Thứ 2, 06/01/2025, 07:35[GMT+7]

Nâng tầm thương hiệu “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình” khi có nhãn hiệu chứng nhận

Thứ 7, 23/11/2024 | 12:32:31
478 lượt xem
Thái Bình có diện tích rừng ngập mặn lớn, là nơi có tiềm năng, thế mạnh để khai thác mật ong rừng Sú Vẹt của tỉnh Thái Bình. Trong đó, diện tích cây Sú, cây Vẹt chiếm tới 90% diện tích rừng ngập mặn tại khu vực huyện Thái Thuỵ và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (khoảng 4.000 ha

Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2022, tỉnh Thái Bình có 4.248,06ha rừng ven biển phân bố tại 12 xã ven biển của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Nhiều năm qua, rừng ven biển Thái Bình đóng vai trò rất lớn trong việc phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường, lưu giữ đa dạng sinh học vùng bờ biển.

Rừng ngập mặn ven biển có chức năng phòng hộ chống xói mòn, duy trì cân bằng hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh, quốc phòng ven biển. Chính vì thế, bảo vệ và phát triển rừng luôn là một trong những nhiệm vụ được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Tỉnh đã xác định vùng phát triển kinh tế biển gồm khu vực ven biển các huyện ven biển Thái Thuỵ và Tiền Hải với các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế trên các lĩnh vực ngành nghề. Một trong số những sản phẩm khai thác từ tiềm năng rừng ngập mặn tại các địa phương này là mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình.

Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình mang lại giá trị kinh tế, xã hội và môi trường

Nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện Thái Thuỵ và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình xuất hiện từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Giai đoạn từ 1980 đến 1995 bắt đầu có một số hộ gia đình tại địa phương và các hộ di chuyển đàn ong từ nơi khác đến để nuôi và khai thác mật ong rừng Sú Vẹt. Số lượng đàn ong vào thời điểm này duy trì từ 1.000 - 2.000 đàn, sản lượng khai thác từ 10 - 20 tấn/vụ/năm.

Giai đoạn từ năm 1996 đến nay thì hoạt động khai thác mật ong rừng Sú Vẹt tại khu vực huyện Thái Thuỵ và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã tăng lên và theo quy mô hộ gia đình và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm mật ong rừng Sú Vẹt tăng cao đã tạo động lực cho hoạt động nuôi ong tại khu vực phát triển với quy mô lớn. 

Tận dụng lợi thế về diện tích rừng ngập mặn, người dân Thái Bình đã khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề nuôi ong mật và đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần bảo vệ môi trường hệ sinh thái tại địa phương.

Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình là một trong những ngành nghề truyền thống của địa phương và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương. 

Vì vậy, mật ong rừng Sú vẹt chính là sản phẩm được xem như hướng đi đúng đắn của tỉnh Thái Bình trong nhiều năm qua. Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi và kinh nghiệm, tập quán nuôi Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình của người dân nơi đây đang là lợi thế để có được sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là hướng đến có được thương hiệu cho sản phẩm Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình.

Giá bán mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình hiện nay khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg, Thời vụ khai thác vụ chính mật ong Sú Vẹt vào tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.

Mật ong rừng Sú Vẹt thái Bình là sản phẩm đem lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên khi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường thì sản phẩm hầu như không có thương hiệu, đặc biệt là các dấu hiệu gắn với nguồn gốc của sản phẩm; chính vì vậy, giá bán của sản phẩm Mật ong rừng Sú Vẹt chưa tương xứng mới giá trị mà sản phẩm này mang lại. Khi sản phẩm phụ thuộc thị trường, chưa có thương hiệu, người nuôi ong gặp khó khăn. Các doanh nghiệp sơ chế, sản xuất và tiêu thụ trong ngành ong còn ít, hạn chế về nguồn tài chính, nhân lực marketing mức trung bình, chưa thể hiện nổi trội khiến việc xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn.

Việc tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình là một yêu cầu cấp thiết cần phải triển khai thực hiện. Vì vậy, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều quyết định đúng đắn, kịp thời, toàn diện từ góc độ kinh tế - xã hội đến góc độ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ. Và một trong các biện pháp đó là xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình”.

Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (Khoản 18 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Tại Việt Nam, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu khi đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định.

Xuất phát từ điều kiện tự nhiên và tập quán nghề truyền thống, Việt Nam có rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ mang yếu tố đặc thù của địa phương. Nhận thức được lợi ích to lớn của việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với chủ sở hữu và các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận cũng như lợi ích to lớn cho người sử dụng, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách và các biện pháp cần thiết đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận.

Các địa phương cũng nhận thấy được tầm quan trọng của nhãn hiệu chứng nhận do đó trong những năm gần đây, số lượng nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký bảo hộ đã tăng lên nhanh chóng. Với ưu thế của nhãn hiệu chứng nhận là chủ sở hữu không được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên sản phẩm của mình và phần lớn nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam có sự tham gia quản lý của cơ quan Nhà nước như UBND hoặc các sở, ban, ngành dưới góc độ là chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận, việc xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật ong được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, đảm bảo góp phần thúc đẩy việc khai thác thương mại sản phẩm một cách đồng bộ, nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm.

Ngày 12/01/2023 Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định số 72/QĐ - UBND về việc phê duyệt đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện từ năm 2023. Nhiệm vụ được thực hiện với sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình, Chủ sở hữu NHCN là Chi cục Quản lý Nông lâm sản và Thuỷ sản Thái Bình, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với chính quyền địa phương. Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở sự phối hợp giữa Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc và các đơn vị có liên quan tại địa phương.

Việc bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với chính sách và định hướng của tỉnh Thái Bình về việc chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh gắn liền với việc phát triển các tài sản trí tuệ của địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này cũng như người tiêu dùng và các lợi ích kinh tế - xã hội khác.

Đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình" đã được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ ngày 16/10/2023 với số đơn là 4-2023-46495 và được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định chấp nhận đơn số 14229/QĐ-SHTT ngày 02/02/2024.

Nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình" đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định cấp Giấy chứng nhận theo Quyết định số 95804/QĐ-SHTT ngày 13/8/2024. 

Việc bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với chính sách và định hướng của tỉnh Thái Bình về việc chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh gắn liền với việc phát triển các tài sản trí tuệ của địa phương. Nhãn hiệu chứng nhận nhằm từng bước khẳng định tính ưu thế sản phẩm như: an toàn, bổ dưỡng, truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao sức thuyết phục khách hàng, người tiêu dùng và nâng tầm thương hiệu “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình” theo định hướng mà tỉnh xây dựng./


Thu Hương

Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc

  • Từ khóa