Thứ 4, 24/04/2024, 12:02[GMT+7]

Các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh - Mẹ nên làm gì?

Thứ 2, 19/12/2022 | 16:00:24
2,161 lượt xem
Các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh thường xảy ra khi con bước vào một mốc phát triển mới. Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ để có biện pháp cải thiện kịp thời, đảm bảo lượng dinh dưỡng cho trẻ vận động và phát triển.

Trẻ thường từ chối không chịu bú vào những giờ trẻ đang tập lẫy và chơi đùa.

Trẻ biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ đột nhiên bú ít, thời gian mỗi cữ bú ngắn hơn bình thường, hoặc bỏ bữa, ngậm thức ăn, hay quấy khóc khi ăn… Nếu để tình trạng này kéo dài và không được khắc phục nhanh chóng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

1. Tìm hiểu các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh

Dưới đây là 5 mốc biếng ăn sinh lý thường gặp ở trẻ mà phụ huynh cần lưu ý:

1.1 Giai đoạn 3 - 4 tháng tuổi

Biếng ăn sinh lý ở trẻ 3 tháng tuổi là vấn đề phổ biến, do độ tuổi này trẻ bắt đầu tập lật, biết ngẩng đầu, thích thú quan sát môi trường xung quanh. Chưa kể, tròn 4 tháng tuổi mẹ sẽ thấy con ngày càng “mạnh dạn” hơn với nhiều hoạt động tương tác xã hội như biết bập bẹ âm thanh ê a, hay búng tay chân liên tục khi giao tiếp với người đối diện… nên thường lơ là việc bú sữa.

1.2 Giai đoạn 6 tháng tuổi

Đây là thời điểm bé bắt đầu tập ăn dặm, chuyển từ sữa sang thức ăn đặc và làm quen với nhiều loại thực phẩm mới. Điều này vô tình khiến hệ tiêu hóa của trẻ chưa kịp thích nghi, dễ bị khó tiêu, chướng bụng, táo bón… làm con trở nên biếng ăn.

1.3 Giai đoạn 9 - 10 tháng tuổi

Tháng tuổi thứ 9 - 10 là một trong những giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh, xảy ra do lúc này con có nhiều thay đổi về khả năng vận động, cũng như thích chơi đùa và tương tác với mọi người nên dễ mất tập trung khi ăn. Hơn nữa, từ tháng thứ 9 tới tháng thứ 13 là lúc trẻ bắt đầu mọc răng nên các triệu chứng đi kèm như sốt, chảy nước dãi, sưng nướu… sẽ gây cho trẻ cảm giác mệt mỏi và khó chịu, dẫn đến chán ăn.

1.4 Giai đoạn 16 - 18 tháng tuổi

Đến tháng thứ 16 - 18, các kỹ năng leo trèo, chạy, nhảy của trẻ đã phát triển thuần thục hơn. Trẻ có thể tập đi một mình, vừa đi vừa kéo đồ chơi, hoặc tự mình leo ra khỏi cũi để khám phá mọi thứ xung quanh. Do đó, những bữa ăn nếu không được trang trí bắt mắt có thể không còn hấp dẫn và kích thích trẻ như trước nữa.

Trẻ trong giai đoạn 16 - 18 tháng tuổi thường thích thú với việc học hỏi và khám phá nên lơ là với bữa ăn.

1.5 Giai đoạn 2 - 3 tuổi

Nguyên nhân trẻ biếng ăn trong giai đoạn 2 - 3 tuổi là vì lúc này trẻ đã bắt đầu đi nhà trẻ. Việc tiếp xúc với môi trường mới và thay đổi lối sinh hoạt sẽ khiến trẻ thường xuyên cảm thấy lo lắng, bồn chồn dẫn đến biếng ăn. Bên cạnh đó, cách chế biến thức ăn không đa dạng, hấp dẫn, không hợp khẩu vị cũng khiến trẻ chán ăn.

2. Mẹ nên làm gì khi trẻ đang trong giai đoạn biếng ăn sinh lý?

Khi đã nắm được các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh, phụ huynh nên có phương pháp cải thiện phù hợp, bằng cách:

  • Giảm lượng thức ăn ở từng bữa, nhưng tăng số bữa trong ngày để trẻ không bị quá no nhưng vẫn đảm bảo hấp thu đầy đủ dưỡng chất.
  • Bổ sung thêm sữa và các bữa ăn phụ như sữa chua, phô mai, trái cây… để cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết, nếu trẻ không ăn nhiều trong bữa chính. Khi chọn sữa cho bé, mẹ nên ưu tiên loại sữa có đạm mềm, nhỏ, dễ tiêu hóa cùng hương vị sữa thanh nhạt tự nhiên để bảo vệ hệ tiêu hóa non yếu và giúp con uống sữa ngon miệng hơn.
  • Ưu tiên chế biến món ăn lỏng, mềm, không quá dai… khi con đang trong giai đoạn mọc răng.
  • Trang trí món ăn nhiều màu sắc, bắt mắt để trẻ có hứng thú và tăng cảm giác thèm ăn.
  • Tập cho trẻ ngồi ăn chung với gia đình, nhưng trong bữa ăn cần lưu ý không cho trẻ xem TV, điện thoại, đồ chơi… trong khi ăn vì dễ khiến con xao nhãng.

Để tạo không khí bữa ăn vui vẻ, mẹ nên trò chuyện, khen ngợi khi trẻ ăn giỏi, tránh dọa nạt hay quát mắng ép trẻ ăn.

Có thể nói, để “vượt qua” các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh không hề đơn giản. Vì thế cha mẹ cần kiên nhẫn, động viên con qua từng bữa ăn. Tránh la mắng hay cáu giận vì dễ khiến con lo lắng, có thể khiến tình trạng biếng ăn trầm trọng hơn.

  • Từ khóa