục vụ chiến dịch 

Đơn vị của ông Phạm Văn Tú, cựu TNXP xã Phú Châu (Đông Hưng) làm nhiệm vụ ở đèo Pha Đin. Ông Tú kể: Đèo Pha Đin là đoạn đường xung yếu, túi bom, “cửa tử”. Hàng vạn lượt dân công hỏa tuyến, TNXP đã miệt mài băng qua đỉnh đèo huyền thoại, không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh để thông trọn con đường nối liền hậu phương - tiền tuyến. Vất vả lắm nhưng anh em động viên nhau quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nên nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”. Dù bị quân Pháp đánh phá ác liệt, đội hình phân tán nhưng với quyết tâm “TNXP còn thì mạch máu giao thông luôn được giữ vững”, các đại đội TNXP đã anh dũng vượt qua bom đạn, lao động hết mình, kiên cường bám trụ ngày đêm làm đường, sửa đường, rà phá bom mìn, bảo đảm thông đường, thông xe ra tiền tuyến.

Ông Phạm Văn Tú, cựu thanh niên xung phong xã Phú Châu (Đông Hưng) chia sẻ hồi ức tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ với phóng viên. 

Lan tỏa tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ 

Theo ông Đặng Văn Bộ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh: Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều TNXP tiếp tục ở lại thu dọn chiến trường rồi chuyển về sửa đường Sơn La, Mộc Châu. Đầu năm 1957, các đơn vị TNXP giải thể, phần đông TNXP được đi học, chuyển sang làm công nhân. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các TNXP chống Pháp lại tình nguyện lên đường gia nhập các đơn vị bộ đội, TNXP góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Như ông Đào Văn Thới, ông Bùi Văn Sâm, sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, về quê, sau đó tiếp tục nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ông Thới bị địch bắt, giam tại nhà tù Côn Đảo; ông Sâm bị địch bắt, giam tại nhà tù Phú Quốc. 

Tiễn tôi và đồng nghiệp ra đến cổng, ông Bùi Văn Sâm cho biết: Tôi rất mừng được cùng 6 cựu chiến binh và 1 cựu TNXP của Thái Bình lên Hà Nội dự hội nghị gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do Trung ương Hội Cựu chiến binh, Trung ương Hội Cựu TNXP tổ chức. Ở tuổi của tôi bây giờ chẳng biết có còn đi gặp đồng đội được lượt nữa không, đi thăm Điện Biên thì càng khó... 

Dù sức khỏe có cho phép ông thăm lại Điện Biên hay không thì phần ký ức về quãng đời tuổi trẻ vẫn hiện hữu trong ông cũng như bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch. Và chính họ đã bắc một nhịp cầu nối từ quá khứ đến hiện tại, để lan tỏa tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ trong thời đại mới. 

Xuân Phương