Thứ 6, 27/12/2024, 06:52[GMT+7]

Chi Lăng: Nghề không phụ công người

Thứ 6, 04/10/2024 | 09:10:47
4,295 lượt xem
Trước nguy cơ mai một của một số nghề, làng nghề truyền thống, thời gian qua, xã Chi Lăng (Hưng Hà) đã có những định hướng, giải pháp bảo tồn và khơi dậy tiềm năng của các nghề truyền thống. Từ đó góp phần gìn giữ nét văn hóa, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, đưa nghề và làng nghề truyền thống trở thành “mảnh ghép” không thể thiếu trong bức tranh kinh tế - xã hội.

HTX dịch vụ nón lá xã Chi Lăng thu hút nhiều hộ tham gia.

Từ bao đời nay, chiếc nón lá đã trở thành biểu tượng của người dân Chi Lăng. Trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian, các thế hệ người dân nơi đây vẫn luôn giữ hồn nón Việt qua từng sản phẩm. Đến với Chi Lăng, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị, thậm chí là các em nhỏ tay thoăn thoắt khâu nón. Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 2 - 3 chiếc nón xô hoặc 1 - 2 chiếc nón cao cấp. Giá thị trường dao động khoảng 30.000 đồng/chiếc nón xô, 70.000 - 120.000 đồng/ chiếc nón cao cấp. Một trong những đặc điểm khiến nón lá Chi Lăng được ưa chuộng là sự mượt mà, chắc chắn của sản phẩm. Để làm ra một chiếc nón là cả một quá trình với nhiều công đoạn khác nhau, từ làm khung, chuốt vành đến đan lá, khâu nón..., tất cả đều cần sự khéo léo, tỉ mỉ. 

Gần 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Sánh đã có hơn 50 năm làm nghề nón lá. Dù đã không còn thoăn thoắt như xưa nhưng mọi công đoạn bà làm vẫn rất tỉ mỉ. Bà Sánh cho biết: Nghề làm nón đã ăn sâu trong con người tôi từ khi còn nhỏ. Tôi luôn trăn trở với nghề và tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng từng ngày, làm ra những mẫu nón mới, hợp với thị hiếu của khách hàng nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Nón lá là nghề thủ công, cần nhiều công đoạn cầu kỳ, tốn nhiều công sức, đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Chiếc nón lá đẹp không chỉ ở những hoa văn trên nón mà phải đạt các yếu tố như lá trắng, vòng đẹp, các mũi khâu đều tay, lỗ kim nhỏ không để lọt nắng... 

Để duy trì làng nghề, xã Chi Lăng đã thành lập HTX dịch vụ nón lá với hơn 1.000 thành viên. Ông Nguyễn Văn Duân, Giám đốc HTX cho biết: Thực tế, nhiều làng nghề nón lá đang đứng trước nguy cơ mai một; nếu so với giá ngày công lao động hiện nay, thu nhập từ nghề làm nón lá không cao nhưng lại phù hợp với mọi đối tượng, tận dụng được thời gian nhàn rỗi. Bình quân một ngày một người có thu nhập 100.000 - 150.000 đồng. Để giữ nghề, chúng tôi từng bước tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường bảo đảm đầu ra ổn định để tạo sự phát triển bền vững cho làng nghề, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. 

Cùng với làng nghề nón lá, trong những ngày đầu thu, khi tiết trời dịu mát hơn cũng là lúc làng nghề sản xuất, chế biến cốm xã Chi Lăng trở nên rộn rã. Gắn bó với nghề làm cốm 30 năm nay, anh Trần Đình Bường, thôn Thống Nhất luôn trăn trở làm thế nào để giữ gìn và phát triển nghề cha ông để lại. Trên diện tích hơn 200m2, anh Bường đầu tư hơn 1 tỷ đồng trang bị máy xay, máy lọc hạt, máy rang, máy tách vỏ, máy tách màu và hệ thống máy cán... để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Anh chia sẻ: Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều loại máy móc ra đời góp phần hỗ trợ chúng tôi thực hiện quy trình làm cốm nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị xưa. Nếu như trước đây làm cốm bằng phương pháp thủ công, một ngày chúng tôi chỉ làm được 50kg thóc nhưng khi sản xuất bằng máy gia đình tôi chế biến hơn 2 tấn thóc, thu về 1,2 tấn cốm thành phẩm, gồm cốm mộc và cốm xanh với giá bán 30.000 - 40.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi xuất bán hơn 100 tấn cốm thành phẩm đi các tỉnh. Để đủ nguyên liệu làm cốm, tôi thu mua hàng trăm tấn thóc nếp của người dân địa phương và các xã lân cận. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của bão số 3, chúng tôi lấy thêm nguyên liệu từ các tỉnh để bảo đảm cho các đơn đặt hàng. 

Ở xã Chi Lăng cốm được sản xuất quanh năm, tuy nhiên thời điểm cốm cho chất lượng ngon nhất là vào tháng 5, tháng 8 âm lịch, bởi đây là lúc lúa mới, hạt gạo còn giữ mùi thơm sữa non, có độ dẻo vừa tầm. Các tháng còn lại người dân làm cốm bằng lúa nếp chín già. Hiện toàn xã có hơn 20 hộ sản xuất cốm vừa và nhỏ. 

Ông Trần Đình Chế, thôn Thống Nhất cho biết: Tôi làm nghề cốm được gần 40 năm, hiện 2 người con trai của tôi cũng đang theo nghề. Ngày nay, hầu hết mọi công đoạn trong quy trình sản xuất đều do máy móc thực hiện, người làm cốm đã bớt đi những vất vả nhưng không vì “công nghiệp hóa” mà cốm Chi Lăng mất đi hương vị đặc trưng lưu truyền từ bao đời. Tôi cố gắng dạy nghề cho lớp trẻ để nghề cốm truyền thống của quê hương không bị thất truyền. 

Hiện nay, xã Chi Lăng đang duy trì và phát triển 3 nghề chính gồm: sản xuất, chế biến cốm; mây tre đan; nón lá... Giá trị sản xuất từ làng nghề truyền thống chiếm 30% giá trị sản xuất toàn xã. Do đó, người dân Chi Lăng vẫn luôn đau đáu tâm nguyện giữ lửa nghề truyền thống cho muôn đời sau. 

Ông Nguyễn Phú Trịnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhằm gìn giữ, phát huy tinh hoa nghề, làng nghề truyền thống, xã tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, tìm kiếm thị trường... cho người dân. Đối với nghề sản xuất cốm, xã đã quy vùng gieo cấy lúa nếp cái hoa vàng hơn 60ha tại thôn Thống Nhất và thôn Tiền Phong, từng bước xây dựng sản phẩm cốm thành sản phẩm OCOP của địa phương. Đối với nghề làm nón lá, xã tiếp tục phát triển các HTX nón lá để thu hút người dân tham gia giữ nghề; giúp đỡ bà con xây dựng thương hiệu, tuyên truyền, quảng bá theo hướng du lịch và xuất khẩu. 

Trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian và cuộc sống, các thế hệ người dân Chi Lăng vẫn “giữ lửa” nghề truyền thống. Có nghề, đời sống của bà con cũng bớt vất vả, no đủ dần lên. Nghề đã không phụ công người như thế!

Cốm Chi Lăng cho chất lượng ngon nhất vào tháng 8 âm lịch, bởi đây là lúc lúa mới, hạt gạo còn giữ mùi thơm sữa non, có độ dẻo vừa tầm.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày