Thứ 6, 22/11/2024, 11:27[GMT+7]

Đặc sắc lễ hội đền Đồng Bằng

Thứ 2, 09/10/2017 | 09:06:00
6,489 lượt xem

Thái Bình, mảnh đất đậm đà màu sắc văn hóa dân gian, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống được hun đúc qua bao đời. Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, mảnh đất ấy đã kết tụ nên những giá trị tinh hoa văn hóa riêng mà không bị trộn lẫn với bất kỳ miền quê nào khác. Những nét văn hóa đặc sắc được thể hiện rõ nét qua các lễ hội dân gian phong phú và đa dạng. Nhắc đến các lễ hội tiêu biểu của Thái Bình không thể không nhắc đến lễ hội đền Đồng Bằng: “Dù ai buôn xa bán xa/22 tháng 8 giỗ cha thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/22 tháng 8 thì về Đào Thôn”.

Cách thành phố Thái Bình 20km theo quốc lộ 10 đi Hải Phòng, về phía Đông Bắc, qua cầu Vật rẽ trái khoảng 300m, tại nơi đây có một ngôi đền tọa lạc, hướng chính quay về phía dòng sông cổ Mai Diêm được gọi là đền Đồng Bằng. Đền Đồng Bằng có 3 tên gọi gồm đền Đồng Bằng, đền Đức Vua, đền Vua Cha Bát Hải. Đền nằm trên địa phận thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, xưa là Hoa Đào trang, trấn Sơn Nam, sau gọi là trang Động Đào, từ thời Lý về sau gọi là trang Đào Động. Ðịa danh Ðào Ðộng đã đi vào câu phương ngôn: “Ðào Ðộng, Lộng Khê, Tô Ðê, A Sào, Phụ Phượng tứ cố cảnh” hoặc “Ðào Ðộng, Lộng Khê, Tô Ðê, A Sào, Lý triều tứ cố cảnh”.

Các bô lão cử hành lễ chính tại lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng.

Đền Đồng Bằng là nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình tức Vĩnh Công Đại Vương, người có công lớn trong việc bình Thục giữ nước và chiêu dân lập ấp, gây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai. Đền có sắc phong Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần. Từ cuối thế kỷ XIII còn là nơi tưởng nhớ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng, hoàng thân nhà Trần có công lớn trong ba lần đại phá quân Nguyên - Mông và lập nên 8 trang Đào Động xưa.

Hoạt động bơi chải trong lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng.

Ban đầu, đền Đồng Bằng chỉ là một ngôi miếu nhỏ nằm trong cảnh quan sông nước hữu tình của đất Đa Dực xưa, tới thời tiền Lê đền được xây dựng, mở rộng khang trang. Trải qua thăng trầm của lịch sử, giặc dã tàn phá song đến nay đền vẫn giữ được nét xưa. Quần thể di tích đền Đồng Bằng gồm 1 đền chính (đền Đức Vua) và 5 đền nhỏ: đền Sinh, đền quan Đệ Nhị, đền quan Đệ Tam, đền quan Điều, đền quan Đệ Bát trong khuôn viên rộng 11.000m². Nói về kiến trúc, đền Đồng Bằng là ngôi đền lớn nhất, nằm ở trung tâm trong quần thể di tích tại xã An Lễ, có thể ví như một bảo tàng mỹ thuật về đồ gỗ. Toàn bộ khu đền rộng với tầng tầng lớp lớp các cung cửa với 13 tòa, 66 gian liên hoàn khép kín rất nguy nga. Các mảng kiến trúc của đền rất mềm mại, hài hòa với các nét trạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thiếp vàng với các chủ đề về tứ quý, quý linh, hiện thực thiên nhiên vừa thần thoại mà cũng rất sống động và đời thường. Cổng đền cũng là một công trình kiến trúc theo kiểu vọng lâu tam tòa đời Nguyễn. Bước qua cổng tam quan là sân chính nội tự, đây là nơi tổ chức đại lễ tế công đồng trong những ngày lễ trọng, cũng là nơi tổ chức các chiếu chèo trong lễ hội xưa.

Nhân dân nô nức trảy hội.

Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ vào tháng 8 âm lịch, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng thành kính, tri ân các bậc tiền nhân, lễ hội đền Đồng Bằng lại được địa phương tổ chức theo nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự. Trong lễ hội, bên cạnh phần lễ gửi gắm nhiều tư tưởng nhân văn, nhắc nhớ nhân dân về công lao của các bậc anh hùng, giúp con người nhớ về nguồn cội, cùng nhau hướng tới chân, thiện, mỹ thì phần hội lại được thể hiện khá sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc mang những nét đặc trưng, tiêu biểu của dấu ấn văn hóa lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng. Tiêu biểu cho những trò chơi dân gian tại lễ hội đền Đồng Bằng là bơi chải. Sau ngày khai hội 20/8 âm lịch, bước sang ngày 21/8, dân làng tiến hành rước bài vị các thần ra đình. Đám rước long trọng, thể hiện sự tôn kính với thần linh. Khi bài vị các thần đã được bày lên hương án, việc cúng lễ được bắt đầu. Nhân dân quan niệm nếu làm như vậy đức Vua Cha cùng các vị thần sẽ về ngự để xem làng đua thuyền. Hội bơi kéo dài nhiều ngày cho đến khi làng cất chải và trao thưởng cho người thắng cuộc. Ngoài bơi chải, tham gia lễ hội đền Đồng Bằng, du khách thập phương còn được tham gia nhiều hoạt động mang tính truyền thống khác như vật đô, kéo co, cờ tướng, diễn xướng, chọi gà, xem múa lân và nghe hát chèo, lễ rước bài vị các quan tại đền Quan trong quần thể di tích về đền Vua Cha trong tiệc vua.

Đặc biệt, khi nhắc đến lễ hội đền Đồng Bằng không thể không nhắc tới tục hầu bóng, hát văn. Vốn từ lâu đền Đồng Bằng đã được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng của người Việt. Với tâm thức dân gian “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, đền Phủ Giầy (Nam Định) nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và đền Đồng Bằng (Thái Bình), nơi thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình là nơi thu hút rất đông con nhang đệ tử thập phương về chầu, không chỉ vào những ngày hội hay ngày tuần, ngày tết mà quanh năm suốt tháng, hình thành nên hai trung tâm hầu bóng, hát văn lớn của vùng châu thổ Bắc Bộ. Các ban thờ ở đền Ðồng Bằng được bài trí, sắp xếp đủ để đáp ứng cho các đồng cô, đồng cậu và lực lượng cung văn phục vụ 36 giá theo yêu cầu. Lối hát văn của Ðồng Bằng theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian là chịu nhiều ảnh hưởng sâu đậm nghệ thuật chèo với các kiểu xuyên tâm, lơi nhịp, đảo phách, bẻ làn, nắn điệu.

Thi đấu bóng chuyền trong lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa còn lưu giữ, năm 1986, đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia; tháng 9 năm 2016, lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Đồng Bằng, ngoài vẻ đẹp về kiến trúc còn là nơi lưu giữ những những giá trị văn hóa tiêu biểu cho vẻ đẹp tâm hồn người Việt. Là kho tàng văn hóa dân gian quý giá được lưu giữ và bảo tồn thông qua nghi thức tổ chức lễ hội truyền thống. Từ lễ hội đền Đồng Bằng đã phản chiếu vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, cho chúng ta thêm trân trọng và ngưỡng mộ cũng như có ý thức giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc mà cha ông đã dày công vun đắp tự bao đời.




Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức

Cùng với lễ hội truyền thống đền A Sào, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng đã khẳng định và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hiến, văn hóa của nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng tạo dựng nên phẩm chất con người cùng bản sắc văn hóa được hun đúc hàng trăm năm trên mảnh đất Quỳnh Phụ. Những đặc sắc trong lễ hội đền Đồng Bằng cùng các trò chơi, trò diễn dân gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú, đồng thời góp phần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển những thành tựu rực rỡ của nền văn minh lúa nước đã có lịch sử hàng nghìn năm trên đất Thái Bình.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Thông qua lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng, các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, lành mạnh được tổ chức nhằm giữ gìn, phát triển văn hóa tâm linh gắn với du lịch, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp.

Ông Đinh Văn Thuẫn, Chủ tịch UBND xã An Lễ, Trưởng ban tổ chức lễ hội truyền thống đền  Đồng Bằng năm 2017

Với những giá trị to lớn về văn hóa tâm linh, lễ hội đền Đồng Bằng được đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng là vinh dự lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm bảo tồn, giữ vững và phát huy những giá trị vật chất, tinh thần của lễ hội, tăng cường quảng bá du lịch văn hóa tâm linh để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.


Thảo Tiên - Trịnh Cường