Thứ 7, 05/10/2024, 06:23[GMT+7]

Thái Thụy: Cơ sở chế biến thủy sản chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ 6, 31/05/2024 | 15:53:14
2,344 lượt xem
Hiện nay, huyện Thái Thụy đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản (CBTS) góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhằm nâng cao giá trị thủy sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, huyện triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong lĩnh vực thủy sản nói chung, CBTS nói riêng.

100% các hộ kinh doanh chế biến thủy sản xã Thụy Hải đã ký cam kết bảo đảm ATVSTP.

Cơ sở chế biến nước mắm của gia đình ông Đỗ Hữu Múng, tổ 8 (thị trấn Diêm Điền) hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công truyền thống. Bên cạnh việc duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Múng luôn chú trọng sản xuất sạch, bảo đảm ATVSTP để giữ vững thương hiệu nước mắm của gia đình. 

Ông Múng cho biết: Trong quá trình sản xuất, khu ủ chợp và khu bảo quản, khu chiết nước mắm, khu đóng chai có khoảng cách để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Các dụng cụ sản xuất đều được che đậy kín đáo để tránh côn trùng, sau khi sản xuất, chế biến đều được vệ sinh kỹ càng. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với ATVSTP nên sản phẩm nước mắm của tôi được người dân lựa chọn và tin tưởng dùng. Hiện tại, tôi bán ra thị trường trên 3.000 lít nước mắm/năm, giá bán 50.000- 240.000/lít.

Cũng như nhiều cơ sở CBTS trên địa bàn thị trấn Diêm Điền, cơ sở chế biến hải sản Thế Long, khu 3 (thị trấn Diêm Điền) luôn chú trọng vấn đề ATVSTP, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cơ sở chế biến hải sản Thế Long luôn chú trọng vấn đề ATVSTP. 

Bà Tạ Thị Sáu, chủ cơ sở chế biến hải sản Thế Long cho biết: Cơ sở của tôi được thành lập từ tháng 8/2008, chủ yếu sản xuất sứa ăn liền đóng túi Long Hải. Vì mùa đánh bắt sứa chỉ từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, nên cơ sở phải đầu tư hệ thống thiết bị, làm bể chứa sứa ướp muối quy mô lớn. Quy trình chế biến sứa ăn liền bao gồm nhiều công đoạn như lựa chọn và sơ chế nguyên liệu, rửa, ngâm muối, ngâm gia vị, đóng gói, hút chân không và bảo quản lạnh. Bất cứ công đoạn sản xuất nào tôi cũng chú ý thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm ATVSTP. Tôi thấy giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP như tấm vé thông hành đối với cơ sở, tạo niềm tin cho khách hàng và người dân về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Hiện tại, cơ sở có 3 kho lạnh bảo quản và cấp đông, thu mua khoảng 150-170 tấn sứa tươi/năm, tổng doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm 7 lao động địa phương với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm sứa ăn liền Long Hải ghi rõ thành phần, cách sử dụng, cách bảo quản, ngày sản xuất và hạn sử dụng. 

Thị trấn Diêm Điền có 48 hộ đã đăng ký kinh doanh CBTS. Ông Phạm Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền thông tin: Thời gian gần đây nhiều cơ sở CBTS đã đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản phẩm, chú trọng đến hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng như đăng ký bảo hộ chất lượng cho thương hiệu sản phẩm. Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, địa phương đã tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh CBTS tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP; tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, không sử dụng các phụ gia cấm, chất cấm trong sản phẩm; yêu cầu tất cả các cơ sở ký cam kết bảo vệ môi trường, bảo đảm tất cả các chất thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định.

Cùng với các địa phương, xã Thụy Hải quan tâm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm ATVSTP trong CBTS. Phát huy tiềm năng xã ven biển, Thụy Hải có trên 30 cơ sở CBTS. 

Ông Tạ Duy Bình, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết: Địa phương đã giao nhiệm vụ cho trạm y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, CBTS định kỳ 1 quý/1lần; tuyên truyền các cơ sở chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến; người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh CBTS phải khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 năm/1lần, sử dụng bảo hộ lao động; 100% các hộ kinh doanh CBTS đã ký cam kết bảo đảm ATVSTP.

Hàng năm, huyện Thái Thụy có sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ trên 11.000 tấn, sản lượng NTTS nước ngọt 10.000 tấn, sản lượng khai thác thủy sản 60.000 tấn, đây chính là nguồn nguyên liệu cung cấp cho trên 150 doanh nghiệp và cơ sở CBTS đang hoạt động tại các địa phương.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm cho biết: Phát triển nghề CBTS theo hướng an toàn thực phẩm huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của các cơ sở CBTS; xử lý nghiêm các trường hợp không bảo đảm vệ sinh môi trường; kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình chế biến… Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã thành lập 37 đoàn kiểm tra tuyến huyện và tuyến xã; kiểm tra liên ngành 13 cơ sở và ở 36 xã, thị trấn đã thành lập các đoàn kiểm tra trên 1.000 cơ sở (trong đó đã kiểm tra trên 100 cơ sở CBTS). Qua kiểm tra, việc bảo đảm ATVSTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, cơ sở CBTS… trên địa bàn được chấp hành tốt. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong CBTS, huyện đã khuyến khích các cơ sở chế biến và doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc trong khâu chế biến, đóng gói các sản phẩm để vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng vừa bảo đảm chất lượng ATVSTP, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thuỷ sản chủ lực đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Trong thời gian tới, huyện triển khai các lớp tập huấn về phổ biến kiến thức ATVSTP; giám sát chủ các cơ sở thu mua, CBTS chấp hành nghiêm quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, CBTS xây dựng tiêu chuẩn và công bố chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn mác hàng hóa sản phẩm theo quy định.

Nguyễn Thắm