Thứ 7, 23/11/2024, 11:50[GMT+7]

Bảo đảm chất lượng nước sạch phục vụ nhân dân

Thứ 3, 18/01/2022 | 08:00:40
1,064 lượt xem
Với những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch, đến nay, gần 100% dân số vùng nông thôn Thái Bình được tiếp cận, sử dụng nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn quy định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công nhân Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Bình tiến hành vệ sinh định kỳ bể sơ lắng.

Nước sạch về làng

Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Kiu, thôn Minh Quàn, xã Minh Quang (Vũ Thư) cũng như tất cả các hộ dân khác trong thôn đều sử dụng nước giếng khoan có qua hệ thống lọc thủ công để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ năm 2010, bà con nơi đây bắt đầu đóng góp tiền, đấu nối nguồn nước sạch của Xí nghiệp nước Vũ Thư về sử dụng. Nước sạch đã làm thay đổi cuộc sống của người dân, góp phần giảm tỷ lệ người dân bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. 

Ông Phạm Phú Kỷ, thôn Trực Nho, xã Minh Quang cho biết: Trước đây, nguồn nước ngầm ở đây quá nhiều chất sắt, dùng để tắm rửa cũng khó chứ chưa nói chuyện lọc để ăn. Từ ngày có nước máy, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân được bảo đảm vệ sinh hơn. Điều mừng nhất là chúng tôi không còn phải lo lắng một số loại bệnh do sử dụng nguồn nước ô nhiễm như trước đây.

Nước máy về làng không chỉ là niềm vui của người dân các thôn Minh Quàn, Trực Nho mà còn là niềm vui chung của người dân xã Minh Quang sau nhiều năm chờ đợi. Là một trong những người có nhiều trăn trở với công cuộc đưa nước sạch về nông thôn khi ấy, ông Phạm Minh Kha, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang nhớ lại: Trước thực trạng người dân nông thôn thiếu nước sạch trong sinh hoạt, từ năm 2012, Thái Bình luôn coi nước sinh hoạt và môi trường nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Một trong những yếu tố tạo nên thành công trong thực hiện chương trình nước sạch nông thôn ở Thái Bình là những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc rất tích cực để các dự án nước sạch nông thôn sớm đưa vào hoạt động. Nhờ đó, người dân nông thôn được sử dụng nước máy bảo đảm vệ sinh, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.

Bảo đảm chất lượng nước sạch phục vụ nhân dân

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay việc cung cấp nước sạch ở khu vực nông thôn đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm sức khỏe người dân, đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Toàn tỉnh hiện có 75 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế 359.370m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 100% xã, phường, thị trấn. Trong đó, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 15 công trình cấp nước sạch đã được đầu tư xây dựng, tổng công suất thiết kế 14.210m3/ngày đêm, cấp nước cho 23 xã; 20 công trình cấp nước sạch tập trung, đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng công suất sau nâng cấp 28.760m3/ngày đêm, cấp nước cho 49 xã khu vực nông thôn; 24 công trình được đầu tư xây mới theo cơ chế khuyến khích của tỉnh với tổng công suất thiết kế 183.400m3/ngày đêm, cấp nước cho 154 xã khu vực nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 15 công trình cấp nước đô thị với tổng công suất 127.000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 10 phường thuộc thành phố Thái Bình, các khu, cụm công nghiệp, mở rộng cấp nước cho 50 xã, thị trấn trong phạm vi toàn tỉnh; 1 trạm cấp nước của nhà máy Amon Nitrat (Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ VINACOMIN) cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhà máy và nhân dân xã Thái Thọ (Thái Thụy) với công suất cấp nước 6.000m3/ngày đêm. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước sạch tập trung là 98,4%.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia “cuộc cách mạng nước sạch” tại Thái Bình từ những ngày đầu, đến nay Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Bình đã có sự phát triển nhanh chóng cả về quy mô, công nghệ lẫn trình độ quản lý, bảo đảm cung cấp nước sạch liên tục cho hơn 91.000 khách hàng với công suất 78.500m3/ngày đêm. 

Ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Để bảo đảm cung cấp nước an toàn, chất lượng, ổn định cho khách hàng Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Bình đã yêu cầu các nhà máy cung cấp nước sạch thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy móc, thiết bị và vận hành theo đúng quy trình sản xuất nước sạch, phù hợp với từng nhà máy. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nước; lập điểm quan trắc chất lượng nước, hàng tháng lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu với nước sinh hoạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018. Định kỳ phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh lấy các mẫu nước xét nghiệm kiểm tra và kết quả đều đạt theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Duy trì việc kiểm tra ngoại kiểm 1 lần/tháng, kiểm tra nội kiểm 1 lần/tuần, hàng ngày kiểm tra các chỉ tiêu Clo dư, độ đục, pH trong các ca sản xuất nước. Bên cạnh đó, Công ty tăng cường chia sẻ thông tin từ khách hàng về chất lượng nước nhằm khắc phục kịp thời sự cố, phục vụ khách hàng tốt hơn...

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện chương trình bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, yêu cầu các cấp, ngành, các đơn vị cấp nước thực hiện nghiêm túc các nội dung, giải pháp trong kế hoạch đề ra, nhất là trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, bảo đảm cấp nước an toàn và đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống cấp nước, nâng cao năng lực bảo đảm cấp nước an toàn, tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch... Qua đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 có 100% người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn chất lượng của Bộ Y tế; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân dưới 15%.

Học sinh mầm non thực hành rửa tay bảo đảm vệ sinh tại trường học.

Nguyễn Thơi 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày