Thứ 6, 22/11/2024, 10:32[GMT+7]

Đào tạo đội ngũ lao động có trình độ kỹ năng nghề

Thứ 3, 17/09/2024 | 08:48:25
5,713 lượt xem
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để hình thành nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Những năm gần đây, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, các cơ sở GDNN đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, học lý thuyết gắn với thực hành, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Sinh viên Trường Đại học Thái Bình thực hành sử dụng máy tiện gia công các sản phẩm cơ khí.

Dù được coi là địa phương có nguồn lực lao động dồi dào nhưng chất lượng, trình độ tay nghề của người lao động tại tỉnh ta chưa cao. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh đạt khoảng 75,7%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt khoảng 25,8%. Những năm gần đây, khi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư tại Thái Bình mang theo công nghệ, dây chuyền máy móc hiện đại, khi tuyển dụng người lao động vào làm việc thì các doanh nghiệp này đều phải đào tạo mới, đào tạo lại mới đáp ứng được công việc. 

Trước thực tế đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề cho người lao động. Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu được tỉnh xác định đó là đến năm 2025 thu hút từ 30 – 40% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 40%; khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia. Đến năm 2030, có 1 trường chất lượng cao có vốn đầu tư nước ngoài hoặc trường tư thục chất lượng cao trong Khu kinh tế Thái Bình. Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo…

Ông Nguyễn Quang Sáng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở GDNN, trong đó có 3 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 8 trung tâm GDNN - GDTX huyện, thành phố và 9 trung tâm dạy nghề tư thục, hội đoàn thể. Thời gian qua, các trung tâm GDNN trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động thông qua việc đẩy mạnh phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn, chuyên nghiệp, tinh gọn và hiệu quả; tập trung phát triển chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt, giảm lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, đào tạo gắn với yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong chiến lược nâng cao chất lượng GDNN của tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình được xác định là mô hình đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng tiếp cận, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện nay, nhà trường duy trì khoảng 2.000 học sinh, sinh viên theo học tại 5 khoa đào tạo; đồng thời thực hiện mô hình “9 + cao đẳng”. 

Ông Phạm Hồng Khang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi chú trọng công tác liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp. Chúng tôi thường xuyên tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập tại nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần gắn kết đào tạo với thị trường lao động, việc làm; nâng cao kỹ năng nghề, rèn luyện kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, giúp cho học sinh, sinh viên làm quen với môi trường sản xuất của các doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn một số cơ sở giáo dục đại học đã khẳng định được vị thế và uy tín trong các lĩnh vực đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. 

Tiến sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cho rằng: Sự phát triển nóng về kinh tế cùng với tốc độ đô thị hóa đã làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao dù được quan tâm vẫn đang chậm hơn so với sự phát triển. Chất lượng lao động của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế năng động. 

Theo tiến sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt, tỉnh ta cần có sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện sắp xếp lại hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề; khắc phục tình trạng bất hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu trình độ ngành, nghề. Cần có những cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng và chế độ đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp để thu hút nhân tài, phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng địa phương phát triển.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, có thể coi là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhất là việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN, cơ sở đào tạo đại học, hy vọng bài toán về phát triển nguồn nhân lực sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người lao động và các cơ sở đào tạo. Người lao động cần phải được đào tạo đúng ngành, đúng nghề, đúng nhu cầu của doanh nghiệp thì mới hiệu quả.

Ông Shin Youngjae, Quận trưởng quận Hongcheon, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc)

 Tôi khá ấn tượng với cơ sở vật chất cũng như chất lượng đào tạo tại một số cơ sở GDNN tại tỉnh Thái Bình. Việc đào tạo được nguồn lực lao động có tay nghề là điều tất yếu để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với những em học sinh, sinh viên đã được đào tạo bài bản, khi ra trường nếu có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc thì đó sẽ là một lợi thế.

                                                                    

Đỗ Hồng Gia