Thứ 7, 26/04/2025, 05:23[GMT+7]

5 lưu ý khi nói về lý do nghỉ việc

Thứ 6, 13/10/2023 | 19:38:58
2,971 lượt xem
Câu hỏi “Vì sao bạn quyết định nghỉ việc ở công ty cũ?” rất được sử dụng trong các cuộc phỏng vấn. Đây là câu hỏi giúp nhà tuyển dụng biết được lý do nghỉ việc của bạn là do bị cho thôi việc hay tự nguyện, bạn không phù hợp với công ty cũ hay gây ra sai lầm nào, bạn làm việc có trách nhiệm hay không, bạn có giữ được mối quan hệ tốt đẹp với công ty cũ không… Do đó, với câu trả lời đưa ra bạn cũng cần sự khéo léo và nghiêng về lý do khách quan, chính đáng.

Vậy đâu là những điều bạn nên lưu ý khi trả lời về lý do nghỉ việc ở công ty cũ với các nhà tuyển dụng việc làm? Hãy cùng đi tìm câu trả lời sau đây nhé. 

Trả lời ngắn gọn - dễ hiểu, tránh bịa chuyện, kể lể dài dòng 

Khi đối diện với câu hỏi này, bạn chỉ nên lựa chọn một số lý do chính đáng như: muốn phát triển bản thân hơn với những kỹ năng đã học được; muốn thay đổi định hướng công việc; muốn thay đổi môi trường làm việc… Hoặc có thể là do đổi chỗ ở, vị trí công ty cũ quá xa nơi sống; Công ty cũ ngừng hoạt động; Nghỉ việc một thời gian để đi học và hiện tại muốn tìm công việc hợp với khả năng hơn …

Bạn lưu ý tránh trình bày dài dòng vì sẽ mất thời gian không cần thiết. Hơn thế, càng không nên bịa chuyện, hay cố diễn giải làm cho bạn càng rối, ý sau phủ định ý trước. Bạn cũng không nên trình bày chung chung (chẳng hạn như Tôi có lý do riêng khó nói hay Tôi có việc gia đình…) vì sau câu trả lời, nhà tuyển dụng không biết lí do chính là gì.

Câu trả lời hợp lý chỉ nên từ 2-3 câu là bạn đã gói gọn được lí do nghỉ việc ở công ty cũ một cách đầy đủ, súc tích và chuyển hướng nhà tuyển dụng sang câu hỏi khác.

Tránh công kích sếp, đồng nghiệp cũ mà nên bày tỏ lòng cảm ơn họ

Trung thực là một đức tính tốt. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn bạn cần trung thực một cách khéo léo, bởi bạn đang trong cuộc phỏng vấn. Bạn không nên đề cập đến mối quan hệ không tốt với sếp cũ hoặc đồng nghiệp cũ cho dù đây là nguyên nhân chính khiến bạn nghỉ việc. 

Việc kể lể về mâu thuẫn và công kích cá nhân các mối quan hệ cũ trong công việc chỉ cho thấy rằng bạn thiếu kỹ năng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, thiếu sự đoàn kết, thích đổ lỗi. Và tất nhiên bất kì nhà tuyển dụng nào cũng e ngại về tuýp ứng viên như thế. Họ sợ rằng bạn sẽ lặp lại sai lầm này trong môi trường làm việc mới, gây mất đoàn kết nội bộ và không hợp tác ăn ý với đội nhóm của mình, ảnh hưởng đến năng suất làm việc chung. 

Ngược lại, bạn nên đề cao vai trò của sếp và đồng nghiệp cũ, thể hiện lòng biết ơn vì đã giúp bạn học hỏi được nhiều điều quý giá để bạn tự tin hơn trong công việc sắp tới.

Không tiết lộ mức lương thấp mà nên đề cập đến năng lực tạo ra giá trị của mình

Rất nhiều ứng viên nghỉ việc ở công ty cũ vì không hài lòng với mức lương. Có thể bạn cũng là một trong số đó nhưng khi đối diện với câu hỏi về lí do nghỉ việc, bạn không nên nói thẳng điều này.

Không nên tiết lộ mức lương cũ, nhất là khi mức lương đó không được cao vì nhà tuyển dụng có thể dựa vào đó để “ép lương”. Thay vào đó, bạn nên đề cập đến việc bản thân mình có thể tạo ra các giá trị thực tiễn cho công ty và xứng đáng được trả mức lương như mong đợi. 

Không bày tỏ thái độ tiêu cực, chán nản công việc cũ

Khi trả lời về lý do nghỉ việc, bạn không nên tỏ thái độ chán nản công việc bởi lẽ nhà tuyển dụng sẽ không hài lòng với nhân viên thiếu năng lượng tích cực. Nghỉ việc vì chán cũng cho thấy bạn đã từng trải qua khoảng thời gian tồi tệ ở công ty cũ. Hơn thế bạn còn là người tiêu cực, dễ nản lòng trước khó khăn. Chưa kể chính thái độ này sẽ kìm hãm sự sáng tạo, nỗ lực của bạn với công việc và ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần làm việc của các đồng nghiệp xung quanh.

Hãy giữ vững tinh thần lạc quan, sẵn sàng học hỏi những điều mới mẻ trong công việc. Chẳng hạn như “Tôi yêu công việc này, đã nỗ lực làm việc và học hỏi được từ thực tế, là kinh nghiệm quý giá. Tuy nhiên cơ hội phát triển bản thân ở đó (công ty cũ) không nhiều nên tôi muốn chủ động tìm kiếm cho mình một hướng đi mới”.

Những tác hại của mệt mỏi áp lực công việc và cách phòng tránh

Thể hiện sự chuyên nghiệp

Cho dù lí do nghỉ việc là gì thì khi tham gia phỏng vấn bạn cũng cần giữ sự chuyên nghiệp.

Đối diện với câu hỏi này, bạn cần giữ được phong thái vui tươi, cởi mở và tự tin đồng thời đưa ra câu trả lời là các lí do chính đáng. Tuyệt đối tránh các biểu hiện như quá lo lắng, căng thẳng hay khoác lác, tâng bốc bản thân. Bạn cũng không nên cao hứng trả lời theo cảm tính, chẳng hạn như thích thay đổi công việc theo tâm trạng nhất thời, coi thường công việc cũ… Điều này chỉ làm cho nhà tuyển dụng ấn tượng về bạn là người thiếu chín chắn, thiếu sự chuyên nghiệp.

Lý do nghỉ việc luôn là vấn đề gây tò mò và bạn cần chuẩn bị để đưa ra câu trả lời tích cực trong các cuộc phỏng vấn. Hy vọng từ những lưu ý trên, bạn sẽ biết cách điều chỉnh phù hợp để đưa ra câu trả lời khéo léo và, thuyết phục được nhà tuyển dụng thành công. 

                                                                                                

  • Từ khóa