“Bùng nổ” cơ hội việc làm cho người lao động
Những năm về trước, để làm công nhân giày da, chị Đỗ Thị Tấm ở xã Bình Thanh (Kiến Xương) phải lặn lội vào tận tỉnh Đồng Nai để làm việc tại một khu công nghiệp. Bấy giờ, công nghiệp ở Thái Bình chưa phát triển, các doanh nghiệp, nhà máy lớn còn ít nên không có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, kinh tế phát triển mạnh, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào Thái Bình, tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm cho người lao động. Không chỉ ở thành phố hay các khu, cụm công nghiệp mà nhiều doanh nghiệp đã đặt xưởng sản xuất ngay ở các xã vùng xa, tạo ra rất nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Sau nhiều năm xa nhà, giờ đây chị Tấm đã có thể làm công nhân trong ngành may mặc ngay chính tại mảnh đất quê hương mà không cần phải đi xa.
Hay như chị Vũ Thị Duyền ở xã An Thanh (Quỳnh Phụ), chưa khi nào chị thấy có nhiều cơ hội việc làm như thời điểm này. Ngay ở địa phương của chị và các xã lân cận, hiện nay có rất nhiều nhà máy mọc lên, tạo ra việc làm cho bà con ở nông thôn, người lao động có thể thoải mái lựa chọn công việc phù hợp với nhu cầu và năng lực của bản thân. Riêng huyện Quỳnh Phụ lại có chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác về chương trình lao động làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc nên chị đã chọn công việc này để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Chị Tạ Phương Nga, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Sao Vàng (cụm công nghiệp Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ) cho biết: Công ty đã nỗ lực thông tin tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau nhưng việc tìm được nhân sự vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng. Thời gian qua, Công ty thường xuyên trong tình trạng thiếu lao động. Hiện Công ty đã đưa ra nhiều phần thưởng hấp dẫn để khuyến khích người lao động đến làm việc như hỗ trợ tiền trong tháng đầu tiên đi làm hay công nhân có kinh nghiệm, công nhân ở xa cũng được hỗ trợ tiền.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên về sản xuất hàng may mặc tại huyện Vũ Thư chia sẻ: Ngay sau tết Nguyên đán, chúng tôi đã ký hợp đồng cung ứng đơn hàng cho một đối tác ở nước ngoài đến tận cuối năm nay, vì vậy hiện nay chúng tôi đang rất cần lao động để duy trì và đẩy nhanh sản xuất. Công ty đang đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh địa phương và các nền tảng mạng xã hội về nhu cầu lao động. Mặc dù vậy, theo vị đại diện doanh nghiệp này, việc tuyển dụng đủ số lượng lao động cũng không đơn giản chút nào bởi người lao động hiện nay có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc.
Sản xuất tại Công ty TNHH Thanh Hương (xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương).
Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình những ngày này, chúng tôi chứng kiến không khí tấp nập của những nhà tuyển dụng cũng như người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã có người đại diện từ sáng sớm với mong muốn tìm được nguồn lao động như nhu cầu tuyển dụng.
Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình cho biết: Nhiều doanh nghiệp đang thực sự “khát” lao động, nhất là các nhóm ngành nghề như may mặc, giày da, công nghệ điện tử, cơ khí. Điều đó cho thấy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đồng thời mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
“Bùng nổ” cơ hội việc làm - đó là nhận định của ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khi đánh giá về thị trường lao động những tháng đầu năm 2024. Theo ông Thắng, sau một thời gian tương đối dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì thời gian qua, nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tăng trưởng mạnh. Trên địa bàn tỉnh, việc thu hút các nhà đầu tư lớn vào các khu, cụm công nghiệp tiếp tục diễn ra đã tạo ra hàng chục nghìn cơ hội việc làm không chỉ cho người lao động trong tỉnh mà còn cả lao động tỉnh ngoài.
Ông Thắng cho biết: Hiện nay, dân số của tỉnh Thái Bình khoảng trên 1,9 triệu người; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khoảng 1,2 triệu người. Trên địa bàn tỉnh có 1 khu kinh tế, 10 khu công nghiệp, 50 cụm công nghiệp với 11.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; ngoài ra còn khoảng 200 xã nghề và làng nghề thu hút trên 720.000 lao động. Bình quân hàng năm, tỉnh tạo việc làm mới cho trên 34.000 lao động. Năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng khoảng 12.000 lao động. Cả giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu này dự báo là trên 78.000 lao động và dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tăng lên trên 82.000 lao động.
Nhiều cơ hội việc làm là tín hiệu tích cực của nền kinh tế, cho thấy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Các xã nghề, làng nghề vẫn duy trì và sản xuất hiệu quả đã mở ra nhiều cơ hội để người lao động lựa chọn công việc phù hợp, từ đó có thêm thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Duy Tùng
Tin cùng chuyên mục
- Niềm vui từ “mái ấm công đoàn” 17.11.2024 | 08:32 AM
- Tiền Hải: Thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hongxi Technology Việt Nam 10.07.2024 | 15:36 PM
- Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải: Phát động tháng công nhân năm 2024 10.05.2024 | 17:05 PM
- Quỳnh Phụ: Phát động tháng công nhân năm 2024 26.04.2024 | 18:24 PM
- Công đoàn Thái Bình: Tích cực đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích đoàn viên, người lao động 14.02.2024 | 10:20 AM
- Trên 300 người đăng ký tham gia chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc 02.01.2024 | 17:51 PM
- Thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị tai nạn lao động tại Thái Thụy 13.12.2023 | 19:54 PM
- Kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố vụ tai nạn lao động tại thị trấn Diêm Điền 12.12.2023 | 20:39 PM
- Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII 02.12.2023 | 17:08 PM
- Thông báo tuyển dụng 21.11.2023 | 10:44 AM
Xem tin theo ngày
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII