Bái đức khai cơ
Sử cũ chép: “Triệu Vũ Đế được vua nhà Hán giao cho một chiếc búa sắt “Thiết Việt”, giao cho cai quản địa phận Giao Châu, lỵ sở đóng ở Quảng Đông sau đó đi tuần hành, xem xét công việc của bộ thuộc các nơi, đến xã Đường Thâm, Đế lấy con gái nhà họ Trình làm vợ. Khi Đế chết dân lập đền thờ, chiếc búa sắt cũng được thờ ở đấy”.
Theo các tài liệu khảo cứu, ở làng Đồng Xâm có một ngôi đền cổ, nơi thờ Triệu Đà. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng, Triệu Đà là người xưng Nam Việt Đế, lập nên nước Nam Việt huy hoàng trong sử Việt. Tương truyền, làng Đường Thâm (sau đổi thành Đồng Xâm) là quê vợ của Triệu Vũ Đế, bà Trình Thị Hoàng hậu, thôn nữ xinh đẹp của Đường Thâm. Truyền ngôn rằng, bản ấp xưa có người con gái họ Trình tên gọi là Lan Nương nhan sắc chim sa, cá lặn. Một ngày Triệu Đà đi tuần thú phương Nam vừa gặp Nương đã đem lòng yêu say đắm bèn xin Trình Công cưới làm vợ, Trình Công thuận cho. Về sau, Triệu Đà làm vua, phong Trình Lan Nương làm hoàng hậu. Nhiều công trình đền, miếu đều do Trình Lan Nương gia công tu bổ, bà còn để lại nhiều ruộng đất cho dân lo việc hương đèn, sửa chữa đền miếu. Hoàng hậu qua đời, dân làng lập miếu thờ.
Nhiều tài liệu khảo cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và theo sách “Kiến Xương xưa và nay” cho thấy, làng Đồng Xâm (có tài liệu ghi là Sâm) xưa còn gọi là Đường Thâm, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Đất làng Đường Thâm đã có hơn 2.000 năm lịch sử, xã Đường Thâm xưa là một hòn đảo nổi lên trên mặt biển (đảo nhỏ có tên là đảo Vông, nay vẫn còn dấu tích tên chợ Vông, sông Vông). Những địa danh trên gợi cho các nhà nghiên cứu suy xét về mối tương quan dữ liệu lịch sử với cuộc khởi nghĩa của Triệu Đà trên đất Bái (sau phiên nghĩa là Thái Bình), những địa danh ở đây có thể được hiểu nghĩa như chữ “Kiến Xương”, theo chiết tự chữ Nho “Kiến” là tạo lập nền tảng, “Xương” là vinh hoa. Theo cách hiểu này, Kiến Xương đồng nghĩa tương ứng với “khai cơ”, điều được khắc ghi tại các văn tự cổ về Triệu Vũ Đế ở đền Đồng Xâm, các văn tự này đều nhắc tới “Đức Khai Cơ”. Thông qua dịch các văn tự cổ, hậu thế hiểu tiền nhân muốn nhắc tới “công nghiệp” của Triệu Vũ Đế, người đã gây dựng nền tảng quốc gia Nam Việt vững chắc. Giới nghiên cứu sử học cũng đề cập đến hai từ “Chân Định”. Theo các tài liệu khảo cứu, Chân Định là tên quê của Triệu Đà theo nhiều tài liệu cổ sử ghi chép. Các nghiên cứu đồng thuận là Triệu Đà là người Việt, bởi “Chân Định” là địa danh thời Tần ở Nam Việt, đất Hà Bắc của Trung Quốc không có tài liệu sử học nào ghi. Đồng nghĩa với việc các sách cổ khẳng định tỉnh Hà Bắc, Trung Hoa không có tên huyện Chân Định.
Còn địa danh Thái Bình, các nghiên cứu khảo tả cho rằng, Thái Bình là chữ ghi phiên thiết của âm Bái. “Bái” cũng là nơi Lý Nam Đế (Lý Bí) dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Lương. Hiện tại, ở Thái Bình còn rất nhiều di tích liên quan đến Lý Nam Đế, như làng Cổ Trai, xã Hồng Minh (Hưng Hà); làng An Để, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư); chùa Hưng Quốc, xã Thụy Hải, làng An Cố, xã An Tân (Thái Thụy)... Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa ở đất Bái (Thái Bình), địa danh được các nhà nghiên cứu sử học cho rằng chính là Bái Công Lưu Bang, người đã lãnh đạo nhân dân đất Bái khởi đầu cuộc khởi nghĩa kháng Tần thắng lợi trong lịch sử.
Các tài liệu nghiên cứu về Hoàng hậu Trình Thị ở Đồng Xâm và các đền miếu thờ bà, trong đó các địa danh “đảo Vông, sông Vông” được cho là từ tên gọi nơi có nhiều cây Vông, mà chiết tự chữ Hán ghi là Đồng, sau đọc chệch thành Đồng Xâm. Một số tài liệu khảo cứu cho rằng, vào thế kỷ I (trước Công nguyên), ở vùng cửa sông Trà Lý (Bạch Lãng) có một doi đất nhô lên như hòn đảo, dân gian gọi là Vông. Nghiên cứu sau này cho biết, chữ Vông chính xác hơn phải là “vồng” hay “giồng”, chỉ giồng đất nổi ở nơi cửa sông.
Làng Đồng Xâm (có tài liệu ghi Đồng Sâm) cũng không sai “chính tả” bởi theo nghiên cứu, chữ Nho (Hán) có nghĩa là “cây vông quý”. Nhiều học giả Hán Nôm không đồng tình với cách gọi “Sâm” và phiên nghĩa trên bởi nghĩa của tên địa danh “Đồng Sâm” dịch ra rất tối ý. Một nghiên cứu khác cho rằng “Đồng Sâm” thực ra là tên ghi phiên thiết của từ nôm là Đầm. Vùng đất này thời xưa từng là cửa sông, có lẽ là một khu vực đầm phá rộng, có hòn đảo nhô lên ở giữa.
Đương thời, cố dịch giả Vũ Đình Ngạn (quê xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương) có cho tôi xem câu đối tối cổ ở đền Đồng Xâm: “Viêm Giao sáng thủy dư đồ, bảo long phụ tiên mẫu chi tử tôn, đồng đại Hán thời song đế quốc/Thích lý ngật thành cung khuyết, tụy Trà hải Đồng giang chi linh tú, diệc Phan Ngung ngoại nhất thần kinh”. Theo bản dịch của cụ, ta hiểu như sau: “Khởi sáng cơ đồ chốn Viêm Giao, cha Rồng mẹ Tiên che chở cháu con, ngang thời nhà Hán hai đế quốc/Lập nên cung quán nơi quê ngoại, sông Vông biển Trà tụ họp linh tú, cùng ngoài Phiên Ngung một kinh thành”. Cố dịch giả cho biết thêm, tên gọi trước đây của làng Đồng Xâm là Đường Thâm, đọc phiên thiết theo Hán tự là chữ Đầm. Điều này xác nhận thêm khả năng tên gọi Nôm của vùng này thời kỳ trước là xứ Đầm.
Mở rộng địa bàn nghiên cứu, cách làng Đồng Xâm không xa là đình Luật Ngoại thuộc xã Quang Lịch (Kiến Xương). Trong ngôi đình cổ này có đôi câu đối: “Thu nguyệt kỷ thương tang Nam Việt, Bắc Lương thiên cổ sự/Bài giang dư tố tiết tiền Trưng hậu Triệu nhất lưu nhân”. Cũng bản dịch do cố dịch giả Vũ Đình Ngạn, cho biết: “Trăng thu trải cuộc bể dâu, phía Nam nước Việt, phía Bắc giặc Lương, ghi ngàn đời sử/Sông Bài nổi gương tiết nghĩa, trước Bà Trưng sau Bà Triệu, cùng một bậc người”. Sông Bài ở Luật Ngoại có liên quan mật thiết gì tới đất Bái (Đường Thâm), câu trả lời vẫn còn để ngỏ? Sự thật, Triệu Đà lấy vợ là Trình Thị Hoàng hậu, quê làng Đường Thâm, thuộc đất Bái (Thái Bình). Tại đây, Triệu Đà dựng cờ khởi binh chống nhà Tần - Hán từ vùng đầm nước Vông (Đường Thâm), thành khai cơ, kiến quốc Nam Việt. Sau này, Bái Công Lưu Bang, còn gọi là Lý Bôn (hay Lý Bí), người đất Bái (Thái Bình) cũng khởi binh chống giặc Lương xâm lấn bờ cõi Vạn Xuân.
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam