Chủ nhật, 13/04/2025, 02:05[GMT+7]

UNESCO phê duyệt khuyến nghị kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn

Thứ 6, 11/04/2025 | 14:40:16
2,911 lượt xem
Vào lúc 23 giờ ngày 10/4/2025 (giờ địa phương), Kỳ họp khoá 221 Hội đồng chấp hành UNESCO diễn ra tại Trụ sở UNESCO ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã thông qua Quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO (họp tháng 11/2025) phê duyệt việc UNESCO vinh danh và cùng kỷ niệm ngày sinh của một số danh nhân trên thế giới, trong đó có vinh danh và cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn (1726-2026).

Dự kiến vào năm 2026, UNESCO sẽ vinh danh và kỷ niệm ngày sinh của Lê Quý Đôn, một danh nhân văn hóa Việt, một niềm tự hào của người Việt.

Theo Đại sứ - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh, đây là một quyết định hết sức quan trọng vì theo thông lệ, Đại hội đồng thường hoàn toàn nhất trí với khuyến nghị của Hội đồng chấp hành.

Có thể nói, so với những người cùng thời và so với nhiều nhà nho nước ta thời phong kiến Lê Quý Đôn là một học giả được khá nhiều người nước ngoài cùng thời biết tiếng.

Kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris từ ngày 7-17/4 với chương trình nghị sự trải rộng trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, nhân sự, quản lý và quan hệ đối ngoại.

Tại kỳ họp này, Việt Nam có một số hồ sơ trong danh sách được xem xét, gồm: Hồ sơ “Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân” được ghi danh là di sản tư liệu thế giới; khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO lần thứ 43 ra Nghị quyết về việc cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn.

Cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn


Lê Quý Đôn là một danh nhân văn hóa Việt, một niềm tự hào của người Việt. 

Lê Quý Đôn thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường (1726 - 1784) sinh trong một gia đình khoa bảng ở làng Diên Hà, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Cha ông là tiến sĩ Lê Trọng Thứ (1691-1781) hiệu Trúc Am làm quan đến chức Hình bộ thượng thư. Mẹ ông là bà Trương Thị Ích con gái của tiến sĩ Hoằng Phái hầu Trương Minh Lượng (1636-1712) người làng Tiên Nội, xã Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên, trấn Sơn Nam.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê trù phú, trong một gia đình khoa bảng “văn hiến truyền gia” đã nuôi dưỡng ý chí, tinh thần và hình thành nên nhân cách văn hóa vĩ đại của nhà bác học Lê Quý Đôn. Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, hiếu học được người đương thời coi là thần đồng, luôn đứng đầu trong các khoa thi và đỗ Tam nguyên Bảng nhãn năm 27 tuổi dưới thời Lê-Trịnh.

Lê Quý Đôn là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn hóa Việt Nam ở thế kỷ 18 với những thành tựu, đóng góp về tư tưởng, chính trị, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn hơn 32 năm với 20 lần thay đổi chức vụ, là một vị quan thanh liêm, đề cao lợi ích của quốc gia và lo lắng trước cảnh khổ của dân nghèo.

Sinh thời Lê Quý Đôn luôn theo đuổi hai hoài bão lớn đó là kinh bang tế thế và trước thư lập ngôn. Di sản lập ngôn của ông là khối tri thức đồ sộ đến 50 bộ sách, với hàng trăm quyển gồm cả khoa học nhân văn lẫn khoa học tự nhiên. Có thể kể đến: Phủ Biên Tạp Lục, Vân Đài Loại Ngữ, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông Sử, Toàn Việt thi lục, Quế đường thi tập.v.v.

Di sản của Lê Quý Đôn không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi quốc gia mà còn vươn xa tầm quốc tế. Các tác phẩm quý giá của ông phần lớn viết bằng chữ Hán đã trở thành tài liệu tham khảo trực tiếp cho nhiều nghiên cứu trong khu vực Đông Á. Những công trình này, cùng với các bài báo khoa học, đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và trước tác của Lê Quý Đôn ra toàn cầu.

Lê Quý Đôn là một trong những người đi đầu trong tư tưởng "thực học," nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Ông phê phán lối học "tầm chương trích cú," đề cao tinh thần tự học và sáng tạo. Các tác phẩm như Vân Đài Loại Ngữ và Kiến Văn Tiểu Lục của ông không chỉ là những tư liệu phong phú mà còn truyền tải triết lý giáo dục sâu sắc.

Sách Phủ biên tạp lục được ông ghi chép đầy đủ về vùng miền lãnh thổ như núi sông, khí hậu, nghề nghiệp, sản vật, nhân tài, ruộng đất, thuế khóa, binh chế, phong tục tập quán các vùng miền của Việt Nam.

Vân Đài loại ngữ là bộ bách khoa thư đồ sộ thời trung đại bao quát nhiều lĩnh vực từ địa lý, lịch sử, y học và nông nghiệp tạo nên kho tri thức dân tộc giá trị hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiên cứu và giáo dục;

Kiến văn tiểu lục là tập bút kí nói về lịch sử, văn hóa địa lý Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê. Lê Quý Đôn đã ghi chép lại những sự kiện lịch sử quan trọng, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về quá khứ qua các tác phẩm Đại Việt thông Sử, Bắc sứ thông lục, Quốc triều tục biên là một nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Tri thức và trí tuệ của Lê Quý Đôn trường tồn với thời gian qua những bài văn khắc trên bia đá, chuông đồng trong các di tích, danh lam ở Thái Bình đã trở thành di sản văn hóa, thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc và sự hiểu biết uyên bác của ông về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Năm 1760 và 1762, Lê Quý Đôn được vua Lê, chúa Trịnh cử làm Phó sứ cùng đoàn sứ giả Đại Việt đi sứ Trung Quốc đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nâng cao vị thế đất nước nhờ vào khả năng đấu tranh, ứng xử kiên quyết, thông thái và tầm văn hóa cao của Lê Quý Đôn. Ông đã giới thiệu giao lưu, trao đổi văn hóa, học thuật với các quan chức, học giả nhà Thanh, sứ thần Triều Tiên và học giả Nhật Bản qua những tác phẩm Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền lục phạm, Tiêu tương bách vịnh đã được sứ thần các nước đánh giá rất cao về nền văn minh Đại Việt.

Công tích và sự nghiệp khoa học của nhà bác học Lê Quý Đôn đã và đang là những di sản vô giá truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, được nhà nước và nhân dân suy tôn qua nhiều hình thức lưu danh và tưởng niệm. Cả nước có 40 ngôi trường mang tên danh nhân Lê Quý Đôn, trong đó tỉnh Thái Bình có 7 ngôi trường các cấp mang tên Lê Quý Đôn; Hiện cả nước có khoảng 9 địa điểm có dựng hoặc đúc tượng Lê Quý Đôn. Tên tuổi và sự nghiệp của Lê Quý Đôn đã có nhiều hội thảo, chuyên đề nghiên cứu, được đưa vào sách dạy về lịch sử - địa lý, về nhân vật chí, đặt tên cho giải thưởng sáng tạo khoa học, 44 tỉnh lấy tên Lê Quý Đôn để đặt tên các đường phố.

Lê Quý Đôn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam cuộc đời và sự nghiệp của ông đã để lại một di sản vĩ đại vượt ra khỏi ranh giới địa phương, ranh giới quốc gia để đồng hành cùng nhân loại.

Nguồn: Tỉnh Thái Bình



Theo: nhandan.vn

  • Từ khóa