Chủ nhật, 24/11/2024, 15:08[GMT+7]

Đại Đạo Hải Vương

Chủ nhật, 25/08/2024 | 23:10:31
6,418 lượt xem
Truyền ngôn, một hôm phủ quan đóng xe trải xem phong cảnh núi sông hết thảy không nơi nào không đến. Lúc trở về đến khu Bảo Nguyên, trang Quan Bế, huyện Ngự Thiên, phủ quan dừng xe nghỉ lại qua 3, 4 hôm, phụ lão và nhân dân đều đến làm lễ mừng. Việc xong, quan nhân đi xem địa thế dân tình, bỗng thấy núi non quanh co uốn khúc như rồng hổ ấp ôm, tứ linh chầu lại, núi non la liệt đều cùng hướng về, thực là nơi quý địa. Phủ quan nhìn xem không chán, bèn truyền người dân thiết lập “du cung” bên sông để làm nơi nghỉ ngơi. Việc đã hoàn thành, bèn ở lại chốn “du cung” khuyến khích nhân dân, lấy nông tang làm gốc, hưng lợi trừ hại, người ta ai ai cũng đều cậy nhờ.

Làng Đìa, xã Hồng An, huyện Hưng Hà - địa danh cổ được xác định là thủ phủ của huyện Ngự Thiên.

Theo tài liệu khảo cứu, vào thời Hùng Vương thứ 17, ở đạo Tuyên Quang, phủ Lạng Giang, huyện Tây Quan, trang Ngọc Chúc có một quan lang Phụ đạo thế truyền họ Hùng, tên Thanh, hiếu đễ khoan hoà, trung lương minh trí, tinh thông võ nghệ có sức trăm người không địch nổi. Thuở ấy, Hùng Duệ Vương nghe danh tiếng quan lang, một ngày vua vời quan lang đến, vấn danh rõ ràng rồi phong làm quan phủ của phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam (Thượng), được một năm quốc gia vô sự, nhân dân vui vẻ xướng ca, bốn bề cảnh tượng thái bình thịnh trị. Quan lang được vua ban cho chuyến công du đến khu Bảo Nguyên. Duyên không hẹn trước, trang có con gái họ Nguyễn tên là Lan Hoa nương, tuổi vừa 18, công dung ngôn hạnh, nhan sắc chim sa cá lặn, trăng thẹn hoa hờn. Say sắc hương trời, quan phủ quan sai người đưa đồ sính lễ đến hỏi làm vợ. Vợ chồng họ Nguyễn đều hoan hỷ thuận gả. Phủ quan đón về ở hành cung. 

Nhưng, rủi thay, năm năm mà mộng chung tư chưa từng ứng nghiệm. Một hôm, Phủ quan nói với phu nhân rằng: “Ta đã ngoại tứ tuần mà chưa có con cái, có lẽ là lòng trời chưa thấu hoặc việc người còn thiếu sót gì mà đến nỗi này chăng? Nhược bằng vợ chồng ta tìm chốn linh từ, Phật tự, dâng một nén hương cầu đảo để có con nối dõi, kẻo mắc vào tội đại bất hiếu: “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại”. Nói xong, bèn sắm sửa lễ chay đến chùa Phật Tích huyện Tiên Du, đạo Kinh Bắc là nơi rất linh ứng, nước đảo dân cầu, tất đều ứng nghiệm thỏa lòng. Lúc bấy giờ vợ chồng Phủ quan hành lễ ở chốn Tam bảo Phật tiền, khấn xong hai vợ chồng trở về đến sông Thiên Đức (sông Tiên Hưng bây giờ). Khi ấy là mùa hạ nóng nực, phu nhân bèn xuống sông tắm, bỗng thấy trời đất mù mịt, mặt nước sóng cồn, các loài cá hình nghê, côn, ngạc đều nổi hết trên mặt nước, mặt sông nổi muôn lớp sóng cồn cuồn cuộn sục sôi. Giữa lúc ấy có một con giao long cuốn lấy phu nhân ba vòng, phu nhân bàng hoàng bất tỉnh nằm như thây người chết. Quấn một lúc lâu, giao long tự nhiên biến mất, phu nhân tỉnh dậy, lên bờ kể hết chuyện với Phủ quan. Phủ quan nghĩ thầm rằng giao long đã hoan giao với nàng, bèn nói rằng: đó là thủy thần giáng thế, để giúp nước cứu dân, đợi xem chớ nên nghi ngại. Nói xong liền làm mâm cỗ chay lễ bái tạ, rồi trở về chốn cũ hành cung ở khu Bảo Nguyên. Từ đấy phu nhân thấy trong dạ mình luôn có tiếng rầm rầm như sấm, rồi có mang, trải 12 tháng, đến ngày 1 tháng 4 mùa hạ vào giờ Ngọ thì phu nhân sinh ra một bọc vỡ ra hai quả trứng. Phủ quan cho là kỳ dị. Hôm ấy Phủ quan lại đem hai quả trứng vứt ra sông, đến giờ Dậu trên trời có 3 tiếng sét, mưa gió nổi lên ầm ầm, bỗng thấy trứng vỡ ra, hai hài nhi trai, hương thơm sực nức khí tốt chan hòa. Sấm sét ngừng, Phủ quan vui mừng khôn xiết, đón hài nhi về nhà, làm con. Ngày qua, tháng lại, hai hài nhi trai lớn dần, được 100 ngày đều có diện mạo như rồng, sau lưng mỗi bé đều có hai hàng vảy cá như 28 vì sao tô điểm, kỳ hình dị tướng. Phủ quan đại mừng cho là trời ban phúc, bèn tấu sớ lên nhà vua. Quan phủ đưa hai con ra mắt vua, nhà vua thấy hai ông tướng mạo đường đường oai phong lẫm liệt cho là kỳ nhân ở trên đời, thử hỏi tài năng thì hai ông bèn xuống sông lặn tận đáy nước hết ngày mới lên, lại khiến được phép lạ hô phong hoán vũ, trời đất mù mịt đến hơn 10 ngày chưa dứt. Vua cho là kỳ nhân trong thiên hạ liền phong một ông làm Đại Đạo tướng quân và một ông làm Đại Hải tướng quân, lưu lại triều giúp nhà vua, lưu triều 20 năm. Ở du cung, Phủ quan và phu nhân đã già, một ngày, 2 người đột ngột qua đời, nhằm ngày 5 tháng 5. Nhận tin dữ, Đại Đạo, Đại Hải đau xót tột cùng, bèn mổ trâu, bò làm lễ an táng song thân phụ mẫu, chọn đất lành an táng. 

Bối cảnh khi Hùng Duệ Vương 105 tuổi, vua nước Thục nắm thông tin vua Hùng đã cao tuổi mà 20 hoàng tử đều quy tiên, không ai kế nghiệp, bèn thừa cơ phát động 50 vạn binh mã, 8.000 ngựa tốt, 3.000 thuyền chiến, chia hai đường thủy bộ cùng tiến đến cửa bể Quảng Yên cướp bóc của cải chia ba thiên hạ. Thư ngoài biên cương cáo cấp, địa phương dâng biểu tâu về vua một ngày 5 lần. Vua rất lo lắng gọi con rể là Tản Viên Sơn Thánh cùng với Đại Đạo và Đại Hải tướng quân, ban cho binh hùng 30 vạn, danh tướng 300 viên, chia làm hai đạo thủy bộ đại chiến, đánh 30 trận mà chưa phân thắng bại. Sơn Thánh Tản Viên dẫn binh trở về bản châu, tay trái cầm sách, tay phải chống gậy trúc, ngẩng mặt lên trời ước, ước một lát bỗng thấy một vị đại thần ở trên trời giáng xuống đứng giữa đám mây, tay cầm loa đồng thổi một trận gió, trời đất mù mịt, mưa gió liên tiếp cát bụi, đá bay, quân Thục đại bại tan tác, trận ấy Sơn Thánh Tản Viên nhân lúc trời đang gió mưa xông lên chém được 50 đầu tướng Thục, sĩ tốt chết nhiều vô kể, với thế trúc chẻ ngói tan, uy phong bẻ cành khô chẻ gỗ mục, một chiếc xe không về, một con ngựa không còn, bắt được ấn tín của tướng Thục. Vua Thục chạy về nước. Đại Đạo và Đại Hải cùng Tản Viên Sơn Thánh dâng biểu lên vua, vua được tin cả mừng, bèn hạ chiếu gọi hai ông về. Hai ông làm lễ bái tạ nhà vua, vua truyền văn võ bá quan mở tiệc yến ẩm, gia phong cho công thần. Sắc chỉ gia phong cho Đại Đạo làm Thống Chế đại tướng quân. Gia phong cho Đại Hải làm Thái Bảo đại tướng quân thăng làm Thống chế đạo Sơn Tây và đạo Kinh Bắc.

15 năm sau bại trận mà vua Thục chưa nguôi hận, vẫn nuôi hận tích lũy lương thảo tinh binh 100 vạn, lại ồ ạt kéo đến biên cương Văn Lang báo thù. Chúng chia làm 5 đạo, một đạo 20 vạn theo đường Lạng Sơn, Cao Bằng tiến vào, một đạo 25 vạn theo đường Châu Hoan, Châu Ái tới, một đạo binh 15 vạn theo đường Bố Chính, Minh Linh tiến vào, một đạo thủy binh 10 vạn theo đường cửa bể tiến vào... Đại Đạo và Đại Hải đại vương tâu với vua Hùng: “Thần vì bệ hạ mà tuyển tướng tài và tinh binh 30 vạn, 1.000 thuyền chiến, gánh việc khó nhọc thay bệ hạ. Chẳng quá 10 ngày thì đầu vua Thục sẽ treo trên cờ súy. Bệ hạ chớ lo lắng gì nữa”. Trên đường ra trận, đoàn quân của hai ông đến khu Bảo Nguyên, trang Quan Bế, huyện Ngự Thiên, bô lão, nhân dân giết trâu mổ bò làm lễ chúc mừng, hai ông kén nghĩa binh cường tráng ở khu Bảo Nguyên được 25 người cho làm thủ túc. Giao chiến với quân Thục qua 12 trận, giết được hơn 3.000 quân Thục. Quân của Đại Đạo và Đại Hải tử trận quá nửa. Ngày 21 tháng 4, tình thế nguy nan, Đại Đạo và Đại Hải đại vương ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Ra quân chưa báo đáp ơn vua, anh hùng không đội trời chung với giặc”. Dứt lời, hai ông gieo mình xuống biển... Các triều Đinh, Lê, Lý, Trần đều phong hai ông là Thượng đẳng phúc thần, vua Lê Trang Tông gia phong mỹ tự: Thượng đẳng tối linh Đại Đạo Quý Minh Đại vương và Đại Hải Tế thế Đại vương, chuẩn cho khu Bảo Nguyên, trang Quan Bế, huyện Ngự Thiên phụng thờ.

Quang Viện