Thứ 7, 23/11/2024, 19:39[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Di tích lịch sử Mường Phăng: Còn mãi với thời gian

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:02:50
3,415 lượt xem
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), hòa cùng dòng người từ mọi miền Tổ quốc, chúng tôi về thăm Điện Biên. Đi giữa cánh rừng nguyên sinh có di tích lịch sử Mường Phăng (xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ) - nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi người như được sống dậy ký ức hào hùng của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nơi đây vẫn mãi là điểm đến của lòng tự hào, yêu nước, của sự tri ân và mãi góp phần vào khúc khải hoàn chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm tại khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, xã Mường Phăng

Video: 010524-m%C6%B0%E1%BB%9Dng_ph%C4%83ng_%C4%91i%E1%BB%83m_h%E1%BA%B9n.mp4?_t=1714121820

 

Trái tim chiến dịch Điện Biên Phủ 

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, xã Mường Phăng, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 25 - 30km. Đứng trên đỉnh Pú Đồn có thể quan sát được toàn bộ sân bay Mường Thanh cùng 8 cụm cứ điểm của quân Pháp. Rừng có nguồn nước sạch dồi dào từ những con suối mát; tán cây rộng lớn, um tùm bảo đảm bí mật cho Sở chỉ huy. Xung quanh rừng có nhiều dân bản sinh sống, giúp che giấu, bảo vệ Sở chỉ huy, ủng hộ lương thực, thuốc men cho mặt trận, họ còn giúp cả công tác thông tin liên lạc.

Di tích lịch sử Mường Phăng có tổng cộng 12 lán trại đơn sơ, giản dị, bố trí thành một hệ thống liên hoàn, thông suốt, bảo đảm bí mật và an toàn, là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh và các cán bộ cấp cao của chiến dịch. Trong 105 ngày đóng quân (31/1/1954 - 15/5/1954), Sở chỉ huy, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát đi những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định. Trong đó, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, xác định cách đánh “vây hãm tiến công, đột phá dứt điểm lần lượt” thể hiện bản lĩnh, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đảng ủy, Bộ chỉ huy, bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi. Ngày 6/5/1954, mệnh lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát ra chiến trường. Ngày 7/5/1954, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công trên khắp mặt trận. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm - pháo đài “bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch. Bộ chỉ huy chiến dịch đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch mà Đảng, Bác Hồ giao phó, giành thắng lợi vang dội, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. 

Ông Từ Quang Kiên, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) chia sẻ: Nơi đầu tiên tôi và đoàn cựu chiến binh (CCB) của thành phố Nha Trang đến thăm là Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến đây được tham quan từng công trình thấy sự lựa chọn đặt cơ quan “đầu não” của ta ở đây rất đúng, trúng bởi địa điểm đắc địa, thuận tiện cho việc quan sát, chỉ huy tác chiến trên chiến trường, bảo đảm được yếu tố bí mật. Hệ thống hầm, lán, nhà ở, làm việc đơn sơ, mộc mạc, điều kiện vật chất khó khăn nhưng quân ta chiến đấu với tinh thần thép để vào một chiều hè lịch sử 7/5/1954 tướng De Castries và toàn bộ binh lính Pháp đã phải xin hàng. Chúng tôi - thế hệ sau đã nối tiếp truyền thống đánh giặc kiên cường đó để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, góp phần đánh tan giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Còn mãi với thời gian 

Những năm qua, các điểm di tích của chiến trường Điện Biên Phủ từng bước được đầu tư, tôn tạo, trong đó di tích lịch sử Mường Phăng - trái tim chiến dịch Điện Biên Phủ được trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục. 

Theo ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng: 70 năm qua, di tích lịch sử Mường Phăng vẫn không thay đổi nhiều. Cấp ủy, chính quyền, bà con các dân tộc nơi đây luôn gìn giữ, bảo vệ Mường Phăng như khu rừng thiêng. Để phục vụ khách tham quan, đặc biệt đợt cao điểm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, xã đã phối hợp với Tổ quản lý di tích duy trì cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; đón tiếp, hướng dẫn du khách chu đáo; làm tốt công tác bảo vệ rừng và giữ nguyên trạng giá trị di tích lịch sử đặc biệt này cho muôn đời sau.  

Những ngày gần kề dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi ngày di tích đón hàng trăm lượt khách. Dưới tán rừng Mường Phăng, những đoàn người nối nhau men theo con đường mòn lát đá, tiến sâu vào khu rừng huyền thoại “rừng Đại tướng”. Khi đến thăm di tích, du khách người Việt và cả người nước ngoài, người lần đầu hay đã nhiều lần đến đều có những cảm xúc, nỗi niềm riêng. 

Ông Lê Văn Thiềng, Chủ tịch Hội CCB huyện Hưng Hà xúc động chia sẻ: Chân đi tới tận nơi, tai nghe hướng dẫn, mắt thấy tường tận cơ quan “đầu não” chỉ huy chiến dịch thấy bồi hồi, cảm phục, tự hào với truyền thống yêu nước, chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông đã làm lên “thiên sử vàng”. Chúng tôi nguyện phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, tiếp tục góp công góp sức xây dựng quê hương, đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. 

Cụm tượng đài Chiến thắng Mường Phăng khẳng định quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. 

Lần đầu tiên đến Việt Nam, song bà Dominiques, người Pháp đã cùng chồng thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Bà Dominiques cho biết: Chúng tôi luôn tâm niệm có điều kiện sẽ đến Điện Biên (Việt Nam) thăm nơi bố tôi đã từng tham gia chiến đấu cách đây 70 năm. Vợ chồng tôi đã đi hầu hết các di tích, qua nghe thuyết minh, tôi khâm phục tài thao lược quân sự, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lựa chọn địa điểm xây dựng căn cứ chỉ huy chiến dịch rất thông minh, tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Việt Nam. Chính điều đó đã khiến một đất nước nhỏ bé, vũ khí thô sơ chiến thắng cả một đội quân tinh nhuệ có vũ khí quân sự tối tân hỗ trợ. Tôi mong Việt Nam và Pháp nâng quan hệ ngoại giao lên tầm cao mới để hỗ trợ nhau cùng phát triển. 

Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

“Vinh quang thay đất Mường Phăng/Có hầm Đại tướng, có rừng chỉ huy” - di tích lịch sử Mường Phăng sẽ mãi mãi trường tồn bất biến trước thời gian, là điểm đến để mỗi người có cái nhìn khái quát, chân thực, khách quan về sức mạnh của một dân tộc, chiến thắng không phải ở vũ khí, trang thiết bị hiện đại hay ở lô cốt vững chắc mà đó là nghệ thuật chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân, sức mạnh của tinh thần yêu nước, của những người chính nghĩa yêu chuộng hòa bình. Nơi đây sẽ mãi mãi là biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ quân sự và khí phách anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. 


Nhóm phóng viên