Thứ 7, 23/11/2024, 22:31[GMT+7]

88,5% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

Thứ 4, 02/12/2020 | 15:43:01
860 lượt xem
Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước đã có 88,5% người dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 51% được sử dụng nước sạch.

Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước đã có 88,5% người dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 51% được sử dụng nước sạch.

Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62 (ngày 16/4/2004) của Thủ tướng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch cho môi trường nông thôn đã được Chính phủ phê duyệt vào ngày 25/8/2000 tại Quyết định 104/2000/QĐ-TTg.

Sau đó, ngày 16/4/2004, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg về Chương trình tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.

“Qua gần 20 năm thực hiện chiến lược đã có 88,5% người dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 51% được sử dụng nước sạch đây là tín hiệu hết sức khả thi. Ngoài ra, có 75,2% người dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Có 12,7 triệu hộ vay vốn theo các Chương trình về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62”, Thứ Trưởng Nam cho biết.

Một số địa phương có tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% như Thái Bình, Hải Dương, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Văn Anh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết: Kết quả thực hiện Chương trình tín dụng chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định 62/2004/QĐ-TTg, từ năm 2000 đến nay cả nước đã huy động trên 106,7 nghìn tỷ đồng.

Đã có trên 6,5 triệu lượt hộ gia đình vay làm công trình nước và 6,2 triệu lượt hộ vay làm công trình vệ sinh gia đình với mức vay từ 4-10 triệu đồng/hộ. Doanh số cho vay đạt trên 60,8 nghìn tỷ đồng. Qua đó, góp phần tăng 30% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 19,5% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Vùng có tăng trưởng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng với 3,6 triệu hộ vay xây dựng 2 công trình, trong đó cao nhất là Hà Nội, Hải phòng, thấp nhất là Hà Nam, Quảng Ninh.

Vùng có tăng trưởng thấp là trung du và miền núi phía Bắc chỉ có gần 1,5 triệu hộ, trong đó tỉnh cao là Phú Thọ, thấp là Điện Biên.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng lưu ý, hiện cả nước còn hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh (quy chuẩn Việt Nam) 

Trong các vùng cũng có sự chênh lệch lớn về kết quả vay, ví dụ như tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi tỉnh Long An có tổng số công trình là gần 354.000 thì ở Bạc Liêu số này chỉ là hơn 60.300 công trình.

Từ góc độ địa phương, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện Sóc Trăng là địa phương có trên 67% dân số sống ở khu vực nông thôn.

Để giải quyết nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân nông thôn, thời gian qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều công trình nước sạch. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt gần 99%, trong đó tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt QCVN 02-BYT gần 60%.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhu cầu của nước sạch và vấn đề môi trường nông thôn ngày càng bức thiết.

Do vậy, các chính sách tín dụng, việc huy động vốn trong dân, tổ chức tuyên truyền, thực hiện cần phải có sự đổi mới, quan tâm sâu sắc hơn nữa của các bộ, ngành liên quan, cấp chính quyền địa phương, người dân tham gia, nâng cao ý thức trong tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nông thôn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý, hiện, toàn quốc còn hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh (quy chuẩn Việt Nam), còn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu (nhà vệ sinh) không hợp vệ sinh, hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo trong trường học...

Do đó, các cấp, ngành, địa phương phải tập trung giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường ở các hộ gia đình, nơi công cộng, trường học, quan tâm đến môi trường, cảnh quan; tiêu thoát, chống ô nhiễm nước thải, rác thải...

Theo tienphong.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày