Thứ 2, 01/07/2024, 06:18[GMT+7]

Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Chủ nhật, 30/06/2024 | 22:37:41
444 lượt xem
Chi bộ Thư Vũ, tiền thân của Đảng bộ huyện Vũ Thư ngày nay được thành lập tháng 7/1929, là 1 trong 6 chi bộ đảng ra đời sớm nhất của tỉnh. Gắn liền với sự ra đời của Chi bộ Thư Vũ có vai trò quan trọng, đóng góp lớn của đồng chí Hoàng Kỳ (1896 - 1987), người lãnh đạo tiên phong, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, ưu tú.

Nhà của đồng chí Hoàng Kỳ (xóm Cầu Đá, thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội) được huyện Vũ Thư đầu tư, xây dựng trở thành Nhà lưu niệm Chi bộ Thư Vũ.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, ưu tú 

Sinh ra và lớn lên ở làng Kiều Thần, tổng An Lão (nay là xã Song An), từ nhỏ cậu bé Hoàng Kỳ đã được gia đình cho học chữ Nho. Lớn lên, ông làm nghề dạy học ở quê vợ tại làng Cọi Khê, xã Vũ Hội. Vốn có lòng yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng, mùa thu năm 1927, Giáo Kỳ (tức Hoàng Kỳ) được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại quê nhà An Lão, Hoàng Kỳ tích cực tuyên truyền, tập hợp các thanh niên gan dạ vào tổ chức hội. Tháng 6/1929, Ban Tỉnh ủy do đồng chí Tống Văn Phổ làm Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo việc thành lập chi bộ đảng ở Thư Trì và Vũ Tiên. Đồng chí đã chỉ định Hoàng Kỳ, Hồ Sỹ Kết, Đội Uy chuẩn bị cho việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản. Vào một đêm trung tuần tháng 7/1929, tại nhà của Hoàng Kỳ (thực tế đây là ngôi nhà bố mẹ vợ cho ông Hoàng Kỳ mượn làm nơi dạy học và hoạt động cách mạng) tại xóm Cầu Ðá, Hội Khê (Vũ Hội) đã diễn ra cuộc họp thành lập chi bộ dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tống Văn Phổ. Các thành viên dự họp nhất trí cao việc thành lập chi bộ và đặt tên là Chi bộ Thư Vũ (Thư Trì - Vũ Tiên), chỉ định đồng chí Hoàng Kỳ là Bí thư Chi bộ. Trong năm 1930, có thời điểm đồng chí Hoàng Kỳ còn được tin tưởng giao trọng trách Quyền Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.

Ngày 1/5/1930, đồng chí Hoàng Kỳ lãnh đạo 200 quần chúng bí mật cải trang kéo vào thị xã Thái Bình hưởng ứng cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng, Duyên Hà thì bị địch phát hiện. Chúng bắt giam và tra tấn dã man nhưng đồng chí vượt ngục cùng đồng chí Trần Cung ra Đông Triều tiếp tục hoạt động. Không bắt được ông, địch điên cuồng bắt bớ, đánh đập, tra khảo cụ Hoàng Hạnh - là chú ruột của Hoàng Kỳ và cũng là người nuôi giấu cán bộ cách mạng bí mật của tỉnh nhưng cụ quyết không khai báo nên bị chúng giam cầm 6 tháng. 

Năm 1932, địch lại bắt được Hoàng Kỳ và kết án 20 năm tù đày đi Côn Đảo. Đến năm 1936, do sức ép trên mặt trận ngoại giao, ông được thả tự do. Ra tù, ông nhanh chóng khôi phục, củng cố tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng ở tổng An Lão. Cuối năm 1939, ông cùng với một số chiến sĩ cách mạng lại bị địch bắt, giam cầm ở Bắc Mê, Phú Thọ, Thái Nguyên, bị tra tấn dã man. Tháng 3/1944, ông được thả tự do nhưng bị địch quản thúc. Mặc dù vậy, ông luôn bí mật liên lạc với các tổ chức cộng sản để hoạt động. Tháng 4/1945, ông cùng với 4 đảng viên mới thành lập một chi bộ riêng để lãnh đạo phong trào cách mạng tại An Lão quê ông. 

Tháng 8/1945, đê Mỹ Lộc (xã Việt Hùng) bị vỡ, cả huyện chìm trong nước lũ. Lợi dụng thời điểm đó, bọn thanh niên Đại Việt (tổ chức phản động của phát xít Nhật) len lỏi hoạt động hòng cướp chính quyền huyện. Đồng chí Hoàng Kỳ đã lãnh đạo Chi bộ An Lão và Chi bộ Bình An bí mật thâm nhập để phá vỡ tổ chức này. Sau cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ Thư Trì thành công, ngày 24/8/1945, đảng viên toàn huyện họp tại nhà của đồng chí Hoàng Kỳ (ở tổng An Lão) để triển khai một số công việc khẩn. Hội nghị quyết định thành lập UBND cách mạng lâm thời huyện Thư Trì, phân công đồng chí Hoàng Kỳ làm Chủ tịch. 

Theo yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của tỉnh, năm 1946, đồng chí Hoàng Kỳ chuyển lên công tác tại Mặt trận Việt Minh tỉnh. Năm 1955, ông được giao nhiệm vụ cùng bộ đội ta tiếp quản thành phố Hải Phòng và công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu. 

Ngôi nhà tại Hội Khê (nay là thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội) vừa là nơi dạy học vừa là nơi hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Kỳ. Ảnh tư liệu

Trọn cuộc đời cống hiến cho cách mạng 

Ông Hoàng Trung Thông, 87 tuổi, con trai thứ ba của đồng chí Hoàng Kỳ (hiện đang sinh sống ở thành phố Hải Phòng) không giấu được niềm tự hào và xúc động khi nói đến cha mình. Ông Thông chia sẻ: Những ngày còn bé, được chứng kiến bố tôi hoạt động cách mạng, bị địch bắt bớ, tra tấn nhưng cứ thoát ra được là ông lại chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng. Điều tôi cảm phục, kính trọng và ấn tượng nhất về cha mình là ông luôn giữ vững khí tiết, đạo đức của người chiến sĩ cộng sản. Khi chiến đấu, sẵn sàng xả thân; khi công tác mẫn cán, trách nhiệm; luôn giữ lối sống giản dị, liêm khiết, thanh bạch. Khi gia đình tôi chuyển ra Hải Phòng theo nhiệm vụ của bố, ông đã tặng lại cho nhà nước đất đai, nhà cửa của mình ở quê hương An Lão, nay là xã Song An (Vũ Thư) để chia cho nhân dân, không giữ lại gì cho riêng mình. 

Vợ chồng ông bà Hoàng Kỳ - Nguyễn Thị Thụy có 5 người con. Noi theo gương sáng của cha, các con trai gái, dâu rể của ông bà đều là đảng viên, cán bộ nòng cốt của các cơ quan, đơn vị tại Hải Phòng, Hà Nội và quê hương, trong đó có 1 người là liệt sĩ kháng chiến chống Mỹ. “Tôi vô cùng tự hào về ông ngoại của mình, luôn cố gắng động viên, giáo dục các con, cháu gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình” - ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Kiều Thần, xã Song An, cháu ngoại của đồng chí Hoàng Kỳ bày tỏ. 

Những năm cuối đời, đồng chí Hoàng Kỳ có ước nguyện sinh sống tại quê hương nên được con gái Hoàng Thị Xuyến phụng dưỡng tại gia đình bà ở thôn Kiều Thần, xã Song An. Năm 1987, ông ra đi nhẹ nhàng, thanh thản tại quê nhà ở tuổi 91 sau khi cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân. 

Quỳnh Lưu