Thứ 6, 22/11/2024, 05:00[GMT+7]

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Điểm đến ý nghĩa

Thứ 2, 06/05/2024 | 09:36:59
3,064 lượt xem
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nơi tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - một trong những điểm đến vô cùng ý nghĩa, hấp dẫn du khách trong những ngày tháng 5 cả nước hướng về Điện Biên.

Du khách tham quan bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên trục đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng được khánh thành và đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Bảo tàng được thiết kế dạng hình nón cụt, phần trang trí xung quanh được tạo hình quả trám tượng trưng cho chiếc mũ của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi. Phần trưng bày được bố trí ở tầng nổi với hàng nghìn tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản đồ..., khái quát sinh động, sắc nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta suốt chặng đường 9 năm trường kỳ, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. 

Bảo tàng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.  

Điểm nhấn của Bảo tàng là bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ được gần 200 họa sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, chuyên gia kỹ thuật... tạo thành. Bức tranh có trên 4.500 nhân vật và phong cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần mô hình đắp nổi. Tất cả được xâu chuỗi, kết nối tạo nên bức tranh toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, gây ấn tượng mạnh mẽ tới người xem. Bức tranh được bố cục theo 4 trường đoạn, gồm: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”, kết hợp với âm nhạc hùng tráng. Đây là bức tranh tròn lớn nhất Đông Nam Á, là một trong những tác phẩm mỹ thuật lớn nhất về đề tài chiến tranh trên thế giới. Năm 2021, bức tranh hoàn thiện, đưa vào phục vụ công chúng, lượng khách tới thăm Bảo tàng đã tăng gấp đôi. Bức tranh không chỉ mang giá trị về lịch sử, là thông điệp về khát vọng hòa bình mà còn là nguồn tư liệu quý, góp phần bảo tồn, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ mai sau. 

Tự hào về chiến thắng lừng lẫy, thấm thía những mất mát, hy sinh của thế hệ cha ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ là cảm nhận chung của mỗi người dân đất Việt khi tới Bảo tàng. Khi nghe thuyết minh viên kể câu chuyện tấm gương anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo, lá thư Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng có con là liệt sĩ..., những giọt nước mắt đã tuôn rơi trên khuôn mặt xúc động của nhiều người. 

Chân dung di ảnh của 26 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bà Nghiêm Thị Vân, huyện Kim Bảng (Hà Nam) chia sẻ: Các hiện vật trưng bày đều được đặt trong tủ kính, có bệ đỡ phủ nhung đỏ với hệ thống chiếu sáng, có chú thích đầy đủ các thông tin một cách ngắn gọn, súc tích, còn có một khối ảnh tư liệu hết sức đa dạng. Khi xem và nghe thuyết minh, tôi cảm tưởng như đang hòa mình, chứng kiến trước mắt những năm tháng chiến đấu gian khổ, cam go mà hào hùng của ông cha ta, giúp tôi trân trọng hơn giá trị của hòa bình hôm nay, thêm cảm phục, ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho đất nước được “nở hoa độc lập, kết trái tự do”. 

Cũng như bà Vân, ông Nguyễn Bá Lực, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) say sưa dõi theo từng trường đoạn của bức tranh Panorama, những hiện vật trong các gian trưng bày. Ông Lực cho biết: Đây là lần thứ hai tôi tới Điện Biên, địa điểm tôi đến đầu tiên luôn là bảo tàng. Bảo tàng giờ có thêm nhiều hiện vật, kỷ vật quý, ý nghĩa, được bố trí khoa học, đẹp hơn trước, đặc biệt là có thêm bức tranh hình tròn Panorama. Ngắm nhìn bức tranh với những hình ảnh sống động, kết hợp âm thanh, ánh sáng, tôi như được sống trong chính thời khắc lịch sử 70 năm về trước, khi quân và dân ta làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, từ đó thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. 

Những ngày tháng 5, từ sáng tới tối rất đông cựu chiến binh và người dân cả nước, du khách quốc tế đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày cao điểm đón hàng nghìn lượt khách. 

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Bình quân Bảo tàng đón trên 100.000 lượt khách/năm, nhưng từ khi có bức tranh Paranoma, đặc biệt năm nay là năm du lịch quốc gia và lễ hội hoa ban Điện Biên, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lượng khách tham quan tăng đột biến. Để bảo đảm công tác phục vụ khách tham quan được chu đáo, hiệu quả và an toàn, đơn vị đã huy động tối đa viên chức, người lao động sẵn sàng tăng ca, tăng giờ, tăng cường lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên, mở cửa một số ngày tới 21 giờ nhằm đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách; thực hiện tốt công tác phân luồng tránh tình trạng khách tập trung quá đông tại một điểm. Đơn vị cũng sưu tầm, trưng bày, bổ sung các tài liệu, hiện vật tiêu biểu; quan tâm chỉnh trang cảnh quan để có một không gian đẹp, hấp dẫn du khách đến với Bảo tàng. Tổ chức và phối hợp với các bảo tàng trong cả nước tổ chức các triển lãm giới thiệu về sự đóng góp của quân và dân cả nước để nhân dân, du khách hiểu rõ chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Đơn vị cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng quản lý, tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu thông tin với nhiều thứ tiếng bằng quét mã QR. 

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa người xem trở lại “chảo lửa” Điện Biên năm xưa để thêm khâm phục, tự hào về trí tuệ, sức mạnh của quân và dân ta, cùng nhau đoàn kết viết nên khúc khải hoàn “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” - chiến thắng mang tầm vóc thời đại.

Gian trưng bày tái hiện hoạt động y tế trong chiến dịch Điện Biên Phủ.




Nhóm phóng viên